Bạn đọc viết:

Văn hóa quyền lực của “sếp” trưởng

(Dân trí) - Từ trong nhà ra ngoài xã hội, xét đến cùng cá nhân nào cũng có quyền lực. Điều khác nhau là ở chỗ kẻ có quyền lực mạnh hơn thì cũng có cơ hội chi phối người khác mạnh hơn.

Trong một cơ quan đơn vị, sếp trưởng là người có quyền lực cao nhất. Thế nhưng việc sử dụng quyền lực thế nào lại là câu chuyện của văn hóa. Xin ghi lại mấy điều mục sở thị.

Chuyện của những lái xe

Khi bước chân cuối cùng của sếp vừa vào phòng họp thì một cuộc sống rất đời thường của những cán bộ đường lối bắt đầu. Có khi cả nhóm rủ nhau đánh phỏm, có khi túm tụm bên quán nước chè chén. Câu chuyện trên trời dưới đất bên Tây bên Tàu đều góp vào và đương nhiên những chuyện liên quan đến sếp vẫn là "xôm" hơn cả.

Mỗi năm lái xe đồng hành với sếp hàng chục ngàn cây số, tính nết và sức khỏe của sếp thế nào, ăn uống nghỉ ngơi, đi đâu và làm gì hay dở đều khó qua được mắt bác tài. Không ít sếp tuyển chọn bác tài vô cùng khắt khe kỹ càng, từ tuổi tác tướng mạo tới cả những kỹ năng tưởng như không có liên quan gì tới công việc lái xe như sở thích ăn uống và vui chơi giải trí, trong đó sếp nào cũng mong muốn có được bác tài kín mồm kín miệng, càng biết điều chuyện đâu bỏ đó càng tốt.
 
Văn hóa quyền lực của “sếp” trưởng - 1

(Ảnh minh họa)

Cũng vì thế nên chuyện của những người lái xe nói về sếp khi nào cũng hay và hấp dẫn. Tiếng là lái xe nhưng các bác tài của sếp cũng phân làm nhiều ngôi bậc khác nhau. Danh giá nhất vẫn là cánh lái cho các sếp Ủy ban, các doanh nghiệp hàng đại gia và các sở thuộc hạng siêu sở liên quan đến tiền bạc, dự án, nhân sự…

Các sếp cỡ này rất dày bổng lộc, quan hệ làm ăn cũng vô tiền khoáng hậu, quyền lực thì mênh mông bất tận nên tính nết ít vụn vặt và cũng thường giữ quan hệ thân thiện với lái xe để phòng xa các bất trắc. Được ngồi ôm vôlăng cho các sếp như vậy đôi lúc đời cũng có tý hương hoa, chỉ một lời nói thêm của sếp có khi lái xe được ưu tiên một suất làm việc cho người thân thậm chí không chừng lại được cả một mảnh đất hàng trăm triệu. Rồi đủ thứ liên quan đến bảo đảm cho con xe như ngôi nhà di động phục vụ sếp đi đến nơi về đến chốn.

Cần tậu tivi xịn, dàn nhạc model, nước hoa ngoại, thay lốp, sửa phanh bác tài gợi ý là sếp ok. Có sếp sau chầu ăn nhậu rượu đã ngây ngất đòi bác tài cầm lái, xe hôn cả vào gốc cây bẹp dúm dó bađơxôc, bác tài cực chẳng đã phải làm Lê Lai cứu chúa.

Hôm sau Chánh văn phòng đề nghị sếp kỷ luật lái xe bèn bị sếp đả lại vì tội không hoàn thành nhiệm vụ, không kiểm tra chu đáo phương tiện đi lại của sếp, để đến xe mất phanh cũng không biết.“Chú mà đề nghị kỷ luật lái xe thì về làm quyết định kỷ luật chú để tôi ký trước”, Chánh văn phòng nghe sếp phán vậy mồ hôi vã ra như tắm.

