Bài 4:

Vụ con liệt sĩ mất đất: TAND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu làm rõ tố cáo của bị đơn!

(Dân trí) - Liên quan đến vụ “Con liệt sĩ chính thức mất đất sau bản án khó hiểu của tòa”, sau khi TAND huyện Kế Sách tuyên án, TAND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu làm rõ tố cáo của bị đơn.

Bà Phan Thị Thu Thủy và ông Phan Thành Trung (bị đơn trong vụ kiện) đã làm đơn gửi Chánh án TAND tỉnh Sóc Trăng để tố cáo Thẩm phán sơ cấp Trần Vinh Thắng (chủ tọa phiên tòa sơ thẩm) với nội dung: Thẩm phán Thắng chưa xem xét, đánh giá toàn diện tài liệu, chứng cứ; có biểu hiện tiêu cực khi giải quyết vụ án tranh chấp về thừa kế tài sản giữa bà Thủy, ông Trung với các ông, bà Dương Thị Kim Dì, Dương Thị Ngọc Liêm và Nguyễn Phước Nhơn để tuyên xử bà Thủy, ông Trung thua kiện, mất tài sản vào tay bà Dì, bà Liêm và ông Nhơn dù những người này không có hồ sơ hợp lý theo quy định của pháp luật.

Trao đổi với PV, ông Lê Thành Công - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Thanh tra và Thi đua khen thưởng (TAND tỉnh Sóc Trăng) cho biết: Căn cứ vào khoản q, Điều 12 Luật Tố cáo năm 2011, TAND tỉnh Sóc Trăng đã chuyển đơn tố cáo của bà Thủy, ông Trung và các tài liệu kèm theo đến Chánh án TAND huyện Kế Sách để giải quyết theo thẩm quyền và báo cáo kết quả giải quyết về Phòng Tổ chức cán bộ, Thanh tra và Thi đua khen thưởng trước ngày 30/6/2017.

Văn bản chỉ đạo của TAND tỉnh Sóc Trăng.
Văn bản chỉ đạo của TAND tỉnh Sóc Trăng.

Như Dân trí đã phản ánh, cha mẹ bà Thủy và ông Trung là ông Phan Công Khanh và bà Nguyễn Thị Ba có diện tích đất 10.865m2 tọa lạc tại ấp Phụng An, xã An Mỹ, huyện Kế Sách (nay thuộc ấp Trường Thọ, xã An Mỹ) từ năm 1952.

Năm 1962, ông Phan Công Khanh hy sinh. Bà Ba tiếp tục quản lý, sử dụng điện tích đất trên, được UBND huyện Kế Sách cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 23/5/1994 đứng tên bà là chủ tài sản.

Sau năm 1975, bà Nguyễn Thị Ba và ông Dương Minh Hảo (SN 1926, ngụ cùng địa phương, mất ngày 18/2/2014) gá nghĩa với nhau, không đăng ký kết hôn, không có con chung; tháng 4/1996, ông Hảo nhập hộ khẩu vào hộ gia đình bà Ba.

Ngày 20/8/2007, bà Nguyễn Thị Ba chết không để lại di chúc, diện tích đất nói trên do ông Phan Thành Trung (con trai) quản lý, sử dụng.

Năm 2008, ông Nguyễn Phước Nhơn (ấp Trường Thọ, xã An Mỹ) cho rằng ông đã mua một phần đất của bà Nguyễn Thị Ba và ông Dương Minh Hảo ngày 20/4/2007, có làm giấy mua bán viết tay, không có xác nhận của chính quyền địa phương.

Ngày 20/5/2010, ông Dương Minh Hảo lại viết giấy tay cho ông Nhơn thêm 3m chiều ngang, dài 20,5m nên bơm cát vào điện tích đất nói trên thì bị ông Trung khởi kiện ra tòa.

Hòa giải tại UBND xã An Mỹ ngày 24/12/2010, ông Dương Minh Hảo thừa nhận: “Diện tích đất bà Nguyễn Thị Ba đứng tên là 10.865m2 có từ năm 1952, là có trước khi bà Ba chung sống với ông nên thuộc quyền sở hữu của bà Ba, còn đất sang cho ông Nhơn thì ông không quan tâm vì đất này không phải của ông”.

Thế nhưng, khi ra tòa, cả 2 cấp tòa sơ thẩm (ngày 3/8/2012) và phúc thẩm (ngày 19/12/2012) đều xử bác yêu cầu khởi kiện của ông Trung.

Ông Trung trên phần đất bị tòa tuyên cho người khác.
Ông Trung trên phần đất bị tòa tuyên cho người khác.

Tiếp đó, ngày 21/8/2013, ông Dương Minh Hảo tự mình viết tay tờ di chúc với nội dung “Khi tôi qua đời tài sản của tôi gồm có 6.865m2, tôi cho 2 đứa con gái tôi Dương Thị Kim Dì, Dương Thị Ngọc Liêm; tôi tặng Nguyễn Phước Nhơn một ngôi nhà ngang 5/4, dài 14m”. Tờ di chúc này không có xác nhận của cơ quan chức năng.

Ngày 9/9/2013, ông Hảo viết tiếp tờ giấy tay với nội dung tặng cho ông Nguyễn Phước Nhơn một căn nhà ngang 5,4m, dài 14m và bổ sung tặng cho nhà ở và đất ở nhưng cả 2 tờ giấy này không thể hiện vị trí thửa đất và ông Hảo không có chứng cứ gì chứng minh đất ông cho những người kia là tài sản của ông. Với tờ di chúc và tặng viết tay không có xác nhận của chính quyền địa phương này, các con ông Hảo và ông Nhơn khởi kiện bà Phan Thị Thu Thủy và ông Phan Thành Trung ra tòa án.

Ngày 28/4/2017, TAND huyện Kế Sách mở phiên tòa xét xử và tuyên “Di chúc viết tay ngày 21/8/2013 và Di tặng ngày 9/9/2013 của ông Dương Minh Hảo có hiệu lực pháp luật”. Từ đó, tòa tuyên theo như “nguyện vọng” của ông Hảo, chỉ chừa lại 2 người con ruột của bà Ba diện tích 1.696,57m2 là di sản của bà Ba.

Luật sư Hoàng Văn Quyết (Đoàn Luật sư tỉnh Sóc Trăng) cho rằng: “Tờ di chúc của ông Hảo viết tay không có xác nhận của cơ quan chức năng, nhất là không thể hiện rõ ràng tính pháp lý của tài sản cho tặng là không đúng quy định của pháp luật nên tuyên xử như vậy là không thuyết phục”.

Bạch Dương