Bài 2:

Vụ bác sĩ, y sĩ, nhân viên… bãi công vì bệnh viện nợ lương: Sở Y tế Nghệ An cử cán bộ giám sát

(Dân trí) - Đó là trả lời của ông Hoàng Văn Hảo - PGĐ Sở Y tế Nghệ An với PV Dân trí vào trưa 2/8, sau khi ông Hảo có cuộc họp với Ban lãnh đạo BVĐK Thành An - Sài Gòn vào sáng cùng ngày.

Người lao động tập trung phản ánh với PV tại cuộc gặp trưa 1/8.
Người lao động tập trung phản ánh với PV tại cuộc gặp trưa 1/8.

Trưa 2/8, trao đổi với PV Dân trí, ông Hoàng Văn Hảo - PGĐ Sở Y tế Nghệ An cho biết, chiều hôm qua (1/8) sau khi nhận được thông tin, Sở đã cử một đoàn đến để tìm hiểu và làm việc. Sáng nay (2/8), đích thân ông Hảo cùng đoàn của Sở Y tế tiếp tục làm việc với Ban giám đốc BVĐK Thành An - Sài Gòn liên quan đến vụ việc báo Dân trí đã phản ánh.

“Chúng tôi yêu cầu bệnh viện muốn tiếp tục triển khai công tác khám chữa bệnh (bao gồm cả nội trú và ngoại trú) thì ít nhất phải có 2 điểm.

Thứ nhất: Bệnh viện phải có tờ trình liên ngành, ký cam kết làm việc giữa các đội ngũ, các tổ trong bệnh viện với lãnh đạo bệnh viện. Thứ hai: Nhà đầu tư ký cam kết đầu tư kinh phí (từ nay 2/8 đến cuối tuần), trước mắt phải bỏ ra 2-3 tỷ đồng để mua sắm thuốc men, dụng cụ, hóa chất vật tư để đảm bảo hoạt động bình thường.

Con dấu, giấy tờ... vứt ngổn ngang.
Con dấu, giấy tờ... vứt ngổn ngang.

Cũng theo ông Hảo, tại buổi làm việc sáng nay (2/8) với Sở Y tế và các ngành liên quan, chủ đầu tư (BVĐK Thành An - Sài Gòn) cũng đã hứa với đoàn vào ngày 15/8 tới sẽ trả cho người lao động 1 tháng lương”, ông Hảo cho biết.

“Phía bệnh viện hứa 15/8 tới đây sẽ trả cho anh em (người lao động) 1 tháng lương và họ đã đồng ý quay trở lại để làm việc. Bên cạnh đó, Sở chúng tôi sẽ cử một cán bộ giám sát tại bệnh viện này từ nay đến cuối tuần xem xét bệnh viện này hoạt động có bình thường không, có đúng như cam kết không… Nếu như đảm bảo được các yếu tố trên thì vẫn cho hoạt động duy trì, tiếp tục phát triển, còn không thì sẽ xử lý theo luật …”, ông Hảo khẳng định.

BVĐK Thành An - Sài Gòn sắp tới sẽ hoạt động trở lại?.
BVĐK Thành An - Sài Gòn sắp tới sẽ hoạt động trở lại?.

Trưa 2/8, khi nghe tin sắp tới BVĐK Thành An - Sài Gòn sẽ trả lương cho người lao động, chị Nguyễn Thị Quỳnh Trang (trú tại huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) trước đó đã nạp tiền đặt cọc 70 triệu đồng cho bệnh viện khấp khởi mừng, nhưng không trọn vẹn.

“Em có nghe mọi người bảo trong cuộc họp sáng nay sắp tới bệnh viện sẽ trả lương. Nhưng phía bệnh viện họ trả cho những người cũ (người lao động làm việc lâu năm ở đó-PV), còn những người mới thì chưa biết thế nào cả”, Trang chia sẻ.

Như Dân trí đã phản ánh, ngày 1/8, hàng chục người lao động bao gồm y bác sỹ, các nhân viên phục vụ tập trung trong khuôn viên của bệnh viện đa khoa Thành An - Sài Gòn để phản đối ban lãnh đạo của bệnh viện này nợ lương hơn 8 tháng nay.

Vụ bác sĩ, y sĩ, nhân viên… bãi công vì bệnh viện nợ lương: Sở Y tế Nghệ An cử cán bộ giám sát - 4
Một số phòng tại bệnh viện này đã được niêm phong.
Một số phòng tại bệnh viện này đã được niêm phong.

PV Dân trí có mặt tại đây và ghi nhận, khung cảnh bệnh viện đa khoa Thành An - Sài Gòn ngoại trừ nơi tập trung phản đối ở mặt trước, còn lại hoàn toàn vắng vẻ, các phòng chức năng đều được khóa lại, hoàn toàn không có hoạt động khám hay chữa bệnh nào được diễn ra. Các phòng nơi người bệnh lưu trú hoàn toàn trống trơn.

