Bài 4:

Vụ cổ phần hoá “vịt trời” tại HACINCO: “chìa khoá” tháo gỡ vướng mắc nằm ở đâu?

(Dân trí) - “Ban hành Quyết định 1886/QĐ-UBND để tăng tỷ lệ cổ phần nhà nước, đồng nghĩa với việc giảm quyền biểu quyết, quyền sở hữu của các nhà đầu tư hợp pháp là không công bằng. Quyết định 1886/QĐ-UBND đã tiếp tục cuốn các nhà đầu tư hợp pháp vào “mớ bòng bong” mới, khiến quá trình cổ phần sẽ vẫn tiếp tục bế tắc bởi những điều không thể triển khai”, luật sư Phan Thị Lam Hồng phân tích.

Sau loạt bài Báo điện tử Dân trí đã đưa tin về vụ cổ phần hóa “vịt trời” tại Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (HACINCO) khiến cho quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư cũng như của người lao động trong doanh nghiệp bị xâm phạm nghiêm trọng, UBND TP Hà Nội vừa ban hành công văn số 8384/VP-KT ngày 3/12/2015 gửi Giám đốc Sở Tài chính; Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội; Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (Công ty HACINCO) chỉ đạo:

1. Yêu cầu Sở Tài chính phối hợp Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội, công ty HACINCO khẩn trương thực hiện quyết định số 1886/QĐ-UBND thành phố và chỉ đạo của UBND thành phố tại Thông báo số 15/TB-VP ngày 20/01/2014 để chuyển Công ty đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội thành Công ty Cổ phần.

2. Sở Tài chính báo cáo UBND thành phố về việc thực hiện cổ phần hóa Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội trước ngày 11/12/2015.

Vụ cổ phần hoá “vịt trời” tại HACINCO: “chìa khoá” tháo gỡ vướng mắc nằm ở đâu? - 1


UBND TP Hà Nội có công văn chỉ đạo gấp rút cổ phần hoá tại HACINCO sau loạt bài của Dân trí.

UBND TP Hà Nội có công văn chỉ đạo gấp rút cổ phần hoá tại HACINCO sau loạt bài của Dân trí.

Vậy Quyết định 1886/QĐ-UBND chứa đựng những nội dung giữ vai trò quyết định như thế nào đến việc cổ phần hoá tại HACINCO?

Quay trở lại hồ sơ vụ việc, sau khi UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định 7252/QĐ-UB ngày 29/10/2004 cho phép HACINCO triển khai cổ phần hóa và Quyết định số 6680/QĐ-UB ngày 29/9/2005 phê duyệt giá trị doanh nghiệp và phương án cổ phần hóa. Ngày 25/10/2005, Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội đã tổ chức phiên đấu giá, kết quả là đã bán được 3.702.200 cổ phần cho 58 nhà đầu tư, với tổng số tiền phải thu theo kết quả đấu giá là 37.026.600.000 đồng, giá bình quân 10.001 đồng/1 cổ phần. Số cổ phần chào bán không có người mua là: 283.440 cổ phần

Căn cứ Báo cáo tổng hợp kết quả bán đấu giá cổ phần của HACINCO, ngày 28/11/2005 Sở Tài chính có công văn số 4131 STC/TCDN-P2 đề nghị UBND TP xem xét điều chỉnh giảm vốn điều lệ tương ứng mệnh giá cổ phần không bán được là: 2.834.400.000 đồng.

Ngày 30/11/2005 UBND thành phố Hà Nội có Quyết định số 7867/QĐ-UB điều chỉnh vốn điều lệ và cơ cấu vốn điều lệ của HACINCO như sau: Tổng vốn điều lệ là 47.168.600.000 đồng, trong đó:

+ Cổ phần nhà nước và giao Tổng Công ty ĐTPT nhà Hà Nội quản lý (9,65%): 4.553.600.000 đồng;

+ Cổ phần bán ưu đãi cho 498 lao động theo năm công tác (11,85%): 5.590.000.000 đồng;

+ Cổ phần bán đấu giá (78,5%): 37.025.000.000 đồng.

Ngay sau đó, HACINCO đã tổ chức họp Đại hội cổ đông, bầu ra Hội đồng quản trị, chỉ còn chờ quyết định của UBND thành phố Hà Nội nữa là sẽ hoàn tất quá trình cổ phần hóa. Tuy nhiên, do có nhiều sai phạm như: chuyển nợ thành vốn góp sai quy định; tính trùng số năm công tác của người lao động... (theo Công văn số 4143/UBND-CN ngày 31/7/2007 của UBND TP Hà Nội gửi Thủ tướng Chính phủ), nên việc cổ phần hoá công ty HACINCO đã bị dừng lại.

