Về Cát Ngạn nghe kể chuyện bói toán

Thường mỗi năm, tôi có dịp về thăm Cát Ngạn (xã Cát Văn Thanh Chương, Nghệ An) vài lần để trả nghĩa và làm việc hiếu hỷ cho tròn đạo con cháu.

Thời gian không nhiều, nhưng cũng đủ để thăm bè bạn, anh em. Lần này về nghe bạn bè kể nhiều về chuyện đi xem bói toán, mà lại ra tận bà cô đồng nào đó tận Hà Nội cơ đấy.

Cát Ngạn là vùng quê có truyền thống cách mạng, Trai Cát Ngạn vang bóng một thời, người dân nơi đây luôn một lòng theo Đảng, chí thú làm ăn. Có một điều phải trăn trở là trong suốt hơn 20 năm đổi mới cùng đất nước, vùng quê này ít được đầu tư, cho nên sự thay đổi về kinh tế - xã hội ở đây chưa nhiều.

Cuộc sống của bà con còn bộn bề khó khăn, dân Cát Ngạn không đói, nhưng không giàu bởi kinh tế thuần nông. Khoảng 30 năm trước, nơi đây là vùng no bởi đất rộng, người thưa, ngoài ruộng đồng năm hai vụ, kinh tế trại mang lại vài thứ hàng hóa như chè xanh, hoa quả nông sản, mỗi tuần bà con gánh hàng sang chợ Phủ, chợ Lường (Đô Lương) cũng có thêm khoản thu nhập nho nhỏ, ít ra cũng đủ trang trải thêm quần áo, mắm muối, dầu đèn, sách vở...

Hiện nay kinh tế hàng hóa ở đây chưa có gì cả. Tôi dạo một vòng trong các xóm, ra thăm chợ, thì hàng hóa cơ bản là sản phẩm nhà quê nông nghiệp và chủ yếu trao đổi cho nhau, chưa vượt khỏi lũy tre làng.

Kinh tế chậm phát triển, kéo theo những tập quán, hủ tục lạc hậu làm cho vùng quê này không theo kịp nhịp chuyển của đất nước, trong thời buối kinh tế thị trường. Từ cái khó nẩy sinh ra nhiều cái như xem bói toán hoặc rủ nhau bỏ quê đi làm ăn nơi khác...

Mấy ông bạn đồng niên, đã cùng tôi vào sống ra chết ở chiến trường năm xưa, lâu ngày gặp nhau ngồi trò chuyện; Họ khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng trong vùng có 2 người ra tận bà cô đồng nào đó ở Hà Nội xem bói.

Bà đồng phán rằng hai cặp vợ chồng nọ không thể sống với nhau cùng đầu bạc răng long, mà phải chia tay, nếu không một trong hai người sẽ chết trẻ.

Họ nêu tên của anh A, chị B mà tôi không được phép nêu tên thật trên báo. Rồi chuyện cô Y năm nay 32 tuổi, đã có hai con. Lâu nay phần vì kinh tế khó khăn, con cái bận rộn, vợ chồng có khi cơm chẳng lành, canh không ngọt.

Nghe lời cũng chạy ra tận Hà Nội xem bói. Bà bói phán rằng vợ chồng không hợp, nếu muốn sống với nhau lâu dài, phải ly thân 6 năm, đến năm cô ta 39 tuổi tái hợp sẽ có phúc, có lộc và sống yên ổn với nhau.

Không hiểu bà bói nói thêm những gì mà cô ta tin và nghe theo, về nhà bỏ con lại cho bố mẹ chồng, về ở hẳn nhà mẹ đẻ và làm đơn ra tòa đòi li dị chồng. Các tổ chức, đoàn thể và bà con khuyên giải thế nào cũng chưa chịu. Anh chồng buồn bực cũng tự ái bỏ đi làm ăn xa.

Rồi một số cặp vợ chồng trẻ khác, lâu nay đôi khi lục đục, cũng đang cố dành dụm tiền nong, để đi xem quẻ. Ngồi nghe các bạn đồng niên lý sự đủ điều, mặc dù tôi đã cố gắng thuyết phục rằng chung quy tại bởi cái nghèo chi phối; Tại bởi mình chưa chịu khó tư duy, mở hướng làm ăn mới, để tự mình làm thay đổi cuộc sống, xây dựng hạnh phúc gia đình ấm no. Lại tin vào bói toán, gây hoang mang, thậm chí làm đổ vỡ hạnh phúc gia đình.

Mặt khác phải thấy rằng Cát Ngạn là vùng đất giàu tiềm năng, người dân lại ham làm giàu truyền thống cách mạng. Nhưng chưa được đầu tư nhiều, để làm thay đổi cung cách làm ăn, làm thay đổi sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phá bỏ thế độc canh thuần nông đã ngự trị ở đây cả ngàn đời.

Huyện Thanh Chương nói riêng, nhà nước nói chung cần tập trung đầu tư vốn, đưa khoa học công nghệ, tập huấn kỹ thuật, để làm thay đổi nhận thức của bà con, hướng dẫn họ cách làm ăn mới. Phát triển nghề và xây dựng làng nghề, để thu hút và giải quyết lao động nhàn rỗi ở đây, tạo việc làm tăng thu nhập cho nhân dân.

Mặt khác các tổ chức đoàn thể cũng cần tăng cường vận động, tích cực bài trừ tệ nạn bói toán ra khỏi địa bàn; Thi đua xây dựng đời sống văn hóa mới tại cộng đồng dân cư.

Rời Cát Ngạn ra về, mưa lất phất bay, bánh xe máy của tôi vẫn lăn đều trên con đường nhựa nối đường quốc lộ 7A với đường 46. Trăn trở lòng tôi bao câu hỏi đặt ra: Phải làm gì? Và đến bao giờ vùng Cát Ngạn, được đầu tư, để xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Câu trả lời xin dành cho các nhà hoạch định đầu tư xây dựng và phát triển kinh tế của Tỉnh và của Nhà nước?

Phùng Văn Mùi