Nhưng đó là những bác tài phúc nhà to hơn quả núi. Còn lại khốn khổ nhất là cánh lái xe cho các sếp cỡ làng nhàng. Nhiều bác tài dở khóc dở cười khi đi công tác ở Hà Nội chỉ có hai thầy trò, sếp về nhà riêng ngủ kèm theo tiền công tác phí và tiền lưu trú theo chế độ khoán của sếp. Còn mỗi mình bác tài với phân nửa số tiền không đủ thuê phòng trọ đành tàng hình trong xe suốt đêm.

Có sếp tính nết rất kỳ dị, cả năm không chi một đồng rửa xe mà xem việc lau chùi xe đương nhiên là của bác tài. Rồi lại có sếp quản luôn cả việc cấp định mức xăng theo chủ quan của sếp, sếp có biết những ngày nắng nóng đưa sếp đi về lái xe phải nổ máy chạy điều hòa đợi sếp, nhiều lúc tắc đường xe ngâm xăng hàng chục phút, lái xe cứ thấp thỏm bị sếp nghi đã rút xăng đi bán trộm.

Nỗi buồn Mama tổng quản

Trong nhiều đơn vị, Chánh văn phòng được ví như Đổng lý Ngự tiền, có nơi được gọi vui là Mama tổng quản. Quyền lực sếp trưởng hầu hết được chuyền qua tay Mama mới trở thành sức mạnh chi phối mọi người mọi việc. Vì vậy nhiều lúc sếp trưởng phải rất chiều chuộng Mama, miếng ăn cuộc chơi sếp đều nhớ tới. Thế nhưng sự đời khổ vậy, hầu hạ sếp lắm khi danh phận cũng ê chề, dăm bữa nửa tháng sếp lại cho vài chiêu dằn mặt.

Có lần sếp nói dối, bảo lái xe đưa về Thái Nguyên dự giỗ bà mẹ vợ nhưng báo lịch là đi Hà Nội làm việc với lãnh đạo Bộ, Mama chưa kịp sắm đồ lễ đã bị sếp mắng nhục không còn chỗ nẻ mà chui. Lại có lần Mama được giao tháp tùng sếp và cô bồ nhí của sếp đi vãn cảnh chùa Bái Đính, cô bồ của sếp còn kém Mama hàng chục tuổi nhưng xem Mama không khác ôsin, lòng dạ Mama cay đắng nhưng bóng quyền lực của sếp lớn quá nên Mama đành ngậm bồ hòn lê bước lên chùa rồi xuống chùa.

Nói đúng ra thì có những Mama cũng lắm tham vọng, sếp trưởng bắt thóp được nên cứ chưng cái bánh vẽ ra nhử. Khi Mama đã say rồi thì sếp dùng như nghệ sỹ dùng con rối. Mama của ngành nọ được sếp chọn mặt giao đi đàm phán % hoa hồng với đối tác trong một dự án đầu tư công nghệ cỡ hàng chục tỷ đồng. Thương thảo đến thiếu rơi cả lưỡi thì Mama cũng mang về cho sếp một cam kết về khoản bổng lộc khá hậu hĩnh kèm theo hy vọng sẽ được sếp cho ít lộc rơi lộc vãi. Oái oăm là sau đó Mama chỉ được sếp cho hít khói và còn bị nhắc nhở là vượt thẩm quyền, can dự quá sâu vào chức năng của sếp.

Có Mama được sếp phân công tham mưu tuyển nhân viên lỡ phổng tay trên của sếp vài cái bì thư có ruột, sếp tinh ý phát hiện và Mama vừa phải móc hầu bao trả lại gấp hơn nhiều lần cho sếp vừa bị sếp cho tu dưỡng phục hồi nhân phẩm suốt cả năm trời. Qua những mùa giông bão như vậy Mama thấm thía ngẫm ra trong đơn vị sếp là tất cả và luôn khắc lòng tạc dạ câu truyền khẩu của dân gian: điều 1, sếp luôn đúng; điều 2, nếu sếp sai thì ta hãy đọc lại điều 1.

Ai là hậu vệ?