Đến ngày 22/4/2010, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định 1886/QĐ-UBND về việc điều chỉnh vốn điều lệ và cơ cấu vốn điều lệ, theo đó, vốn điều lệ của HACINCO giữ nguyên theo Quyết định số 7867/QĐ-UB ngày 30/11/2005 là 47.168.600.000 đồng, tuy nhiên, cơ cấu vốn điều lệ lại có sự thay đổi theo hướng tăng tỷ lệ vốn góp của nhà nước từ 9,11% lên 49,6%, cụ thể như sau:

+ Giá trị cổ phần Nhà nước nắm giữ: 23.394.040.000 đồng, chiếm 49,6%

+ Giá trị cổ phần ưu đãi: 1.889.790.000 đồng, chiếm 4,0%

+ Giá trị cổ phần bán đấu giá: 21.884.770.000 đồng, chiếm 46,4%

Vụ cổ phần hoá “vịt trời” tại HACINCO: “chìa khoá” tháo gỡ vướng mắc nằm ở đâu? - 3

Vụ cổ phần hoá “vịt trời” tại HACINCO: “chìa khoá” tháo gỡ vướng mắc nằm ở đâu? - 4

Từ khi ban hành Quyết định 1886/QĐ-UBND đến nay, mặc dù đã được rất nhiều cơ quan, ban ngành từ trung ương tới địa phương chỉ đạo, đôn đốc thực hiện như: Công văn số 1704/VPCP-KNTN ngày 22/3/2011 của Văn phòng Chính phủ và các công văn của UBND TP Hà Nội: Công văn số 830/UBND-KL ngày 29/01/2011, Công văn số 2096/UBND-KT ngày 28/03/2011, Công văn số 6552/VP-KT ngày 18/11/2013, Công văn số 5108/VP-KT ngày 11/8/2014... nhưng đã hơn 05 năm, việc cổ phần hóa tại HACINCO dường như vẫn dậm chân tại chỗ.

Theo Luật sư Phan Thị Lam Hồng - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội thì Quyết định 1886/QĐ-UB có rất nhiều điểm bất cập nên không thể triển khai thực hiện được trên thực tế.

“Thứ nhất, Quyết định 1886/QĐ-UBND ban hành nhằm điều chỉnh vấn đề cổ phần hoá tại HACINCO, do vậy vẫn phải tuân theo các quy định pháp luật tại Nghị định 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 của Chính phủ về chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần, chứ không thể áp dụng Nghị định 109/2007/NĐ-CP.

Chính vì thế mà ngay tại phần căn cứ của Quyết định 1886/QĐ-UBND đã đưa ra các văn bản quy phạm pháp luật áp dụng để điều chỉnh vốn điều lệ và cơ cấu vốn điều lệ tại HACINCO, trong đó có Nghị định 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 và Thông tư số 126/2004/TT-BTC ngày 24/12/2004.

Mặt khác, căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 80 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 và khoản 1 Điều 83 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 thì văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực và được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực.

Do đó, việc điều chỉnh vốn điều lệ và cơ cấu vốn điều lệ để sửa chữa các sai phạm xảy ra tại thời điểm tháng 11/2005 như: “chuyển nợ thành vốn góp sai quy định, vi phạm quy chế đấu giá cổ phần lần đầu, mua cổ phần ưu đãi tính trùng và chuyển nợ lương sai quy định.” (Điều 2, Quyết định 1886/QĐ-UBND ngày 22/4/2010) phải tuân theo quy định tại Nghị định 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 và Thông tư số 126/2004/TT-BTC ngày 24/12/2004 chứ không thể áp dụng các quy định của Nghị định 109/2007/NĐ-CP, một văn bản pháp luật được ban hành sau khi việc cổ phần hoá HACINCO đã được triển khai hơn ba năm trời.

Thứ hai, tại Quyết định số 1886/QĐ-UBND, UBND thành phố Hà Nội đã điều chỉnh cơ cấu vốn điều lệ theo hướng tăng tỷ lệ vốn góp của nhà nước từ 9,11% lên 49,6% là không phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp và trái ngược với các quy định của chính sách, pháp luật về cổ phần hóa.

