Vì sao học sinh bỏ học nhiều?

“Đã thành nếp, cứ sau khi nghỉ tết xong, học sinh thuộc các cấp học từ tiểu học đến trung học phổ thông của Nghệ An, nhất là các huyện miền núi thường bỏ học rất nhiều! Câu hỏi đặt ra là vì sao lại thế, tưởng như rất dễ, nhưng lại rất khó trả lời”

Thực trạng học sinh bỏ học

Theo số liệu thống kê của Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An, trong năm học 2010-2011, tính đến ngày 20-2-2011, toàn tỉnh đã có gần 2.000 học sinh từ bậc tiểu học đến trung học phổ thông ( THPT) bỏ học. Gần 2.000 học sinh bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, học sinh bậc THPT bỏ học nhiều nhất với hơn 1.130 em, trung học cơ sở (THCS) 600 em, tiểu học 16 em. Hầu hết học sinh bỏ học đều ở các huyện nông thôn và miền núi, nhà cách xa trường, thiếu ăn, hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Giáo viên nhiều trường ở các huyện miền núi Quế Phong, Con Cuông, Tương dương, Kỳ Sơn.. đang phải quyên góp tiền lương mua lương thực và đi xin gạo để nuôi, kéo học trò tiếp tục đến lớp học. Tuy vậy số học sinh đến lớp vẫn thưa vắng, trong số học sinh bỏ học trên may ra vận động được thêm một số học sinh bậc tiểu học và trung học cơ sở, còn số học sinh THPT thì khó đến lớp lại vì đã theo anh, theo chị “Nam tiến” để mưu sinh rồi…

Vì sao học sinh bỏ học

Đi sâu vào tìm hiểu kỹ vì sao học sinh bỏ học và bỏ học nhiều như vậy, chúng tôi nhận được nhiều câu trả lời khác nhau nhưng tổng hợp lại vì những lí do sau:

Thứ nhất do không chuộng cái chữ: Cùng với tập quán canh tác nương rẫy, sau kỳ nghỉ tết vui chơi thoả sức, ăn ngủ tự do, nay phải trở lại trường vùi đầu vào sách vở, ngồi trong lớp cả ngày mỏi hết cả lưng, học cả ngày đau cả cái đầu. Không thuộc bài còn bị thầy, cô giáo phê bình, muốn ăn phải nấu lấy mà ăn và tất cả những cái không tên khác nữa bó buộc vào thân, làm cho các cô, các cậu vốn đã không thích học hành, nay có cơ hội bỏ học luôn.

Cứ thế em này bỏ kéo theo em khác bỏ, làm cho danh sách bỏ học cứ thế dài ra. Học sinh không muốn đi học, cha mẹ các em cũng không ép buộc, không động viên. Thậm chí họ nghĩ rằng không học thì không chết, nhưng không có cái ăn, cái mặc, thóc, ngô, trâu, lợn không có sẽ bị chết; Không học chẳng nghèo, nhưng thiếu tiền, thiếu cái bạc nén, không giàu, không lấy được vợ. Con giá lấy chồng về nhà người ta tay không cũng không được tôn trọng. Chưa nói đến chuyện con lớn đi học, trâu không ai chăn cho, củi không ai lấy cho để đun nấu, ruộng lúa đã cày bừa xong không ai cấy giúp… cũng là tác nhân lớn khiến các em bỏ học.
Vì sao học sinh bỏ học nhiều?  - 1

Giáo viên trường THCS Môn Sơn đi vận động học sinh Đan Lai đi học trở lại

Thứ hai là do kinh tế khó khăn: Sau tết, khi các em trở lại trường học, gia đình phải chuẩn bị thêm đủ thứ nào gạo củi, nào thực phẩm, tiền học, tiền trọ và cả tiền chi tiêu cá nhân. Học kỳ I kết thúc, sang học kỳ II, tất cả các khoản quỹ, đóng góp phải nộp, dồn lên gia đình. Trong khi tết vừa xong, nhiều khoản thậm chí tất cả tiền bạc dồn vào vui xuân, đón tết, không chỉ hết tiền mà nhiều hộ gia đình hết cả lúa, gạo ăn. Đây là tác nhân thứ hai làm các em bỏ học.

Thứ ba là học để làm gì?: Theo thống kê trên cho ta thấy số học sinh bậc THPT bỏ học chiếm hơn nửa  (1.130/2.000). Hiện trạng chung của cả nước sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học ra trường không xin được việc làm, phải vào Nam mưu sinh, kiếm sống vài ba năm sau lấy chồng, sinh con, để cái hết hy vọng tìm việc làm, ở nhà sản xuất lâu ngày quên luôn cả cái chữ, đừng nói đến nghề. "Con chị như vậy khiến con em cũng nản" là tác nhân thứ ba khiến các em bỏ học.

Thứ tư là theo anh chị đi làm ăn: Kỳ nghỉ tết là sự đoàn tụ gia đình, bạn bè, anh em sum họp. Thấy anh chị đi làm có đồng ra, đồng vào, có quần áo đẹp, một số nhà máy, xí nghiệp quan tâm chở công nhân về tận nhà ăn tết. Chị kể cho em đi làm sướng hơn đi học, tự do hơn đi học, ngoài làm việc trong giờ tại nhà máy, ngoài giờ được đi chơi tham quan thành phố, biết đây, biết đó. Ra tết các anh, các chị đi, các em cũng khăn áo đi làm theo các anh chị. Trong khi các nhà máy, xí nghiệp ra tết thường thiếu lao động, sẵn xe các em cũng bỏ học theo anh chị đi làm luôn. Chưa nói đến học sinh THPT đã đến tuổi cập kê. Về nghỉ tết có cơ hội gần gũi nhau hơn, trai bản trên đến chơi, thăm gái bản mường dưới, tỏ tình yêu nhau. Thế rồi theo anh về làm vợ, chấm dứt đời học sinh.

Để sau tết học sinh không còn bỏ học nhiều, bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho bà con, các trường học phải tích cực thực hiện tốt cuộc vận động “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Đảng và Nhà nước cần có chế độ, chính sách khuyến khích người học như: Bỏ học phí đối với học sinh từ bậc học mầm non đến THPT. Học sinh học xong các bậc cao đẳng, đại học, các nhà tổ chức phải phối hợp với các nhà máy, cơ quan, công ty, xí nghiệp để sắp xếp việc làm theo năng lực, trình độ, bằng cấp đã học cho con em. Còn như hiện nay học là việc của học sinh, dạy là “ cuộc sống” của thầy; Có học sinh là thầy có việc, học xong xin được việc hay không trường không biết, thầy mặc kệ… thì việc bỏ học giữa chừng là không thể tránh khỏi, thậm chí sẽ còn bỏ học nhiều hơn nữa!

Phùng Văn Mùi