Bình Định:

Vụ rừng phòng hộ bị "băm vằm": Chỉ là cây bụi rải rác?

(Dân trí) - Thực tế ghi nhận của phóng viên, nhiều cây đường kính khoảng 30cm bị các đối tượng dùng cưa máy triệt hạ. Trong khi đó, ngành chức năng Bình Định thừa nhận tình trạng trên nhưng cho rằng chưa đến mức độ nghiêm trọng, cây bị chặt là cây bụi, chủ yếu là sim…

Ngày 20/05/2017, sau khi báo Dân trí có bài phản ánh: “Rừng phòng hộ bị băm vằm, kiểm lâm ở đâu?”, phản ánh tình trạng phá rừng hầm than và xâm canh tại rừng phòng hộ đầu nguồn hồ chứa nước Đá Vàng và hồ Cây Thích (xã Phước Thanh, huyện Tuy Phước, Bình Định).

Cơ quan chức năng tỉnh Bình Định cho rằng người dân chỉ chặt củi hầm thân
Cơ quan chức năng tỉnh Bình Định cho rằng người dân chỉ chặt củi hầm thân

Ngày 24/5, UBND tỉnh Bình Định có văn bản chỉ đạo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ trì, phối hợp với Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước và các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh nội dung báo Dân trí phản ánh.

Kết quả kiểm tra, địa điểm phá rừng do báo Dân trí phản ánh thuộc khoảnh 10, tiểu khu 326, xã Phước Thành (huyện Tuy Phước); quy hoạch chức năng phòng hộ, do UBND xã Phước Thành quản lý. Rừng thuộc trạng thái DT1 (đất chưa có rừng, có cây bụi rải rác).

Chủ quản lý và sử dụng là Quân đoàn 2, Sư đoàn 31, Quân khu V. Quân đoàn 3 (Sư đoàn 31) được quyền sử dụng là 6.812.000 m2, xã Phước Thành, huyện Tuy Phước, Bình Định. Mục đích sử dụng: An ninh quốc phòng lâu dài.

Gỗ (củi) được cưa thành đoạn ngắn để đưa vào hầm than
Gỗ (củi) được cưa thành đoạn ngắn để đưa vào hầm than

Hiện trạng tại thời điểm kiểm tra, có một số cây bụi rải rác, thực bì chủ yếu là sim, mua…

Hiện Sở NN&PTNT Bình Định chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở và chỉ đạo Hạt Kiểm lầm liên huyện Tuy Phước - Quy Nhơn, phối hợp với UBND xã Phước Thành tăng cường công tác tuần tra, truy quét ngăn trạng tình trạng làm than hầm, lấn chiếm và tái lấn chiếm đất lâm nghiệm để trồng rừng trái pháp luật.

Theo báo cáo của Hạt kiểm lâm liên huyện Tuy Phước - Quy Nhơn, việc người dân vào khu rừng này chặt củi đốt than, đơn vị đã phát hiện từ cuối năm 2016 và đã phối hợp với chính quyền địa phương truy quét nhiều lần nhưng tình trạng chưa chấm dứt hẳn. Thực tế cho thấy, mức độ xâm hại của người dân chưa đáng kể nên chưa ảnh gây tác động lớn đến phòng hộ hồ chứa và phòng thủ của Sư đoàn 31.

Lò than còn gửi chưa được hầm
Lò than còn gửi chưa được hầm

Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế của chúng tôi thì tính chất vụ việc không hẳn như báo cáo kiểm tra của ngành chức năng tỉnh Bình Định.

Cụ thể, tại khu vực lòng hồ Cây Thích và đá hồ Đá Vàng có nhiều cây gỗ có đường kính 10-30 cm bị các đối tượng dùng cưa máy cưa sát gốc, sau đó cưa thành từng khúc để hầm than.

Về việc trồng rừng xâm canh, theo Sở NN&PTNT, từ đầu năm 2017 đến nay, UBND xã Phước Thành đã tổ chức truy quét nhiều lần. Trong các đợt truy quét, UBND xã tiếp tục chặt bỏ các mầm cây keo mọc lại trên diện tích lấn, chiếm đã phá bỏ năm 2016, qua kiểm tra không phát hiện thêm diện tích đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm mới để trồng rừng.

Nhiều khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Cây Thích bị lấn chiếm trồng rừng keo lai
Nhiều khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Cây Thích bị lấn chiếm trồng rừng keo lai

Thực tế cho thấy, tại khu vực lòng hồ Cây Thích nhiều vị trí cây rừng bị chặt hạ để trồng keo lai. Quan sát thì diện tích keo này trồng từ khoảng năm 2016 phát triển xanh tốt. Có nơi cây keo mới trồng cao chừng 30-40cm…

Doãn Công