Cổ phần hóa là việc chuyển đổi những công ty nhà nước mà Nhà nước không cần giữ 100% vốn sang loại hình công ty cổ phần nhằm huy động vốn của các cá nhân, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội trong nước và ngoài nước để tăng năng lực tài chính, đổi mới công nghệ, đổi mới phương thức quản lý nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Vụ cổ phần hoá “vịt trời” tại HACINCO: “chìa khoá” tháo gỡ vướng mắc nằm ở đâu? - 5

Sau nhiều văn bản ban hành của TP Hà Nội về việc cổ phần hoá tại HACINCO, luật sư Phan Thị Lam Hồng nhận định chìa khoá giải quyết nằm tại Quyết định 1886/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội.

Sau nhiều văn bản ban hành của TP Hà Nội về việc cổ phần hoá tại HACINCO, luật sư Phan Thị Lam Hồng nhận định "chìa khoá" giải quyết nằm tại Quyết định 1886/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội.

Đây là chính sách rất đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đáp ứng được nhu cầu phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có nhiều nơi, nhiều lúc, nhiều tổ chức, cá nhân thực hiện chưa đúng, chưa hiệu quả chính sách và quy định pháp luật về cổ phần hóa, gây nên những hiệu quả tiêu cực, ngược lại với mục tiêu của việc cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước mà trường hợp tại HACINCO là một điển hình.

Có lẽ sau những sai phạm trong việc chào bán cổ phần cho các nhà đầu tư và người lao động được các bộ ban ngành mổ xẻ và kết luận, Quyết định số 1886/QĐ-UBND ra đời như một giải pháp của UBND thành phố Hà Nội để xử lý đối với những cổ phần chào bán sai quy định pháp luật. Tuy nhiên quyết định này lại bộc lộ rất rõ những điểm bất hợp lý, cụ thể:

Xét về phương án cổ phần hoá đã được phê duyệt: Có thể thấy rõ giải pháp theo hướng tăng tỷ lệ vốn góp của nhà nước từ 9,11% lên 49,6% của Quyết định 1886/QĐ-UBND lại hoàn toàn trái ngược với tinh thần của Quyết định 94/2005/QĐ-TTg ngày 05/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới Công ty Nhà nước thuộc UBND TP Hà Nội”. Theo tinh thần của Quyết định 94/2005/QĐ-TTg thì phương án cổ phần hóa tại HACINCO đã được phê duyệt là: “Nhà nước giữ cổ phần ở mức thấp hoặc không giữ cổ phần” (điểm b, khoản 2, Chương I, Phân A, Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 94/2005/QĐ-TTg). Kể từ đó đến nay, Thủ tướng Chính phủ cũng chưa hề có bất kỳ văn bản nào thay thế, sửa đổi, bổ sung Quyết định số 94/2005/QĐ-TTg nói trên. Do vậy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phải có trách nhiệm chỉ đạo: “Thực hiện việc sắp xếp, đổi mới công ty nhà nước trực thuộc theo đúng nội dung và tiến độ đã được duyệt.” (Điều 2, Quyết định số 94/2005/QĐ-TTg) chứ không thể đưa ra một sự thay đổi như trong Quyết định 1886/QĐ-UBND.

Xét về hình thức cổ phần hóa: Theo Quyết định 6680/QĐ-UB ngày 29/09/2005 của UBND thành phố Hà Nội phê duyệt giá trị doanh nghiệp và phương án cổ phần hóa của HACINCO thì tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, ngày 31/12/2004, thì giá trị thực tế vốn nhà nước tại doanh nghiệp là: 7.189.588.114 đồng. Trong khi đó, phương án cổ phần hóa được phê duyệt thì cơ cấu vốn điều lệ của cổ phần nhà nước còn 4.553.600.000 đồng (9,11%); cổ phần bán ưu đãi cho người lao động: 5.590.000.000 đồng (11,18%); cổ phần bán đấu giá công khai: 39.856.400.000 đồng (79,71%). Vốn điều lệ: 50.000.000.000 đồng.

Như vậy, hình thức cổ phần hóa tại HACINCO (theo phương án được phê duyệt tại Quyết định 6680/QĐ-UB) là kết hợp vừa bán bớt một phần vốn nhà nước, vừa phát hành thêm cổ phiếu để thu hút vốn, phù hợp với quy định tại khoản 2, Điều 3, Nghị định 187/2004/NĐ-CP. Do đó, việc tăng tỷ lệ vốn góp của nhà nước: “Giao Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội đầu tư thêm phần vốn nhà nước tại Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội số tiền: 17.360.450.000 đồng...” (theo Điều 2, Quyết định 1886/QĐ-UBND) là trái với hình thức cổ phần hóa được quy định tại Điều 3, Nghị định 187/2004/NĐ-CP.

