Ứng xử với văn hóa mà không văn hóa

Trong vòng trên dưới 10 ngày, người dân cả nước được chứng kiến đến 2 “lễ hội” tại phía Bắc mà các phương tiện thông tin đại chúng đã phải tốn không ít thời gian để bàn luận về nó. Một trên sân Vinh thuộc đất Nghệ An và một trên đất Tràng An ngàn năm văn hiến.

Cả hai cuộc lễ hội trên - nếu có thể nói như thế, đều là dịp thưởng thức văn hóa của con người và cũng là dịp thể hiện văn hoá ứng xử của con người. Và có nhiều điều trùng hợp thật đáng nói giữa 2 sự kiện này. Đó là cả 2 cuộc hội ngộ này đều phải huy động một lực lượng cảnh sát khá đông đảo nhằm bảo đảm an ninh-trật tự. Ở Hà Nội đã phải dùng đến ngót 500 công an và các lực lượng bảo vệ khác. Còn tại Nghệ An tuy sự kiện chính diễn ra tại Vinh nhưng các lực lượng chức năng lại phải chuẩn bị các phương án phòng xa trải dài từ biên giới Thanh Hoá - Nghệ An, tức đất Quỳnh Lưu đến Vinh và đã đặt cho các lực lượng an ninh Nghệ An trong tình trạng sẵn sàng. 
 
Quả nhiên những sự kiện không có trong kịch bản đã xảy ra ở đất Diễn Châu cách Vinh đến 40 km. Điều trùng hợp thứ hai là tính chất lặp lại theo chu kỳ của 2 sự kiện trên. Năm ngoái lại lễ hội hoa Thủ đô, những cây Anh đào từ đất nước Nhật Bản xa xôi đã bị các nam thanh nữ tú đua nhau ngắt bẻ. Năm ngoái cũng tại sân Vinh xảy ra ẩu đả, đánh nhau giữa cổ động viên hai đội Sông Lam Nghệ An và Xi măng Hải Phòng làm bị thương nhiều người khác. Năm nay các sự kiện trên đã được dự phòng sớm nên đã hạn chế được rất nhiều những hành vi trên song cũng chưa thể nói là hoàn hảo, nhất là ngoài sân bóng tại Nghệ An.     
 
Như vậy có thể thấy những hiện tượng trên xảy ra tuy ở 2 địa danh khác nhau nhưng lại mang tính lặp lại như là quy luật. Hễ có đá bóng giữa 2 đội này là y như có chuyện này chuyện khác. Còn ở Hà thành mới chỉ 2 lễ hội hoa mà người ta đã thấy được sự lặp lại giống nhau, không biết mùa lễ hoa năm sau Hà Nội có khác đi không hay lại như cũ. Tức là cứ mỗi cây anh đào giả phải dùng đến 2 công an và một tình nguyện viên trông coi và mỗi cây anh đào thật số người bảo vệ phải tăng lên đến 3 lần.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Hãy hình dung, một lễ hội văn hoá về hoa mà chỗ nào cũng ken dày bóng dáng của các chiến sỹ cảnh sát thì người nước ngoài và bản thân chủ nhân của hoa anh đào sẽ nghĩ gì về văn hoá của người Việt Nam? Một sân bóng đá mà lực lượng cảnh sát đan dày cùng với người thướng thức thể thao? Và chính các cảnh sát cùng với trọng tài, giám sát và các cầu thủ, ban huấn luyện 2 đội phải “thưởng thức” những ngôn ngữ không mấy dễ chịu từ các cổ động viên nhất là từ đội chủ sân.     

Từ 2 sự kiện trên có thể thấy được điểm tương đồng về văn hoá hay trình độ thưởng thức của người dân là rất thấp. Không được chứng kiến cảnh 2 thanh niên xắn quần đánh nhau để giành lấy một cành hoa để tặng người yêu tại lễ hoa năm ngoái tại Hà Nội, nhưng qua những hình ảnh thu được cảnh những bàn tay bút măng nõn nà của các cô gái đang giành giật nhau từng bông, từng nụ hoa anh đào thì không hiểu chủ nhân đích thực của loài hoa đó từ đất Nhật có đau lòng không khi mà biểu tượng của dân tộc mình bị người khác giằng xé? Có lẽ không ngoa khi nói rằng chủ nhân của các hành vi méo mó đó (từ vặt hoa đến ẩu đả bóng đá) đa số là giới trẻ chứ không thể là người lớn tuổi, từng trải được.     

