Vì đâu áp lực vào Đại học luôn đè nặng?

Một cảnh tượng quen thuộc diễn ra vào các kỳ thi tuyển sinh ĐH là cảnh phụ huynh đưa con em đi thi tập trung rất đông trước các điểm thi. Mọi công việc mưu sinh hàng ngày tạm thời được gác qua một bên để có thể “tiếp sức” cho các sĩ tử một cách tốt nhất.

Những vị phụ huynh đến từ các huyện xa cũng không nề hà cảnh “cơm niêu nước lọ” với mong muốn được sat cánh bên cạnh con trong ngày trọng đại của cuộc đời. Hồi hộp, lo lắng, hi vọng… tất cả tâm trạng ấy của các bậc phụ huynh đều bắt nguồn từ một mong muốn cháy bỏng: con mình có được một “suất” trong giảng đường đại học để cuối cùng có được tấm bằng đại học mà lập nghiệp, nuôi thân. Tâm lý sính bằng cấp đã trở thành một thứ “bệnh”, một nỗi ám ảnh đối với các bậc phụ huynh đồng thời tạo nên một áp lực lớn đối với thí sinh.

 

Áp lực mùa thi là nguyên nhân quan trọng khiến cho không năm nào là không xảy ra những chuyện đau lòng, đáng tiếc: có học sinh tự vẫn do không làm tốt bài thi; có thí sinh đã ngất xỉu ngay tại phòng thi do quá căng thẳng trong môn thi đại học đầu tiên… Xảy ra tình trạng trên là bởi ai cũng muốn lọt qua “khe cửa hẹp” để có một “chân” trong giảng đường đại học. Trước thực trạng trên, nhiều người đổ lỗi cho  tâm lý thích làm thầy hơn làm thợ của phần lớn phụ huynh, học sinh. Mặc dù đây là nguyên nhân không thể phủ nhận, tuy nhiên căn nguyên sâu xa của vấn đề vẫn là căn bệnh sính bằng cấp của xã hội nói chung. Trong nhìn nhận của nhiều người thì dường như bằng cấp là sự đảm bảo an toàn cho tương lai.

 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Có thể nhận thấy, chính quan niệm cùng với cách thức, cơ chế tuyển dụng công chức, lựa chọn, đề bạt cán bộ hiện nay là nguyên nhân trực tiếp nhất, tác động mạnh mẽ nhất đến căn bệnh sính bằng cấp của phần lớn phụ huynh, học sinh. Để được tuyển dụng vào làm tại một cơ quan, đơn vị nào đó, một trong những yêu cầu mà cơ quan tuyển dụng đặt ra là phải có bằng cấp và chứng chỉ cần thiết. Bằng cấp dường như là thước đo không thể thiếu để xác định khả năng, năng lực của mỗi người.

 

Theo đó, bằng cấp càng cao, chứng chỉ càng nhiều thì cơ hội tuyển dụng, đề bạt càng lớn.

 

Có một thực tế đang diễn ra là nhiều cơ quan khi tuyển dụng nhân sự chỉ chỉ quan tâm đến bằng cấp mà không cần biết đến việc chủ nhân của những tấm bằng ấy đã có được chúng như thế nào. Ở đây, “chủ nghĩa bằng cấp” đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc lựa chọn nhân tài thực sự . Thực tiễn đã cho thấy người có bằng cấp, kể cả là bằng thật chưa hẳn đã là người thực tài, có khả nằng hoàn thành tốt mọi công việc được giao (Đó là chưa kể đến nạn “học giả, bằng thật” đang không phải là hiện tượng cá biệt). Ngược lại, những người thực tài, có năng lực làm việc thực thụ nhiều khi vì một lý do nào đó lại không thể có nổi một mảnh bằng.

 

Về ý tưởng, yêu cầu có bằng cấp chuyên môn nghiệp vụ khi tuyển dụng hay bổ nhiệm cán bộ là điều tốt bởi nó thúc đẩy nhu cầu học tập của xã hội. Tuy nhiên, nếu quá phụ thuộc, coi trọng bằng cấp, xem nó là tiêu chí duy nhất khi tuyển dụng nhân sự, đề bạt cán bộ. Nghĩa là nếu bằng cấp là yếu tố tối quan trọng cho cơ hội được tuyển dụng, thăng tiến thì nó sẽ trở thành một áp lực ghê gớm đè nặng lên người học, Người ta sẽ phải bằng mọi cách để có được mảnh bằng. áp lực ấy dược các phụ huynh “truyền lại” cho con em để rồi không chỉ các năm cuối cấp mà gần như từ những năm mẫu giáo đến hết tuổi học trò, mỗi học sinh phải gồng mình nhồi nhét kiến thức với mục tiêu duy nhất là cổng trường đại học. Việc đề cao,tuyệt đối hóa vai trò của bằng cấp đã sớm hình hành ở học sinh tư tưởng xem thi cử, đỗ đạt là con đường duy nhất để lập thân. Và khi thất bại,  đã xuất hiện tư tưởng cực đoan xem đó là dấu chấm hết của cuộc đời. Từ đó dẫn đến những cách hành xử tiêu cực.

