Bạn đọc viết:

Vietnam Idol dưới góc nhìn toán học

Tôi vốn không am hiểu âm nhạc, cũng không quá thích nghe nhạc. Tuy nhiên, điều khiến tôi buộc phải lên tiếng là những lùm xùm trong cuộc thi hiện đang phát sóng hàng tuần trên sóng VTV: Việt Nam Idol.

Các bạn có thể tự hỏi: “Ông này là ai mà phát biểu nghe quan trọng hóa vậy?”. Xin thưa, tôi chắc chắn không phải là chuyên gia âm nhạc, mà tôi là một giảng viên Toán. Vậy, toán học có liên quan gì đến Việt Nam Idol?

Trước hết, tôi xin đưa ra một vài kiến thức cơ sở về lý thuyết thống kê, mà từ đó tôi có thể đưa ra một vài quan điểm mang tính phủ định các ý kiến hiện đang đầy rẫy trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Khi chúng ta muốn nghiên cứu, phân tích một vấn đề về kinh tế, xã hội nào đó thì thông tin đầu tiên và có khi là duy nhất chính là kết quả của các quan sát có được. Tập tất cả các kết quả thu được gọi là tập nền (tổng thể). Tuy nhiên, trên thực tế chúng ta không làm việc được với tổng thể, phần vì bộ số liệu quá lớn, các công cụ giải quyết bài toán chưa đủ mạnh, phần vì làm việc với toàn bộ tổng thể thì quá tốn kém. Vì vậy, người ta thường rút ra từ tổng thể một bộ số liệu nhỏ hơn gọi là mẫu, và sử dụng mẫu này để đưa ra các đánh giá. Các đánh giá này sẽ được sử dụng để đánh giá tổng thể. Như vậy, muốn cho đánh giá của mẫu mang tính đại diện cho tổng thể thì việc lấy mẫu là rất quan trọng. Nếu xuất phát từ một mẫu không tốt thì kết luận nhận được sẽ phản ánh không đúng vấn đề nghiên cứu, thậm chí làm cho ta nghi ngờ ngay cả tính hiệu quả của phương pháp mà chúng ta sử dụng.

Trở lại cuộc thi Việt Nam Idol, chúng ta có thể hình dung về một bài toán thống kê như sau: Nếu ta thu thập ý kiến của tất cả ý kiến của tất cả hơn 86 triệu người dân Việt Nam thì sẽ tìm được một Việt Nam Idol thực thụ (theo nghĩa là ca sĩ được nhiều khán giả ủng hộ nhất). Tuy nhiên, người ta không muốn (hay không thể ) thực hiện được điều đó, vì vậy người ta chọn một mẫu nhỏ hơn rất nhiều, đó là những người thường xuyên sử dụng điện thoại, và sẵn sàng bỏ ra một số tiền không nhỏ cho việc bình chọn. Và kết quả là …

Tuần qua là một tuần có nhiều sự kiện. Sau vụ lùm xùm về video clip… lại đến chuyện thí sinh Đăng Khoa xin dừng cuộc chơi. Tôi xin bắt đầu với vụ này.

“Bất ngờ đầu tiên phải kể đến là việc thí sinh phải hát bài hát chia tay tại đêm công bố kết quả vửa rồi là Uyên Linh vì đạt số lượng tin nhắn bình chọn ít nhất từ phía khán giả. Ngay khi MC Phan Anh công bố rằng Uyên Linh là thí sinh phải dừng bước, tất cả khán phòng tại trường quay Hãng phim Việt dường như không ai tin nổi và ai cũng có cảm giác ngơ ngác, ngay cả ban giám khảo trong đó có chị Siu Black và chị Diễm Quỳnh cũng phải lắc đầu vì không thể tin được kết quả này.- Vietbao.vn”.

Còn tôi, tôi không bất ngờ với kết quả này, dù tôi cũng thích Uyên Linh, và cho rằng giọng của Đăng Khoa chỉ ở mức hát Karaoke mà thôi.

Nhạc sĩ Quốc Trung chia sẻ: “Tôi muốn nói rằng những bất cập về thẩm mỹ âm nhạc của các khán giả trẻ hôm nay không phải là lỗi của các em, mà đó chính là lỗi của những nhà sản xuất. Gieo hạt thế nào thì phải gánh lấy hậu quả thế ấy. Dù sao vẫn chúc em thành công trong sự nghiệp sau này".

Tôi có thể hiểu là nhạc sĩ Quốc Trung muốn nói rằng: Em vào đến vòng này hoàn toàn do thẩm mỹ âm nhạc của khán giả có vấn đề, chứ không phải là em có tài và việc em thành công cũng chính là một hậu quả tất yếu mà tất cả mọi người phải gánh chịu.

Tôi đồng tình với nhạc sĩ Quốc Trung về việc thẩm mỹ âm nhạc của giới trẻ hiện nay là có vấn đề, nhưng không cho rằng kết quả này là một thảm họa. Tôi đã từng nghĩ rằng thí sinh Đăng Khoa thậm chí có thể đăng quang ở cuộc thi này, và nếu điều đó xảy ra thì cũng không có gì là thảm họa cả.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nói: “Tôi bị mọi người gọi là Dũng khùng suốt 10 năm nay, nhưng có lẽ bây giờ đến cả số đông khán giả mới là có vấn đề".

