Vì sao trẻ em vi phạm pháp luật ngày càng nhiều?

(Dân trí) - Thời gian gần đây, tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật có tính chất ngày càng nghiêm trọng và diễn biến hết sức phức tạp.

Theo thống kê của Cục cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Bộ Công an), năm 2006, đối tượng phạm tội ở độ tuổi dưới 14 tuổi có 7.000 vụ (chiếm 70%) tội phạm vị thành niên. Năm 2007, số vụ phạm pháp hình sự do người chưa thành niên gây ra tuy có giảm 1% so với năm 2006 nhưng mức độ phạm tội nghiêm trọng hơn nhiều. Các vụ án không chỉ xuất hiện ở các thành phố, thị xã mà còn xảy ra ở các xã, bản làng ở miền núi, vùng sâu, vùng xa.

 

Hầu hết trẻ em vi phạm pháp luật tập trung ở lứa tuổi 14-18. Phần lớn những đối tượng phạm tội không có tiền án, tiền sự, đang cắp sách đến trường nhưng hành vi phạm tội lại hết sức dã man, tàn bạo. Đáng chú ý là thanh, thiếu nhi phạm các tội như cướp của, giết người, cưỡng đoạt tài sản công dân, hiếp dâm, cưỡng dâm, sử dụng và mua bán trái phép chất ma tuý ngày càng nhiều. Thực trạng trên đây đang là mối lo của toàn xã hội và các bậc cha mẹ trong việc quản lý và giáo dục con cái.

 

Tại sao có tình trạng thanh, thiếu niên có hành vi sai lệch và vi phạm pháp luật ngày càng nhiều? Chúng ta cần suy nghĩ các nguyên nhân chủ yếu như sau: công tác phòng, ngừa vi phạm pháp luật chưa được chú trọng. Việc quản lý của các ngành chức năng đối với hoạt động kinh doanh giải trí ở các quán bar, vũ trường, quán karaoke, cửa hàng Internet, nhà hàng, khách sạn thiếu chặt chẽ, đã tạo cho các cơ sở này trở thành nơi tụ tập, sinh hoạt của một số thanh, thiếu nhi có tiền, của những học sinh hư, trốn học.
 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Trẻ vị thành niên lại là lứa tuổi đang có sự thay đổi mạnh mẽ về tâm, sinh lý, muốn tự khẳng định mình, không muốn phụ thuộc và dễ bị tác động, rủ rê, lôi kéo của các đối tượng xấu. Nhiều em bị ảnh hưởng tâm lý từ các loại phim, ảnh bạo lực, văn hoá phẩm đồi truỵ trên mạng Internet và ngoài xã hội.

 

Trong khi đó, nhiều bậc phụ huynh không chú ý đến sự phát triển tâm, sinh lý của con cái, nuông chiều con cái, không nghiêm khắc trong việc dạy bảo con em mình mà mải lo công việc, tranh thủ kiếm tiền. Một số trẻ em phải sống trong hoàn cảnh mồ côi bố hoặc mẹ, cha mẹ bất hoà, ly thân, ly hôn dẫn đến sự thiếu hụt về mặt tình cảm, sự phát triển lệch lạc. Hơn nữa do thiếu sự chỉ bảo, quan tâm của gia đình nên số thanh, thiếu niên này dễ bị kẻ xấu lợi dụng và lôi kéo vào con đường phạm tội.

 

Theo kết quả điều tra những năm gần đây 38,8% vị thành niên vi phạm pháp luật xuất thân từ những gia đình có cha mẹ làm nghề buôn bán; trong đó số trẻ em được trực tiếp phỏng vấn có 52,4% là đang sống với cha mẹ, được cha mẹ nuôi dưỡng.
 
Số còn lại là sống trong hoàn cảnh gia đình không bình thường: 12% chỉ sống với mẹ, 4% chỉ sống với bố, 3,1% sống với cha mẹ kế, 9,03% sống với người khác. Trong số vị thành niên vi phạm pháp luật có tới 17% là những trẻ lang thang, vô gia cư; 71,37% số trẻ thành niên vi phạm pháp luật trả lời không nhận được sự quan tâm, chăm sóc đầy đủ của cha mẹ và gia đình.

 

Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa gia đình - nhà trường - xã hội ở nhiều nơi còn bị buông lỏng, không có mối liên hệ chặt chẽ , thiếu biện pháp ngăn chặn kịp thời những hành vi phạm pháp của các em ngay từ ban đầu. Vấn đề giáo dục pháp luật, đạo đức công dân chưa được chú trọng đúng mức, đặc biệt là việc trang bị những kiến thức về kỹ năng sống cho học sinh chưa được đầy đủ.
 