 

Bên cạnh đó, việc trở thành sinh viên đại học còn là áp lực lớn đối với mỗi thí sinh bởi đó là cách để làm rạng danh gia đình, dòng họ. Nhiều bậc phụ huynh quan niệm rằng chỉ khi con em mình được học đại học thì lúc đó họ mới có điều kiện “nở mày, nở mặt” với đời. Và thé là, họ bắt buộc, dồn ép con em phải học, phải thi, phải đậu bằng bất cứ giá nào. Nhiều vị phụ huynh cứ ép con phải học mà không quan tâm dến sức học, năng lực, sở trường của chúng. Một số người can thiệp quá sâu vào việc lựa chọn ngành nghề bằng cách bắt buộc con em phải đăng ký dự thi vào trường này, ngành nọ mà không để ý xem liệu khả năng của con em mình có “kham” nổi hay không. Nhiều học sinh có học lực học làng nhàng, dù biết rõ rằng sức học của mình không đủ để “trèo cao” nhưng vẫn “nhắm mắt đưa chân” cốt chỉ để làm yên lòng gia đình. Thực tế trên đã gây ra một sự lãng phí không nhỏ về thời gian, tiền của cho gia đình và xã hội.

 

Nhằm giảm áp lực phải vào bằng được cổng trường đại học của các thí sinh. Trước hết, gia đình cần xác định rõ về mặt tư tưởng rằng: cổng trường đại học không phải là sự lựa chọn duy nhất. Bản thân mỗi thí sinh cần căn cứ vào khả năng, sức học của mình để có thể đưa ra quyết định có nên dự thi đại học hay không. Nếu tự cảm thấy lực học hạn chế, tự lượng thấy không đủ để “vượt vũ môn” thì nên chọn cho mình một hướng đi khác phù hợp với thực tế hơn. Các trường trung cấp, day nghề có thể là địa chỉ để thí sinh lựa chọn. Điều này càng đáng lưu tâm trong bối cảnh hiện nay, thị trường việc làm đang có xu hướng “thừa thầy thiếu thợ”.

 

Tuy nhiên, để giải quyết triệt để áp lực vào đại học cần thay đổi tư duy sử dụng nhân lực. Cần đổi mới mạnh mẽ cách thức “dụng nhân”. Theo đó, không nên chỉ căn cứ vào mảnh bằng đại học để đánh giá, nhìn nhận năng lực, trình độ của ứng viên trong quá trình tuyển dụng. Bằng cấp, chứng chỉ chỉ nên xem như là một yếu tố để xem xét. Điều quan trọng để xác lập “chỗ đứng” của mỗi người phải là khả năng làm việc thực sự hiệu quả. Điều này càng trở nên quan trọng khi đất nước đang từng bước chuyển mình trong thời kỳ hội nhập, rất cần một đội ngũ nhân công có năng lực, tay nghề.

 

Mỗi dịp thi đại học cần trở thành một ngày hội thi tài, thử sức thực thụ đối với mỗi thí sinh trên tinh thần tự nguyện mà không phải chịu bất cứ sức ép, áp lực nào từ phía gia đình, xã hội. Đó cũng là cách tạo sự hứng thú, kích thích sự sáng tạo tìm tòi trong quá trình chiếm lĩnh tri thức và khẳng định bản thân của người học. Đồng thời là biện pháp quan trọng để ngành giáo dục phát triển lành mạnh, thực chất.

 

Bùi Minh Tuấn

 (Giáo viên trường THPT Kim Liên - Nam Đàn - Nghệ An)

 

LTS Dân trí - Đúng là áp lực vào đại học cho đến nay vẫn là “một gánh nặng” trong tâm trí của đông đảo học sinh cũng như các phụ huynh. Điều đó đã dẫn tới bi kịch của không ít học sinh cũng như gia đình của họ; còn xã hội thì phải gánh chịu tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”.

 

Đáng tiếc là trước tình trạng đó, nhà trường chưa phát huy đúng mức vai trò hướng nghiệp để giúp cho học sinh cũng như cha mẹ học sinh có hướng lựa chọn đúng đắn tùy theo năng lực học tập, năng khiếu cũng như hoàn cảnh kinh tế của gia đình. Con đường lập nghiệp và tiến thân của mỗi người tuỳ thuộc vào sự lựa chọn dúng đắn đó.

 

Các cấp quản lý giáo dục - đào tạo cần quan tâm nhiều hơn đến việc mở ra nhiều trường đào tạo nghề có chất lượng cao và đáp ứng đúng yêu cầu xây dựng và phát triển các khu công nghiệp cũng như quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế của các vùng, miền khác nhau. Từ đấy tạo ra nhiều cơ hội lựa chọn cho các thí sinh, giảm bớt sức ép thi vào đại học mà lâu nay vẫn được coi là con đường duy nhất nhằm lập thân, lập nghiệp.