Tương lai của giảng viên trẻ rồi sẽ về đâu?

Đọc bài viết của các bạn <a href="http://dantri.com.vn/diendandantri/Vi-sao-toi-danh-tu-bo-nghe-day-hoc/2008/7/244026.vip">Nguyễn Thanh Mai </a>, <a href="http://dantri.com.vn/diendandantri/Khung-hoang-can-bo-o-dai-hoc/2008/8/244533.vip">Vũ Minh</a> và <a href="http://dantri.com.vn/diendandantri/Sao-co-cach-quan-ly-nhu-vay-o-moi-truong-tri-thuc/2008/8/244521.vip">Trung Thực</a>, tôi thực sự không cầm được lòng mình và cũng muốn tâm sự chia sẻ cùng mọi người về vấn đề quản lí, chính sách đối xử với những giảng viên trẻ ở đại học.

Khi đang học đại học thì tôi nhận được học bổng du học, sau nhiều năm học ở nước ngoài tôi trở về nước với tấm bằng loại xuất sắc trên tay và thậm chí còn học vượt một năm. Tôi được giới thiệu đến một Viện nghiên cứu danh tiếng ở Hà Nội và sau khi được thầy Viện trưởng kiểm tra kiến thức tôi được nhận ngay.

Tôi rất vui mừng vì nghiên cứu khoa học là niềm đam mê, mơ ước của cuộc đời tôi. Thế nhưng thầy Viện trưởng nói ngay với tôi là: “Vì Viện rất nghèo nên em vào đây làm việc sẽ không có lương, tiền bảo hiểm em cũng phải tự đóng…Các bạn khác vào đây cũng phải hàng ngày đi làm gia sư hay làm thêm để có tiền sinh sống…”. Tôi buồn rầu và định hỏi lại thầy là “nếu như vậy thì thời gian đâu mà nghiên cứu?”, nhưng lại thôi và lặng lẽ ra về… Tiền để nuôi bản thân còn chưa có, nói chi đến việc chăm sóc cho bố mẹ, gia đình.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Sau đó tôi xin vào làm giảng viên ở một trường đại học danh tiếng. Quá trình xin việc của tôi ở đây có lẽ phải nói là “cười ra nước mắt”. Hồ sơ xin việc của tôi được thầy trưởng khoa và thầy trưởng bộ môn đánh giá tốt nên tôi chỉ cần thông qua Tổ bộ môn là sẽ được nhận vào làm. Hôm đó, sau khi trình bày xong vấn đề mà tôi đang nghiên cứu và trả lời các câu hỏi được đặt ra, các “lão làng” trong Tổ bắt đầu đi soi lại đơn và hồ sơ xin việc của tôi. Đầu tiên họ nói với tôi là vào đây không chỉ giảng dạy mà còn phải thường xuyên nghiên cứu khoa học, do đó phải biết nhiều ngoại ngữ. Bằng đại học của tôi được viết bằng hai ngoại ngữ thông dụng nhất hiện nay nên khi đến xin việc thầy trưởng Tổ bộ môn nói không cần dịch ra tiếng Việt. Chính việc này đã tạo ra sự dở khóc dở cười hôm đó.

Ở nước tôi học trong một học kì học rất nhiều môn nhưng chỉ thi một số môn qui định (có điểm), các môn còn lại thì kiểm tra sát hạch (không có điểm), nhưng nếu ai không qua các môn sát hạch thì cũng bị đuổi học ngay. Trong đơn xin việc tôi ghi là tất cả các điểm thi đều là điểm xuất sắc, tối đa, và một “lão làng” đã lên tiếng phản đối, nói tôi là người gian dối, vì thấy trong bằng của tôi có “hai loại điểm”. Thực ra là các môn thi có điểm thì người ta ghi là “excellent”, còn các môn kiểm tra sát hạch thì người ta ghi là “passed”, thầy đọc mà không hiểu gì nên nghĩ là “hai loại điểm”.

Sau đó thầy lại hỏi tôi tại sao môn “Physical Training”, mà theo thầy là môn “Vật lí” rất quan trọng, sao lại không thi??? Trời đất ơi, đó là môn “Thể dục” mà thầy!!! Thầy là người có học vị “rất kêu”, chắc là cũng đang “nghiên cứu khoa học” rất hăng say, và theo thầy thì phải “thành thạo ngoại ngữ” như thế đấy!!!