Con đường công danh của đôi sếp đọc lên nghe ngộ nghĩnh lắm, có sếp đang làm ở ngành giống cây giống con, bà chị ruột có tý vai vế trên tỉnh trước khi nghỉ hưu đã kịp đóng cho cậu em cái ghế sếp trưởng bên ngành dịch vụ; có sếp nửa đời khổ sở mòn răng vì phải nhai đất ăn đá dưới huyện, trước khi về hưu muốn đổi gió thị thành cho mát mặt vợ con họ hàng và cũng thêm điều kiện tận hưởng tý quyền lực cuối đời nên cạy cục loby một suất sếp ngành.

Hỏi cấp trên sao sếp không rành chuyên môn, cấp trên trả lời tỉnh queo đã làm sếp thì chỉ cần năng lực quản lý điều hành chứ cần gì chuyên môn. Rồi khi đã ngồi vào ghế quyền lực sếp thể hiện đúng sở trường sở đoản, hàng hậu vệ thân tín của sếp là các vai hành chính, kế toán, tổ chức; đám bạn bè ruột của sếp là những nhà thầu hay rượu chè gái gú.

Câu chuyện chuyên môn và những người làm nghề trở thành bức bình phong cốt chỉ để sếp nhân danh. Trên diễn đàn sếp thêu hoa dệt gấm về phát triển sự nghiệp nhưng cuối cùng ai cũng đọc ra được tư duy dự án trong phát triển sự nghiệp của sếp. Bây giờ nếu tìm sếp không ôm dự án còn khó hơn cả đi tìm trầm tìm ngải. Cũng vì thế mà trong đơn vị quyền lực sau sếp không phải mấy ông phó sếp mà là của Trưởng phòng kế hoạch.

Chuyện chuyên môn có quan trọng đến mấy nhưng kế hoạch bảo chưa có nguồn, không cân đối được ngân sách thì coi như phải dừng lại nhưng sếp cần khoản đãi khách lớn hơn nhiều lần thì vẫn ok được. Nhiều chuyên viên chuyên môn quanh năm mẫn cán cống hiến, tận tụy làm đẹp cho sếp nhờ vào những công việc của chuyên môn, làm dày thêm kết quả hoạt động của đơn vị nhưng cả năm 365 ngày ai biết anh em được sếp ưu ái đến mức nào.

Có những chuyện nghe thật chạnh lòng: trưởng phòng chuyên môn đề xuất mua một số tài liệu tham khảo chuyên ngành cho chuyên viên, số tiền không trên chục triệu, sếp phó phụ trách chuyên môn chấp thuận và chuyển lên sếp trưởng, sếp trưởng lại cho vòng về trưởng phòng kế hoạch, cuối cùng trưởng phòng kế hoạch là người chi phối cả quyết định của sếp trưởng.

Ai cũng biết trong đơn vị hoạt động chuyên môn là xương sống, là hàng hậu vệ bảo đảm mọi an toàn cho đơn vị và cho sếp, các bộ phận khác sinh ra là để phục vụ cho chuyên môn. Nhưng sự đời lại khác ở chỗ người làm chuyên môn thường ít có cơ hội vụ lợi hơn nên sống mãi thành quen, nhiều chuyên viên mải mê cống hiến gần như cả đời không biết đến chuyện tiền nong vật chất.

Đó cũng là một trong những nguyên nhân làm cho những chuyên viên chuyên môn của nhiều đơn vị hiện giờ không còn được sếp chọn làm hàng hậu vệ trung thành và tin cậy.

Lời kết

Quyền lực của sếp cũng giống như cục điều hòa hai chiều, xoay phải thì mát xoay trái thì nóng. Quyền lực tối thượng được một nhân cách cao thượng sử dụng sẽ đem lại hạnh phúc cho mọi người và ngược lại. Chúng ta đang hướng tới xây dựng một môi trường làm việc mà nói như chuyện của các cháu bé là mỗi ngày đến đơn vị phải là một ngày vui, chúng ta cũng đang mong mỏi có một nền dân chủ thực chất mà quyền và trách nhiệm của con người phải được thật sự tôn trọng. Điều đó phụ thuộc rất lớn vào vốn liếng văn hóa của sếp, bởi vì cây càng cao bóng càng cả càng làm mát mặt những nhân viên thuộc quyền.

Khánh Linh