Vụ “Khuất tất tại Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật Bạc Liêu”: Lãnh đạo trường tiếp tục bị tố “chiếm dụng” hàng trăm triệu đồng

(Dân trí) - Trong khi tổng số tiền liên kết đào tạo chưa được làm rõ ràng thì mới đây, lãnh đạo Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật Bạc Liêu tiếp tục bị “tố” có dấu hiệu “chiếm dụng” hàng trăm triệu đồng tiền liên kết cũng như tiền Nhà nước cấp cho trường này.

Sau loạt bài phản ánh những khuất tất xảy ra tại Trường Trung cấp Văn hóa- Nghệ thuật (TCVHNT) tỉnh Bạc Liêu, vừa mới đây, báo Dân trí tiếp tục nhận được đơn tố cáo của giáo viên “tố” lãnh đạo trường này đã có dấu hiệu “chiếm dụng” hàng trăm triệu đồng từ số tiền liên kết đào tạo các lớp ĐH, CĐ.

Đơn tố cáo của giáo viên gửi báo Dân trí.
Đơn tố cáo của giáo viên gửi báo Dân trí.

Hàng trăm triệu đồng tiền học phí liên kết…vào túi ai ?

Theo đơn tố cáo, từ năm 2007- 2014, Trường TCVHNT Bạc Liêu liên kết với Trường ĐH Đồng Tháp và ĐH Văn hóa TPHCM mở được 16 lớp CĐ, ĐH với 550 học viên. Trong đó có 14 lớp liên thông 2,5 năm với 497 học viên và 2 lớp học 4 năm với 53 học viên, với mức học phí trung bình 5 triệu đồng/người/năm.

Qua tính toán, tổng thu học phí cho 16 lớp liên kết đào tạo trên là trên dưới 7 tỷ đồng (báo Dân trí trước đó đã có bài phản ánh). Tuy nhiên, khi Thanh tra Sở VH-TT&DL tỉnh Bạc Liêu vào cuộc thì chỉ thanh tra làm rõ 5 lớp liên kết với ĐH Văn hóa TPHCM, còn lại 11 lớp liên kết với ĐH Đồng Tháp thì không thanh tra.

Điều đáng nói là trong 5 lớp liên kết đào tạo với số tiền thu được là 2,5 tỷ đồng đã thanh tra nhưng kết quả báo cáo lại chưa rõ ràng. Theo hợp đồng liên kết giữa các trường thì Trường TCVHNT Bạc Liêu nhận 30%, còn trường liên kết nhận 70% trong tổng thu học phí. Cũng theo quy định, Trường TCVHNT Bạc Liêu không chi trả tiền giảng dạy cho giáo viên nhưng trong báo cáo thanh tra thì cho rằng Trường TCVHNT Bạc Liêu chi trả giảng dạy cho giáo viên số tiền là 500 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo người tố cáo, việc chi trả trên là hết sức vô lý, bởi tiền giảng dạy do các trường ĐH liên kết chi trả cho giáo viên. Trường TCVHNT Bạc Liêu chỉ chi trả tiền ăn, tiền xe, phòng ở cho giáo viên khi xuống Bạc Liêu giảng dạy. Như vậy, số tiền 500 triệu đồng mà lãnh đạo Trường TCVHNT Bạc Liêu nói là đã chi trả cho giáo viên giảng dạy đang ở đâu ?

Theo người tố cáo, không chỉ chiếm dụng 500 triệu đồng tiền giảng dạy mà mới đây (giữa tháng 3/2015) khi bàn giao kế toán và thủ quỹ mới, giáo viên trường hết sức bất ngờ khi phát hiện ra số tiền hơn 400 triệu đồng (trong 70% theo hợp đồng) phải trả cho Trường ĐH Đồng Tháp và ĐH Văn hóa TPHCM đến nay vẫn không được Trường TCVHNT Bạc Liêu chi trả. Cụ thể, số tiền chưa trả cho ĐH Đồng Tháp là 103 triệu đồng và ĐH Văn hóa TPHCM là 300 triệu đồng. Trong khi đó, các lớp đào tạo liên kết với 2 trường này đã ra trường từ đầu năm 2014.

