Văn hoá nơi cửa thiền

(Dân trí) - Chen lấn, giẫm đạp nhau đến nỗi có người ngất xỉu tại lễ xin ấn đền Trần là một trong những cảnh thường thấy của mùa lễ hội năm nay. Còn ở phố Tây Sơn (HN), bị kẹt xe kéo dài nhiều giờ, vì hàng ngàn người đội mưa trước chùa Phúc Khánh cầu an...

Văn hoá nơi cửa thiền - 1

Cảnh chen lấn, giẫm đạp tại hội Đền Trần vừa qua.
 
Các hoạt động lễ hội kéo theo hình thức khấn vài cầu xin ở các đền chùa ngày càng thu hút đông người dân. Ở đâu nghe đồn có thần linh phù trợ, có ông vua, bà chúa linh thiêng là người ta kéo đến. Đa số những người đi lễ là để xin ân lộc cho mình. Họ bỏ ra ít lễ vật để xin giàu sang phú quý, xin thăng quan tiến chức, xin cho con cái đỗ đạt. Khó có thể tưởng tượng được, ở phố Nguyễn Lương Bằng đêm Nguyên tiêu, hàng ngàn người ngồi khấn vái dưới mưa. Ở Yên Tử hay các đền thờ bà chúa, người ta đạp nhau để kinh doanh thần linh. Đức tin tôn giáo hay sự mê muội, lòng tin vào thánh thần hay là lòng tham của con người, câu trả lời quá rõ.

 

Nhưng tại sao vẫn còn nhiều người ngày càng  sa đà vào cúng vái, bói toán và các hình thức cầu xin thần linh đậm chất mê tín như vậy? Từ xa xưa, phật tử cũng đi lễ chùa, người dân cũng đi đến các đền thờ để bày tỏ lòng tin tôn giáo hoặc sự thành kính đối với các vị thần linh trong dân gian. Các nghi thức tôn giáo, ứng xử của người tham gia lễ hội thường chừng mực, có văn hóa, trang nghiêm và thanh sạch. Nhưng những nét đẹp truyền thống tôn giáo và văn hóa dân tộc ở không ít nơi dần dần bị mất đi, thay vào đó là sự mê muội, đồng bóng và các hành vi thiếu văn hóa. Con người ngày càng thiếu niềm tin nên nương tựa thần linh, hay quá thực dụng, chỉ nghĩ đến tiền bạc, công danh nên cầu cạnh ơn trên phù trợ? Trong cuộc sống, họ tranh giành nhau, đến cửa Phật, đền thờ, miếu mạo, họ tiếp tục tranh giành.

 

Đi đến các cửa thiêng để bày tỏ lòng tin, cầu ân đức nên cầu ứng xử có văn hóa.

 

Lê Chân Nhân