Vì sao hiệu quả dạy tiếng Anh còn thấp?

(Dân trí) - Đã từ lâu, chúng ta đưa môn học ngoại ngữ vào nhà trường phổ thông nhưng hiệu quả thực tế mang lại không bao nhiêu. Học xong bậc học phổ thông, hầu như học sinh vẫn mù ngoại ngữ. Vì sao vậy?

Tôi vốn là một giáo viên Anh văn lâu năm và chuyên dạy cho lứa tuổi thiếu nhi tại Qui Nhơn; trước đây tôi đã tốt nghiệp cao học Seameo Singapore. Qua kinh nghiệm thực tế, tôi thấy cần thay đổi cơ bản cách dạy cũng như cách học Anh văn để đem lại hiệu quả thiết thực.

 

Trước hết muốn nói về vai trò người thầy, một nhân tố quan trọng hàng đầu có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giảng dạy ngoại ngữ. Đa số giáo viên ở đây đều là cao đẳng, học tiếng Anh không theo nền nếp chính qui, phát âm không chuẩn xác, vì học tiếng Anh xong ra trường rồi đi dạy, không có thời gian tiếp xúc và làm việc với người nước ngoài cho nên không được rèn luyện cách phát âm và phát âm không chuẩn, từ đó học sinh học cách phát âm không chuẩn xác ngay từ đầu với những giáo viên đọc không đúng và không hay.
 
Tôi nghĩ Sở Giáo dục-Đào tạo nên thuê 1 giáo viên Anh hay Mỹ để uốn nắn cách phát âm cho tất cả giáo viên dạy tiếng Anh tiểu học trước khi cho họ đứng lớp như các Trung tâm Anh văn Sài Gòn đã làm, như vậy các em học sinh được học cách phát âm đúng ngay từ đầu .

 

Điều đáng quan tâm nữa là các lớp học Anh văn không có hệ thống thiết bị hỗ trợ cần thiết, vẫn phổ biến là tình trạng học chay như mấy chục năm trước. Trong khi bây giờ có màn hình máy chiếu, có Internet, máy vi tính xách tay, các phần mềm tiếng Anh, từ điển trên máy tính có thể kiểm tra và chỉnh sửa phần nào việc phát âm của gíáo viên cũng như học sinh, giúp thầy cô và các em học sinh đọc đúng hơn, phát âm chuẩn hơn.

 

Mặt khác, lớp học quá đông (trung bình 40em/lớp) nên giáo viên không thể chỉnh sửa uốn nắn cách phát âm từng em được. Hậu quả là cả lớp chỉ có vài em là đọc tốt còn lại là không biết đọc (tỉ lệ thường là 5-10/40). Các em cũng không được giao tiếp bằng tiếng Anh, mà đối với thiếu nhi, việc đọc và giao tiếp bằng tiếng Anh lại cực kỳ quan trọng. Hỏi các em những câu rất đơn giản như How are you ? what’s your name? how old are you? Nice to meet you... Phần lớn các em không biết trả lời thế nào.


Ngược lại, bắt các em viết nhiều quá, từ đó dẫn đến không có thời gian dành cho đọc, mà không đọc thì không thuộc bài, từ vựng và không tập nói những câu đơn giản ngay từ đầu thì không bao giờ nói được, hậu quả là các em học lên lớp 4 thì không nhớ từ vựng lớp 3, lên lớp 5 thì không nhớ từ vựng lớp 3, 4… ngay cả lớp 8, 9 không thuộc từ vựng lớp 3-4?! Cuối cùng học tiếng Anh sau bao năm mà cũng bằng không?!

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Đối chiếu với những nơi dạy Anh văn có các thầy giáo được đào tạo chuẩn và có các phương tiện như màn hình LCD, máy tính xách tay, micro… thì các em học sinh đọc, dịch và giao tiếp đều tốt.

 

Trong quá trình dạy, khi có vấn đề, người giáo viên luôn phải tự hỏi: tại sao học sinh  không thuộc từ vựng, tại sao học sinh không đọc tốt, tại sao học sinh không biết dịch? Từ đó mà cải tiến phương pháp giảng dạy sao cho có hiệu quả hơn. Kinh nghiệm giảng dạy ngoại ngữ cho thấy các em học sinh có được học thật và có hiệu quả hay không phụ thuộc phần lớn vào công nghệ và phương pháp dạy của người thầy.

 

Tôi cũng như nhiều đồng nghiệp có mong ước được dạy tiếng Anh cho các em học sinh  tiểu học trong phòng lab với đủ hệ thống máy móc và vận dụng phương pháp học tập mở (open) theo hướng giao tiếp sẽ giúp các em tự tin, nắm được ngữ pháp, thuộc từ và nhất là biết vận dụng vốn đã học trong giao tiếp thông thường, không bị rơi vào tình trạng học tiếng Anh vài ba năm mà hỏi và trả lời một câu đơn giản bằng tiếng Anh cũng không biết, hầu như học xong chữ thầy lại trả cho thầy. Tốn bao nhiêu công sức và thời gian vô ích.

 

                                                Tran Le Van tranlevan71@yahoo.com

 

LTS Dân trí - Trong thời đại toàn cầu hóa, cần mở rộng giao lưu quốc tế chủ yếu thông qua tiếng Anh. Thấy được điều đó, từ nhiều năm qua, các trường học của ta đã coi trọng việc dạy ngoại ngữ nói chung và đặc biệt là tiếng Anh. Nhưng hiệu quả đem lại rất hạn chế.

 

Nhiều học sinh dù đã được học tiếng Anh ở bậc phổ thông nhưng lên đại học lại học lại từ đầu cho đến khi tốt nghiệp đại học vẫn không sử dụng được tiếng Anh, thậm chí những câu giao tiếp thông thường cũng chịu!

 

Tình trạng học tiếng Anh như vậy thì học cũng như không. Vì sao như vậy? Bài viết ngắn trên đây của một thầy giáo dạy Anh văn đã nêu lên những nguyên nhân có căn cứ thực tiễn, mà ngành giáo của chúng ta cần có biện pháp khắc phục để đem lại hiệu quả thật sự cho việc dạy ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng.