Hồi âm:

Văn phòng Chính phủ lấy ý kiến về Dự án Nam An Khánh

(Dân trí) - Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi các bộ Tư pháp, Xây dựng, Tài chính và UBND TP. Hà Nội đề nghị có ý kiến đối với kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, trên cơ sở đó sẽ trình Thủ tướng xem xét, quyết định về Dự án Nam An Khánh.

Văn phòng Chính phủ lấy ý kiến về Dự án Nam An Khánh  - 1
Công văn của Văn phòng Chính phủ gửi các bộ Tư pháp, Xây dựng, Tài chính
và UBND TP. Hà Nội (Ảnh: Vũ Văn Tiến)
 
Theo văn bản được Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Kiều Đình Thụ ký, việc lấy ý kiến các bộ ngành như trên là do trước đó Thanh tra Chính phủ có văn bản báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ tạm dừng thực hiện dự án Khu đô thị mới Nam An Khánh.
 
Để có cơ sở trình Thủ tướng xem xét, quyết định, các đơn vị trên phải gửi văn bản nêu ý kiến về đề nghị của Thanh tra Chính phủ và gửi về Văn phòng Chính phủ trước ngày 4/11/2011.
Văn phòng Chính phủ lấy ý kiến về Dự án Nam An Khánh  - 2
Lãnh đạo Bộ Xây dựng và Tập đoàn Sông Đà tham quan mô hình nhà mẫu
tại Dự án Nam An Khánh của Sudico. (Ảnh: Vũ Văn Tiến, chụp ngày 23/2/2010)

Trong khi đó, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico, chủ đầu tư dự án) cũng gửi văn bản đến các cơ quan chức năng và cổ đông nêu một số vấn đề về dự án này.

Theo đó, Sudico cho rằng tại văn bản 2821/TTCP- V.I ngày 17/10/2011 do Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Sản ký đã không đề cập các văn bản được cấp thẩm quyền ban hành về dự án Nam An Khánh và cho rằng văn bản này của Thanh tra Chính phủ thiếu căn cứ pháp lý khi kiến nghị tạm dừng dự án này.

Giải thích việc ký hợp đồng với Tổng công ty Sông Đà, Sudico cho rằng Tổng công ty với tư cách là cổ đông chi phối đã đề nghị công ty ký hợp đồng hợp tác đầu tư dự án Nam An Khánh vào năm 2006 và Sudico đã chấp thuận đề nghị này vì mang lại lợi ích cho cổ đông nhà nước (Tổng công ty Sông Đà).

Sudico cho rằng đây không phải việc chuyển nhượng dự án giữa tổng công ty và Sudico vì Sudico đã là chủ đầu tư dự án. Ở đây, lợi ích mà Tổng công ty Sông Đà nhận được khi ký hợp tác đầu tư với Sudico là 155 tỉ đồng.

Sudico cho rằng kiến nghị tạm dừng thực hiện dự án Nam An Khánh hoặc bất cứ dự án nào của công ty sẽ gây ra thiệt hại nghiêm trọng và trực tiếp tới quyền lợi của các cổ đông.
 
Theo Sudico, việc dùng biện pháp hành chính yêu cầu “tạm dừng hoạt động các dự án đầu tư đang triển khai tại công ty cổ phần mà cổ đông nhà nước không nắm chi phối” không được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hay quy định hiện hành của Nhà nước.
 
Đến thời điểm này dự án Nam An Khánh đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư dự án theo văn bản số 885/CP-CN ngày 25/6/2004; được Bộ xây dựng phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 tại Quyết định số 128/QĐ-BXD ngày 29/1/2004; được UBND tỉnh Hà Tây (nay là Thành phố Hà Nội) phê duyệt: điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 tại Quyết định số 1567/QĐ-UBND ngày 13/9/2006, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 1168/QĐ-UBND ngày 07/7/2007; được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 2796/QĐ-UBND ngày 17/6/2011; đã được UBND tỉnh Hà Tây giao đất chính thức theo Quyết định số 563/QĐ-UBND ngày 04/04/2007.
 
Dự án đến nay cơ bản hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; Công ty Sudico đã hoàn thành nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước; và khoản tiền hỗ trợ địa phương khi khi thực hiện dự án là 1.200 tỷ đồng. Tổng vốn đã đầu tư vào dự án Nam An Khánh của Công ty Công ty Sudico đã tiến hành thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý theo quy định đến nay khoảng trên 4.000 tỷ đồng.
 
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về sự việc trên.
Vũ Văn Tiến