Ngoài ra, việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở các địa phương, đơn vị còn chậm và chưa phát huy được vai trò của quần chúng nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm vị thành niên. Việc thực hiện Nghị quyết 09/CP của Chính phủ về chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế, xã hội, tuyên truyền, giáo dục cộng đồng chưa được chặt chẽ.
 
Nhiều cấp uỷ, chính quyền thiếu quan tâm đến công tác phòng, chống tội phạm ở lứa tuổi này, có nơi còn tư tưởng coi nhiệm vụ phòng chống tội phạm là của cơ quan công an.

 

Trước thực trạng nói trên, để hạn chế việc trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật cần thực hiện đồng bộ các biện pháp sau:

 

Trước hết, các cấp uỷ đảng, chính quyền, các đoàn thể, nhà trường cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước. Các cơ quan chức năng, các đoàn thể xã hội cần phối hợp với các nhà trường đẩy mạnh công tác giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, đạo đức cho học sinh.
 
Các trường cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát sinh hoạt của học sinh trong giờ học, các buổi ngoại khóa và tại các ký túc xá, nhà trọ nơi học sinh thường trú. Nhà trường thường xuyên liên hệ chặt chẽ với gia đình để thông báo kịp thời kết quả học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cũng như các biểu hiện lệch lạc trong suy nghĩ, lối sống của học sinh để phối hợp giáo dục, quản lý. Các bậc phụ huynh cần quan tâm tới sự phát triển tâm, sinh lý và việc học tập của con em mình, đồng thời thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ với nhà trường để nắm bắt tình hình học tập, tư tưởng, các mối quan hệ của con em mình.

 

Hai là, công tác phòng ngừa, ngăn chặn trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật cần có sự phối hợp đồng bộ của các cấp uỷ đảng, chính quyền và toàn xã hội. Chính quyền các cấp cần tạo điều kiện cho thanh, thiếu niên có các hình thức sinh hoạt văn hoá trong sáng, lành mạnh.
 
Các địa phương cần thống kê, quản lý, giám sát và có kế hoạch động viên, cảm hoá, tạo công ăn việc làm cho trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật đã chấp hành xong án phạt trở về địa phương. Phân công cán bộ và các đoàn thể giúp đỡ, giáo dục thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật ở địa phương khắc phục khuyết điểm, mau chóng tiến bộ, trở thành những người có ích. Qua đó, cần đánh giá những việc đã làm được, tác dụng, hiệu quả; những tồn tại, hạn chế và rút ra những bài học kinh nghiệm.

 

Ba là, cần có sự quản lý, giám sát đối với các cơ sở kinh doanh, giải trí tiềm ẩn nguy cơ vi phạm pháp luật và xử lý nghiêm minh, kịp thời đối với các cơ sở vi phạm. Các cơ quan chức năng cần tăng cường xét xử lưu động các vụ án thanh, thiếu niên và các cơ sở kinh doanh vi phạm pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục pháp luật, góp phần phòng ngừa tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật.

 

Nguyễn Quang Tuấn
Trường Đại học Vinh, Nghệ An

 

LTS Dân trí - Tình trạng vi phạm pháp luật của lứa tuổi vị thành niên đúng là lời cảnh báo về sự xuống cấp của lối sống và đạo đức xã hội.

 

Tác giả bài viết trên đây đã phân tích khá toàn diện về những nguyên nhân cũng như những biện pháp đồng bộ nhằm khắc phục tình trạng đó. Chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh thêm về vai trò hết sức quan trọng của những người làm cha làm mẹ. Kinh nghiệm thực tế cho thấy thời nào cũng vậy, những gia đình sống có gia giáo, hết lòng yêu thương nhau và luôn là tấm gương sáng về mọi mặt cho con cái học tập thì những gia đình đó thường nuôi dạy con cái nên người.

 

Cùng với gia đình, xã hội mới ngày nay còn dành nhiều sự quan tâm đến việc giáo dục thế hệ trẻ, đặc biệt là lứa tuổi vị thành niên. Đó là trách nhiệm của nhà trường, của các tổ chức đoàn thể xã hội, của các cơ quan quản lý an ninh và trật tự xã hội. Nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội, chắc chắn chúng ta sẽ đẩy lùi được những tệ nạn trong lối sống của lứa tuổi vị thành niên.