Vụ cụ bà 76 tuổi khốn khổ kêu cứu: Chuyển hồ sơ lên TAND tỉnh Long An!

(Dân trí) - Sau khi cụ bà 76 tuổi có đơn khởi kiện bổ sung yêu cầu TAND huyện Bến Lức hủy giấy CNQSD đất số BS 901514 ngày 25/3/2014, phía TAND huyện Bến Lức đã chuyển hồ sơ vụ án lên TAND tỉnh Long An thụ lý giải quyết theo thẩm quyền.

bangoc-1481611337926

Bà Ngọc mòn mỏi chờ công lý

Liên quan đến vụ bà Đỗ Thị Ngọc (76 tuổi, ngụ phường 5, TP Tân An, tỉnh Long An, nguyên Chi cục Trưởng chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Long An) ròng rã nhiều năm đội đơn khiếu nại, cầu cứu đến các cơ quan chức năng tỉnh Long An về việc bị bà Trần Thị Sáu (nguyên Trạm trưởng Trạm bảo vệ thực vật huyện Bến Lức, tỉnh Long An) chiếm đoạt gần 15.000 m2 đất tại xã Thạnh Lợi (huyện Bến Lức), đại diện TAND huyện Bến Lức cho biết đã mời những đương sự có liên quan đến vụ án dân sự thụ lý số 38/2016/TLST-DS ngày 22/3/2016 về việc "tranh chấp quyền sử dụng đất; đòi tài sản và hợp đồng chuyển nhượng sử dụng đất" lên làm việc.

Đồng thời, thông báo cho các đương sự việc chuyển hồ sơ vụ án lên TAND tỉnh Long An giải quyết theo thẩm quyền. Các đương sự có quyền khiếu nại quyết định này trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày quyết định được ký.

Trước đó, tại quyết định giám đốc thẩm số 47/2016/DS-GĐT ngày 22/2 của Ủy ban thẩm phán - TAND Cấp cao tại TP HCM đã tuyên hủy toàn bộ hai bản án dân sự sơ thẩm số 11/2013/DSST ngày 31/1/2013 của TAND huyện Bến Lức và bản án dân sự phúc thẩm số 233/DSPT ngày 30/8/2013 của TAND tỉnh Long An. Ủy ban thẩm phán - TAND Cấp cao tại TP HCM xét thấy, bà Ngọc không ký hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ cho bà Sáu, cũng không ủy quyền cho người khác chuyển nhượng QSDĐ cho bà Sáu. TAND cấp sơ thẩm và phúc thẩm công nhận cho vợ chồng bà Sáu được quyền sử dụng phần đất của bà Ngọc được cấp là trái pháp luật.

Với nhiều điểm uẩn khúc, bất thường trong hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm tuyên đối với bà Ngọc, TAND Cấp cao đã quyết định tuyên hủy toàn bộ hai bản án này. Giao hồ sơ vụ án cho TAND huyện Bến Lức, tỉnh Long An xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên đến nay, do tình tiết phát sinh nên vụ việc tiếp tục chuyển lên TAND tỉnh Long An.

Trao đổi với PV Dân Trí, bà Đỗ Thị Ngọc bức xúc: "Gần 10 năm qua tôi và gia đình đã tốn bao nhiêu tiền của, công sức để đi đòi lại 15.000m2 của gia đình. Chúng tôi đã nhiều lần tưởng đi vào tuyệt vọng vì không hiểu biết pháp luật để đòi lại công lý. Nay tòa án huyện chuyển hồ sơ lên tòa án tỉnh, tôi mong rằng tòa án tỉnh Long An sẽ vào cuộc gắt gao để đòi lại công lý cho tôi. Tôi giờ đã hơn 76 tuổi, tôi chỉ mong đòi lại những gì cha mẹ và tôi đã gầy dựng từ khi còn nhỏ để có thể nhắm mắt xuôi tay không cảm thấy bị oan ức. Tôi kính mong các = cơ quan chức năng lưu ý đến sự việc của tôi để nó không bị chìm xuồng", bà Ngọc chia sẻ.

Dù gia đình có truyền thống Cách Mạng nhưng bà Ngọc đang có nguy cơ mất trắng 15.000m2 đất.
Dù gia đình có truyền thống Cách Mạng nhưng bà Ngọc đang có nguy cơ mất trắng 15.000m2 đất.

Trước đó, trong đơn cầu cứu gửi đến Báo Dân trí của cụ bà Đỗ Thị Ngọc trình bày: “Năm 1992, tôi nhờ bà Trần Thị Sáu (nguyên Trạm trưởng Trạm bảo vệ thực vật huyện Bến Lức, tỉnh Long An) mua giúp 14.848m2 đất tại xã Thạnh Lợi (huyện Bến Lức). Ngày 10/7/1995, UBND huyện Bến Lức đã cấp quyết định giao đất số 1008/QĐUB giao diện tích đất trên cho tôi để khai hoang sản xuất với thời gian giao đất là 15 năm”.

Cuối năm 1995, khi được UBND huyện Bến Lức giao đất, bà Ngọc đã đầu tư để khai hoang đất để trồng mía. Vì là chỗ quen biết và cùng làm chung ngành nên bà Ngọc tin tưởng giao cho bà Sáu quản lý và điều hành việc trồng mía trên diện tích đất trên.

Đầu năm 2008, do có nhu cầu sử dụng lại đất nên bà Ngọc đến UBND xã Thạnh Lợi làm thủ tục xin đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho lô đất trên thì bà Ngọc giật mình khi được cán bộ xã Thạnh Lợi cho biết mảnh đất diện tích gần 15.000m2 của bà đã được cấp GCNQSDĐ từ năm 2005.

“Tôi chưa từng làm thủ tục đăng ký xin cấp sổ đỏ và cũng không hề ủy quyền cho bất kỳ ai nên khi sự việc xảy ra tôi khá bất ngờ. Tôi nghĩ chắc có sự nhầm lẫn nào đó nên tôi gửi đơn đến các cơ quan chức năng để làm rõ. Sau một thời gian tìm hiểu, tôi được biết bà Trần Thị Sáu đã giả mạo toàn bộ hồ sơ đi đăng ký và được sự tiếp tay của nhiều cán bộ chính quyền nên bà ấy mới chiếm giữ được mảnh đất của tôi”, bà Ngọc khẳng định.

Trong đơn kêu cứu gửi đến nhiều cơ quan chức năng tỉnh Long An, bà Ngọc luôn khẳng định, “mấu chốt” khiến vụ việc của bà kéo dài chính là việc “quả bóng trách nhiệm" của UBND huyện Bến Lức và Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện này.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Xuân Hinh - Trung Kiên