Anh Dũng nói đúng, bây giờ số đông khán giả có vấn đề thật, nhưng nếu vì kết quả này mà kết luận thế thì có vẻ quá phiến diện.

Trong buổi truyền hình trực tiếp hôm đó, hình ảnh hai vị giám khảo Diễm Quỳnh và Siu Black thẫn thờ, rơm rớm nước mắt được các trang báo chú thích là do xúc động. Tôi không cho rằng họ xúc động vì Đăng Khoa xin rút lui, mà họ xúc động vì cổ họng nghẹn đắng, không hiểu vì sao mà một thí sinh như Uyên Linh lại bị loại. Tôi chia sẻ cảm giác này.

Vậy điều tôi muốn nói là gì?

Anh Quốc Trung nói về nhân quả. Theo tôi, nhận kết quả này là do ban tổ chức, do quy tắc mà họ đặt ra cho cuộc chơi này. Họ đưa ra tiêu chí: ai được nhiều cuộc điện thoại, tin nhắn nhất sẽ là người chiến thắng, và chỉ có một cái phao duy nhất mà ban giám khảo có thể sử dụng để cứu một thí sinh mà họ cảm thấy bị loại oan. Vậy thì, chị Diễm Quỳnh, chị là người của Ban tổ chức, một trong những người đặt quy tắc cho cuộc chơi này mà chị lại tỏ ra bất ngờ vậy sao?

Người ta có thể đưa ra một cuộc khảo sát ý kiến trên mạng, nói rằng thí sinh Uyên Linh có lượng bình chọn lớn nhất, tại sao lại bị loại? Điều này cũng không có gì bất ngờ cả. Uyên Linh có thể đẫn đầu ở cuộc bình chọn trên mạng, vì cố ấy phù hợp với đối tượng khán giả thường xuyên sử dụng mạng, mỗi ngày đều tranh thủ lướt Web (thường họ là lớp người đi làm, có chỗ đứng nhất định trong xã hội).
Vậy thì Đăng Khoa cũng có thể dẫn đầu về số lượt bình chọn bằng điện thoại và tin nhắn, vì cậu ta phù hợp với đối tượng khán giả teen, đánh giá ca sĩ qua vẻ bề ngoài của họ hơn là giọng hát và sẵn sàng nhắn tin ủng hộ. Thử hỏi có bao nhiêu khán giả lớn tuổi (tôi mới ngoài 30 nhưng tôi tự xếp mình vào nhóm này) tham gia gọi điện hay nhắn tin cho ca sĩ mà họ cho là có khả năng?

Vậy thì bất cứ một cuộc thi nào cũng sẽ chọn cho mình một người chiến thắng phù hợp với tiêu chí mình đặt ra. Người chiến thắng trong cuộc thi đó không thể cho mình là nhất, họ phải hiểu là họ chỉ phù hợp với thị hiếu của một nhóm đối tượng nào đó. Người bị loại cũng không nên quá buồn, vì rằng họ chỉ không phù hợp với một cuộc chơi cụ thể mà thôi.
Nói như vậy thì các thí sinh không được gì qua các cuộc thi sao? Không, họ được rất nhiều. Họ học hỏi rất nhiều từ quá trình huấn luyện, từ các bạn cùng thi, từ những góp ý của ban giám khảo, từ những luồng ý kiến khác nhau Từ đó họ có thể lựa chọn một con đường phù hợp nhất cho bản thân, hoặc thậm chí từ bỏ con đường mà trước đó họ cho rằng tốt mà thực ra là không phải vậy. Con đường phía trước còn rất dài, mà “đường dài mới biết ngựa hay”.

Nhưng kết quả của cuộc thi đó chỉ là đánh giá của một mẫu, nó không mang tính đại diện cho tổng thể (thực sự đó là một mẫu tồi, rất tồi), cũng có nghĩa là nó sẽ không bao giờ làm hài lòng tất cả mọi người. Một khán giả có thể thấy vui mừng hay thất vọng với kết quả cụ thể nào đó thì đó cũng chỉ là quan điểm của riêng họ. Tuy nhiên, một cuộc thi mà có quá nhiều người không đồng tình với kết quả của nó không thể gọi là một cuộc thi thành công.

                                                                                                  

                                                                                                 Lưu Hoàng Lân
Đại học Phương Đông

PS: Đây chỉ là những suy nghĩ mang tính cá nhân, không đại diện cho bất cứ cá nhân hay tổ chức nào cả. Nếu có những suy nghĩ hoàn toàn ngược lại với những suy nghĩ của tôi thì điều đó cũng hoàn toàn bình thường. Quan trọng, một xã hội sẽ văn minh hơn nếu mọi điều đều có thể đem ra thảo luận, giúp cho mọi người tiến bộ, giúp cuộc sống có ý nghĩa hơn.