Về nguyên nhân của các sự kiện trên, chúng tôi nghĩ là có nhiều cách lý giải khác nhau, ở nhiều góc độ nhưng chung quy lại có thể thấy trình độ thưởng thức văn hoá của nhiều người trẻ là có vấn đề. Nếu mổ xẻ sâu hơn chắc phải tìm đến các căn nguyên sâu xa khác. Chính vì thế, chúng tôi không đồng tình với cách lý giải của TS văn hoá học Trần Thuý Anh (ĐH KHXH & NV Hà Nội) trong bài “Méo mó văn hoá thưởng thức của giói trẻ” trên một tờ báo đã cho rằng do “cái tôi” cá nhân được đẩy lên rất nhanh, thậm chí còn nhanh hơn cả …Tây. Phương Tây duy lý thành luật lệ, còn ta, duy lý thì bẻ hoa về nhà ngắm một mình?
 
 Tất nhiên đỗ lỗi cho giới trẻ tât cả là không công bằng nhưng cho rằng ý thức của người trẻ nước ta không có vấn đề cũng là không đúng và chưa đầy đủ. Nên đặt vấn đề là tại sao cũng “cái tôi” đó mà lễ hội vùng này lại xảy ra hành vi đó mà vùng khác lại không hoặc ít hơn? Và nếu điều đó xảy ra, thì có thể kết luận văn minh ở lễ hội hoa tại TP Hồ Chí Minh và Đà Lạt là khá hơn Hà Nội? Tương tự cổ động viên (CĐV) sân Gò Đậu khá hơn sân Vinh và Hải Phòng?

Hoặc sự kiện bóng đá mới đây tại sân Vinh, theo chúng tôi cách ứng xử của BLĐ đội Hải Phòng cũng không được nhiều người đồng tình khi cho rằng, Ban tổ chức sân Vinh lập trạm kiểm soát ở Diễn Châu và thu pháo sáng, dao kiếm của CĐV Hải Phòng là ngoài kịch bản và không báo trước? Thử hỏi việc các CĐV Hài Phòng đập phá trạm kiểm soát, không chịu mua vé phí giao thông và còn quay ngang xe để cản trở giao thông thì có cần báo trước không? Chẳng lẽ cứ phải để cho CĐV mang được dao kiếm đến sân Vinh thì mới xử lý sẽ tốt đẹp hơn ư?

Qua 2 sự kiện trên có thể thấy việc giáo dục con người nói chung và giới trẻ nói riêng là quá trình lâu dài từ nhỏ đến lớn, từ gia đình đến trường học và học ứng xử cả đời người chứ không phải ngay một lúc đã định hình được. Và đó là quá trình cần phải có sự hợp lực của nhiều yếu tố. Ngoài ra cũng cần phải tính đến có những đối tượng  cá biệt không thể giáo dục được. Trong bóng đá đó là các hooligan sân cỏ, trong văn hoá lễ hội hoa Hà Nội - có thể gọi tên là các hooligan vặt hoa.
 
Với những đối tượng cá biệt này tại các nước đá bóng họ đã có kế hoạch cấm những tên này vào sân. Hà cớ gì chúng ta không chịu khó ghi hình cho vào sổ đen những kẻ này đễ cứ đến lễ hội sau có biện pháp quản thúc chúng, để giảm dần, tiến đến loại bỏ hẳn các hiện tượng méo mó- phản văn hoá trên. Nếu cần cứ đem vào luật tội hooligan ở bất cứ loại hình nào cũng trừng phạt thật nặng thì xã hội sẽ bớt đi những cảnh chướng tai gai mắt trên và chúng ta sẽ không còn phải xấu hổ trong mắt người nước ngoài về những hiện tượng phản cảm nói trên .

Trần Hồng Lưu < hongluu2007@yahoo.com.vn >

LTS Dân trí - Những hoạt động văn hóa như lễ hội hoa hay các cuộc thi đấu thể thao đều nhằm thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ đem đến niềm vui, sự sảng khoái tinh thần cho con người. Đấy cũng là cách ứng xử có văn hóa đối với những hoạt động văn hóa nói chung. Song điều rất đáng tiếc là qua trận bóng đá ở Vinh (Nghệ An) cũng như Lễ hội hoa Anh đào ở Hà Nội vừa qua đã xảy những sự cố phản văn hóa mà dư luận đã phải bất bình và lên án.

Với truyền thống văn hiến đáng tự hào của dân tộc, chúng ta không thể  để tái diễn cách ứng xử vô văn hóa trong đời sống xã hội, nhất là tại nơi tổ chức những hoạt động có tính văn hóa như lễ hội và các trận đấu thể thao.

Vận dụng tổng hợp các biện pháp giáo dục, tổ chức, hành chính và cả các biện pháp chế tài nghiêm minh của pháp luật, chắc chắn chúng ta ngăn chặn được những sự cố đáng tiếc đó.