Trao đổi với PV Dân trí, người tố cáo bức xúc cho rằng, các lớp đào tạo liên kết đã xong và ra trường hơn 1 năm qua mà Trường TCVHNT Bạc Liêu vẫn còn “nợ” số tiền hơn 400 triệu đồng. Vậy số tiền này đã đi đâu và ai sẽ là người chi trả cho các trường ĐH ?

Cũng theo đơn tố cáo, riêng lớp liên kết với Trường ĐH VH-TT&DL tỉnh Thanh Hóa, năm học thứ nhất (2014) đã thu học phí được 726 triệu đồng, trường trả cho phía Thanh Hóa 80%, còn lại trường giữ 20% (khoảng 141 triệu đồng). Tuy nhiên, đến giờ này trường vẫn không chi trả chế độ cho giáo viên và hoạt động của trường. Nhiều giáo viên cũng không được thông tin, công khai rõ ràng là nhà trường đã sử dụng thế nào số tiền 141 triệu đồng ?

Nhiều khuất tất xảy ra tại Trường TCVHNT Bạc Liêu nhưng vẫn chưa được cơ quan quản lý xử lý cụ thể.
Nhiều khuất tất xảy ra tại Trường TCVHNT Bạc Liêu nhưng vẫn chưa được cơ quan quản lý xử lý cụ thể.

Sử dụng tiền nhà nước như tiền túi !

Theo đơn tố cáo, hàng năm, Trường TCVHNT Bạc Liêu được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động khoảng 4 tỷ đồng, trong đó chi tiền lương khoảng 1,5 tỷ đồng, còn lại là chi thường xuyên.

Theo người tố cáo, từ năm 2004 đến 2014, lãnh đạo trường (cụ thể là ông Trịnh Việt Xô- Hiệu trưởng, đã được cho nghỉ hưu từ tháng 8/2014) không mua được cho nhà trường bất cứ tài sản nào có giá trị khoảng 100 triệu đồng, kể cả dụng cụ dạy học. Ngoài ra, trường ít đi tuyển sinh, mỗi năm chỉ đi vài huyện là xong nhưng hàng năm vẫn không đủ tiền để hoạt động.

Chỉ tính riêng năm 2014, kinh phí Nhà nước cấp cho trường là 3,826 tỷ đồng; chi đến hết tháng 7/2014 là 2,014 tỷ đồng; còn lại chi từ tháng 8/2014 đến tháng 12/2014 là 1,811 tỷ đồng, trong đó tiền lương 5 tháng là 600 triệu đồng, vậy còn khoảng 1,2 tỷ đồng thì không biết ở đâu và dùng vào việc gì ?

Trao đổi với PV, người tố cáo cho rằng, để làm rõ những khoản tiền Nhà nước cấp cho trường, đề nghị cơ quan chức năng cho thanh tra các khoản chi từ 3 năm trở lại đây.

Cũng theo đơn tố cáo, trong năm 2010, ông Hiệu trưởng Trịnh Việt Xô tự ý cho một giáo viên ứng số tiền 89 triệu đồng để tổ chức lễ 9/1. Giáo viên ứng tiền không làm giấy tờ tạm ứng nhưng ông Xô vẫn cho tạm ứng và đến nay số tiền này phải lấy chứng từ khác để thanh toán. “Tôi thấy điều này rất vô lý bởi tiền là của trường chứ không của riêng ông Xô muốn cho ai ứng cũng được mà không cần giấy tờ gì, ở đây là không có sự minh bạch”, người tố cáo khẳng định.

Vào năm 2011, khi kế toán cũ nghỉ hưu, bàn giao lại cho kế toán mới là ông Nguyễn Trường Thuận (hiện ông Thuận có sai phạm đã bị cho thôi chức chức kế toán). Ông Xô và kế toán cũ chi khống 190 triệu đồng, không có chứng từ chứng minh và đến nay vẫn không quyết toán được. “Số tiền cả trăm triệu đồng này tôi không biết đã vào túi ai”, người tố cáo bức xúc.

Trước những bức xúc trên của giáo viên, khi làm việc với PV Dân trí về các nội dung tố cáo, ông Nguyễn Chí Thiện - Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Bạc Liêu cho biết, lãnh đạo Sở VH-TT&DL sẽ cho kiểm tra lại để làm rõ.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc. 

                                                                                                H.H