Xét về phương án xử lý cổ phần chưa bán hết: Đối với số cổ phần chào bán sai quy định pháp luật như chuyển nợ thành vốn góp sai quy định; tính trùng số năm công tác của người lao động... thì vẫn là những cổ phần chưa bán ra được, do vậy phải áp dụng quy định tại khoản 5, Điều 31, Nghị định 187/2004/NĐ-CP “...Trường hợp cổ phần chưa bán hết thì doanh nghiệp báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định cổ phần hoá để điều chỉnh quy mô hoặc cơ cấu vốn điều lệ trong phương án cổ phần hoá và thực hiện chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần”, theo đó giảm vốn điều lệ tương ứng với số cổ phần không bán được, bán sai quy định, tương tự như việc trước đó UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 7867/QĐ-UB ngày 31/11/2005 để điều chỉnh giảm vốn điều lệ của HACINCO. Thế nhưng tại Quyết định 1886/QĐ-UBND thì UBND TP Hà Nội lại quyết định tăng tỷ lệ cổ phần của nhà nước tại HACINCO, ko tuân theo một trong ba hình thức cổ phần hóa được quy định trong Nghị định 187/2004/NĐ-CP, đi ngược lại với phương án cổ phần hóa đã được phê duyệt của Thủ tướng Chính (Quyết định số 94/2005/QĐ-TTg ngày 05/5/2005)

Có thể nói, giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khắc phục sai phạm trong quy trình cổ phần hoá HACINCO của UBND TP Hà Nội đưa ra tại Quyết định 1886/QĐ-UBND là hoàn toàn không phù hợp với quy định pháp luật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư và người lao động, bởi việc tăng tỷ lệ cổ phần nhà nước đồng nghĩa với việc giảm quyền biểu quyết, quyền sở hữu của họ tại doanh nghiệp.

Các nhà đầu tư hợp pháp là những người tuân thủ tất cả các quy định pháp luật trong việc đầu tư tài sản và tâm huyết của mình vào HACINCO, nhưng cuối cùng họ lại là những người bị thiệt hại nặng nề nhất cho đến thời điểm này. Số tiền hơn 23 tỷ đồng mà họ đầu tư mua cổ phần của HACINCO (bao gồm: vốn cổ đông mua theo giá ưu đãi là 1.889.790.000 đồng và vốn cổ đông mua đấu giá trên sàn giao dịch là 21.884.770.000 đồng) vào thời điểm năm 2005 đã được chính HACINCO rút về sử dụng trong suốt 10 năm qua, trong khi quá trình cổ phần hoá vẫn chưa hoàn tất và chưa có quyết định chính thức của UBND thành phố Hà Nội về việc chuyển Doanh nghiệp nhà nước HACINCO thành công ty cổ phần HACINCO. Do vậy, việc số tiền mua cổ phần của các nhà đầu tư hợp pháp không được gửi vào tài khoản của doanh nghiệp tại kho bạc nhà nước mà chuyển vào tài khoản của doanh nghiệp tại Ngân hàng hoặc nộp vào quỹ tại doanh nghiệp mà lại để doanh nghiệp sử dụng số tiền này là sai quy định pháp luật (theo Công văn số 5494/UBND-CN ngày 24/11/2006 của UBND TP Hà Nội)

Như vậy, có thể thấy trong suốt quãng thời gian hơn 10 năm cổ phần hóa, quyền lợi của những nhà đầu tư hợp pháp chưa được bảo đảm, chịu nhiều thiệt hại và rủi ro, từ cơ hội kinh doanh bị mất cho đến vấn đề lãi suất, trượt giá, quyền tham gia điều hành công ty và cả những rủi ro trong quá trình điều chỉnh chính sách, pháp luật. Thế nên UBND TP Hà Nội đã không công bằng với các nhà đầu tư hợp pháp khi ban hành Quyết định 1886/QĐ-UBND để tăng tỷ lệ cổ phần nhà nước, đồng nghĩa với việc giảm quyền biểu quyết, quyền sở hữu của họ tại doanh nghiệp. Quyết định 1886/QĐ-UBND có nội dung không phù hợp với các quy định pháp luật, đã tiếp tục cuốn các nhà đầu tư hợp pháp vào “mớ bòng bong” mới, khiến quá trình cổ phần sẽ vẫn tiếp tục bế tắc bởi những điều không thể triển khai”.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế