Văn hoá từ chức và xin lỗi dân

(Dân trí) - Theo tin báo chí từ trong nước, với vụ PMU18, nhiều cử tri yêu cầu Thủ tướng Chính phủ phải xin lỗi dân. Nếu điều đó xảy ra, thì đây là một bất ngờ lớn, một biểu hiện của tinh thần đổi mới, dám chịu trách nhiệm của một chính phủ biết tôn trọng dân.

Trong lịch sử nước ta, Bác Hồ đã từng xin lỗi dân. Đó là khi Đảng có sai lầm trong các đợt cải cách ruộng đất những năm 1954, 1955, 1956. Khi đó Đảng đã rập khuôn mô hình cải cách ruộng đất của Trung Quốc, không tính đến những điều kiện khách quan ở Việt Nam, là nhân dân và địa chủ, tư sản đi theo cách mạng rất đông. Hơn nữa tình hình ruộng đất của nước ta sau Cách mạng tháng 8 và trong những năm kháng chiến chống Pháp không có gì gay gắt.

 

Theo tài liệu của Tổng cục thống kê in trong cuốn “Ba mươi năm nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”, Nhà xuất bản sự thật, Hà Nội năm 1978, thì tình hình ruộng đất của nông dân Việt Nam thời kỳ cải cách ruộng đất là như sau: nông dân sử dụng 71,7% ruộng đất, ruộng đất của địa chủ chỉ có 18%. Trong đó có rất nhiều địa chủ kháng chiến, địa chủ yêu nước.

 

Như vậy nông dân không quá thiếu ruộng đất để dẫn tới phải làm cải cách ruộng đất. Nhưng khi đó do bệnh “ấu trĩ cộng sản”, như Lênin đã từng phê phán những người cộng sản Nga, nên Đảng ta với tinh thần hừng hực tiến công cách mạng, đã làm oan sai nhiều người.

 

Hội nghị trung ương 10 mở rộng của Đảng tháng 9 năm 1956 đã kiểm điểm nghiêm khắc các sai lầm trong cải cách ruộng đất. Bác Hồ thay mặt Đảng cũng công khai xin lỗi nhân dân. Đó là một văn hóa rất đáng quý của người lãnh đạo, của một Đảng lãnh đạo.

 

Lần này, vụ PMU18 không phải là việc làm oan sai nhiều người dân vô tội, mà là việc làm oan sai nhiều đồng tiền vô tội của các quan tham. Đồng tiền ODA vay của nước ngoài với lãi suất thấp, hoặc nếu may mắn là được viện trợ không hoàn lại, thì thực chất cũng là đồng tiền của nhân dân.

 

Chính phủ đã quản lý lỏng lẻo, yếu kém, hơn nữa, còn tiêu cực, xà xẻo, ăn cắp, để xảy ra thất thoát nhiều triệu đô-la tiền ODA. Trách nhiệm của Bộ giao thông thì đã rõ. Nhưng Chính phủ là người chịu trách nhiệm cao nhất trước Quốc hội, trước Đảng, trước nhân dân, thì không thể không dũng cảm nhận trách nhiệm. Không thể chỉ xử lý cấp dưới, còn Chính phủ thì vô can, ung dung ngồi nhìn, thậm chí còn lên tiếng phê phán những người làm sai như thể mình là người ngoài cuộc.

 

Ở tất cả các nước dân chủ trên thế giới, khi có vụ việc tiêu cực xảy ra, thì người chịu trách nhiệm trực tiếp bị xử lý, hoặc nếu nhẹ thì xin lỗi dân, nếu nặng thì tự giác xin từ chức. Nếu vụ việc nghiêm trọng, liên qua đến trách nhiệm của cả Chính phủ, thì Thủ tướng đích thân xin lỗi dân. Nếu nặng  thì cả Chính phủ xin từ chức. Còn việc bồi thường thiệt hại, việc xử lý hành chính hay hình sự do các sai phạm gây ra lại là chuyện khác.

 

Ở Nhật mới gần đây, ông Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nhật đã công khai xin lỗi dân, chỉ vì ông cho nhập khẩu thịt bò từ Mỹ mà thiếu sự kiểm tra sát sao. Với các công ty, các tập đoàn kinh doanh lớn, khi có phàn nàn của người tiêu dùng, khi có sự cố về tai nạn, thì ban lãnh đạo của công ty, cơ quan đó đều công khai xin lỗi dân.

 

Trên truyền hình Nhật, lâu lâu lại thấy cảnh một ban lãnh đạo nào đó cúi rạp người trước ống kính truyền hình để xin lỗi nhân dân. Đó là một văn hóa ứng xử rất văn minh của những người lãnh đạo ở Nhật.

 

Ở nước ta mới thấy ông Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Lê Huy Ngọ dũng cảm xin từ chức vì nhận trách nhiệm trong vụ Lã Thị Kim Oanh. Và với vụ PMU18, thì ông Bộ trưởng Bộ Giao thông Đào Đình Bình cũng xin từ chức, mà dư luận trong nước cho là một hành động “chạy làng” thì nhiều hơn. Nhưng công khai xin lỗi nhân dân thì ở nước ta còn hiếm lắm.

 

Bộ Y tế có nhiều bê bối trong quản lý, nhưng cũng chưa thấy có vị lãnh đạo Bộ Y tế nào xin lỗi dân. Bộ Giáo dục đào tạo cũng có nhiều bê bối trong quản lý, nhưng cũng chưa thấy có vị nào xin lỗi dân. Bổ nhiệm cán bộ có nhiều thiếu sót, nhưng không thấy lãnh đạo Ban tổ chức Trung ương xin lỗi dân. Các vụ “cơm tù”, “xe cướp” xảy ra trên nhiều nẻo đường đất nước, cũng chưa thấy vị lãnh đạo địa phương nào, vị lãnh đạo công an nào công khai xin lỗi dân.

 

Vụ hầm chui Văn Thánh, vụ Năm Cam, vụ công trình Dung Quất chậm, vụ cảnh sát Đà Lạt đánh người vô cớ, vụ tra tấn nhân viên nhà hàng ở Hòa Bình, việc để xảy ra khiếu kiện, oan khuất nhiều, vụ “bỏ quên va-li tiền ở sân bay”, vụ ăn nhậu với Dũng Huế ở khách sạn Melia… cũng không thấy vị lãnh đạo nào đứng lên xin lỗi dân.

 

Văn hóa xin lỗi dân của lãnh đạo ở nước ta còn thấp lắm. Còn hiếm người dũng cảm học tấm gương của Bác Hồ xin lỗi dân thời sai lầm cải cách ruộng đất. Nếu lần này đích thân Thủ tướng (mới, hay đương nhiệm) công khai xin lỗi dân về vụ PMU18, thì sẽ là một nét văn hóa đẹp của người lãnh đạo.

 

Minh Tuấn
(Từ Tokyo)