Gần trưa 1/8, vẫn có khoảng 30 người lao động vẫn tiếp tục nán lại trong sân chờ bệnh viện để gặp ban lãnh đạo, trước đó vào đầu giờ sáng, số người tụ tập đông hơn gấp 2,3 lần. Tuy nhiên, thời tiết nắng nóng cộng với sau nhiều giờ chờ đợi không gặp được những người có chức trách của bệnh viện, một số người lao động đã bỏ ra ngoài.

Nơi đăng ký khám bệnh vắng bóng.
Nơi đăng ký khám bệnh vắng bóng.

Một y tá đang kiên nhẫn ngồi đợi, phản ánh: “Chúng tôi muốn chờ để gặp xem ban giám đốc phản hồi lại yêu cầu trả lương cho nhân viên như thế nào. Chúng tôi đã chờ 8 tháng rồi. Ai cũng chỉ có nguyện vọng là được trả lương để duy trì cuộc sống. Hơn 200 con người ai cũng bị nợ cả.”

Ngoài việc nợ lượng nhân viên trong 1 thời gian dài, bỏ mặc việc duy trì cuộc sống cho người lao động tự lo. Thì ban lãnh đạo bệnh viện Thành An - Sài Gòn mà trực tiếp là giám đốc Nguyễn Đình Khang còn bị các nhân viên mới vào phản ánh là thu số tiền nhận việc nhưng không trả theo hợp đồng sòng phẳng.

Theo phản ánh của các nhân viên mới vào, có người bệnh viện thu 50 triệu, 70 triệu, thậm chí để có việc làm, có nhân viên phải nộp 100 triệu đồng. Và số nhân viên này, nhận vào thời điểm năm 2015, có số lượng nhận vào rất ồ ạt, theo thống kê chưa đầy đủ thì gần 100 người.

Y sỹ Phan Trọng Toàn, làm việc tại khoa Đông y, sau khi nộp 100 triệu đồng đã được nhận vào làm việc từ đầu tháng 5/2015. Theo hợp đồng thỏa thuận, tiền lương Toàn được nhận 1,7 triệu đồng/tháng, tiền hỗ trợ 1,5 triệu đồng, và mỗi tháng bệnh viện phải trả lãi cho nhân viên 1% trên số tiền 100 triệu đã nộp, khoảng 1 triệu đồng. Theo cách tính này, mỗi tháng y sỹ Toàn nhận tổng cộng 4,2 triệu đồng. Tuy nhiên, chưa có tháng nào y sỹ trẻ này được nhận đầy đủ.

Để được vào làm điều dưỡng tại BVĐK Thành An - Sài Gòn, chị Trang phải nạp 70 triệu tiền đặt cọc. Trái lại, mỗi tháng chị chỉ nhận được 1,7 triệu. Tuy nhiên, đến nay sau hơn 1 năm, chị Trang vẫn đang bị bệnh viện này nợ lương hơn 8 tháng.
Để được vào làm điều dưỡng tại BVĐK Thành An - Sài Gòn, chị Trang phải nạp 70 triệu tiền đặt cọc. Trái lại, mỗi tháng chị chỉ nhận được 1,7 triệu. Tuy nhiên, đến nay sau hơn 1 năm, chị Trang vẫn đang bị bệnh viện này nợ lương hơn 8 tháng.
Một phòng nằm điều trị của bệnh nhân bụi bám, vắng bóng người ở và chăm sóc.
Một phòng nằm điều trị của bệnh nhân bụi bám, vắng bóng người ở và chăm sóc.

Vào làm việc từ đầu tháng 5, thì các tháng 5, sáu, 7, số tiền 1% - anh Toàn được bệnh viện trả đúng hẹn, nhưng sau đó thì ngừng hẳn. Khoản tiền hỗ trợ 1,5 triệu đồng, thì bị bớt đi 500 ngàn vì phải học chương trình tiếng Trung do bệnh viện đặt hàng. Còn tiền lương 1,7 triệu đồng, theo Toàn, anh cũng không được nhận.

“Ngoại trừ 3 tháng đầu được trả tiền 1%, thì tính ra mỗi tháng tôi chỉ nhận được từ bệnh viện đúng 1 triệu đồng. Tôi học trường y học cổ truyền ra mong muốn được phục vụ trong ngành y lâu dài, nhưng giờ đây đã mất hi vọng ở ban lãnh đạo bệnh viện Thành An - Sài Gòn này. Giờ tôi muốn họ trả đầy đủ những tháng lương còn thiếu. Và cái quan trọng nhất là yêu cầu họ trả lại số tiền gần 100 triệu mà tôi đã nộp khi được nhận vào làm” - anh Toàn bức xúc.

Đến nay sau 3 ngày bãi công, bệnh viện Thành An - Sài Gòn đã không còn nhận bệnh nhân vào thăm khám chữa trị.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Nguyễn Duy