Trong đơn xin việc tôi còn ghi là: “Em xin hứa sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”. Thế nên một “lão làng” khác đã mắng tôi là không khiêm tốn và nói là: “Các thầy cô ở đây giảng dạy bao nhiêu năm mà không dám nói là làm tốt công việc, thế mà anh mới vào đã dám nói sẽ làm tốt…”. Sau đó tôi phải viết lại đơn xin việc một cách “khiêm tốn hơn”, cắt bỏ phần lớn các thành tích bao năm trời gian khổ phấn đấu mà có được, để đúng với “qui định” của Tổ.

Cuối cùng tôi cũng được nhận vào làm việc với mức lương ghi trên giấy trắng mực đen là 690 nghìn đồng/tháng. Nghe nói sau đó Nhà nước có chính sách tăng lương nên sẽ được 900 nghìn đồng/tháng, vì tôi chỉ làm việc ở đây một thời gian ngắn rồi lại ra nước ngoài du học tiếp. Động lực duy nhất khiến tôi còn ở lại làm việc trong thời gian đó là các đồng nghiệp trẻ, họ cùng trang lứa, cùng số phận, thậm chí còn bị “bóc lột” hơn tôi rất nhiều.

Trong Khoa, Tổ, chúng tôi giống như những người giúp việc, những chân sai vặt cho các “lão làng”. Còn những chuyện như các bạn Nguyễn Thanh Mai, Trung Thực đã kể thì tôi không muốn nhắc lại nữa, ở trường tôi cũng không khác gì trường của các bạn đâu. Sau khi vào đó làm việc tôi mới biết được mình là người duy nhất xin vào làm việc mà “không quen biết ai”.

Tôi không phải là trường hợp đặc biệt. Các bạn cùng đi du học với tôi cũng đều rất “bất bình” về cách đối xử của các “cơ quan Nhà nước”. Một số thì đang tìm cách ra nước ngoài làm việc, một số thì xin vào các “cơ quan Tư nhân”, một số khác thì từ bỏ nghề dạy học và chuyển sang lĩnh vực khác… Chính bản thân tôi là một người yêu nghề dạy học và yêu khoa học cũng đang dần chán nản với công việc này. Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, bố mẹ đã rất vất vả để nuôi tôi ăn học. Cả gia đình, thậm chí cả dòng họ đang đặt niềm tin vào tôi. Thế nhưng được tiếng là làm việc trong một trường đại học danh giá, mà tôi phải ra ngoài làm thêm mới gần đủ nuôi chính bản thân mình. Tôi đang rất băn khoăn về tương lai của mình - tương lai của một giảng viên trẻ?

Muốn có trò giỏi thì cần phải có thầy giỏi, mà muốn có thầy giỏi thì cần có những giảng viên trẻ kế tục sự nghiệp của các thế hệ lớp trước. Cái lí lẽ ấy chắc ai cũng biết. Nhưng một khi những giảng viên trẻ, có tài không được coi trọng và đãi ngộ đúng mức thì sẽ kéo theo những hậu quả khó lường, rồi nền Giáo dục nước nhà sẽ đi về đâu?

Tống Thanh

LTS Dân trí - Qua những bài viết của những giảng viên trẻ tuổi của các trường đại học và cao đẳng, có thể nói tình hình sử dụng cán bộ trẻ ở môi trường  trí thức khá điển hình này đang ở mức “báo động đỏ”! Nếu cứ để tồn tại cung cách sử dụng trí thức trẻ như vậy thì không biết “Tương lai những giảng viên trẻ sẽ đi về đâu ?” mà cả “Tương lai nền đại học của chúng ta sẽ đi về đâu ?” khi ngày càng thiếu hụt những người thầy tâm huyết và tài năng.

Đấy là thực trạng thật sự đáng lo lắng về nền giáo dục và khoa học của nước nhà. Thực tế đó càng làm nổi rõ tầm quan trọng và ý nghĩa cấp bách của việc xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ mới đúng như tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 của Đảng đã nêu rõ.

Nhận thức về vai trò đặc biệt quan trọng của đội ngũ trí thức cũng như chính sách trọng dụng trí thức trong thời kỳ mới - như Nghị quyết đã nhấn mạnh - cần được mọi cấp lãnh đạo quán triệt và cụ thể hóa thành cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho những cán bộ giảng dạy Đại học và cán bộ nghiên cứu ở các Viện khoa học được chăm lo tốt hơn  về đời sống và có môi trường hoạt động chuyên môn thuận lợi để mọi người được thể hiện hết năng lực và tâm huyết của mình trong công việc và được đối xử xứng đáng với những kết quả đã cống hiến. Chỉ có như vậy mới tạo cơ hội cho việc tăng cường đội ngũ cán bộ, nhất là những cán bộ trẻ có tài năng và tâm huyết cho các trường Đại học và các Viện khoa học.