Từ kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua…

Trong bài phỏng vấn sau khi kết thúc kì thi tốt nghiệp THPT năm nay, trả lời câu hỏi: “…sang năm có tổ chức kỳ thi quốc gia không…?”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Việc đó tùy thuộc vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp này và sự đồng thuận của xã hội...

Chúng tôi cho rằng đó là một thái độ thận trọng rất đáng hoan nghênh. Bởi vì những cải cách lớn nếu vội vã áp dụng vào thực tiễn trước khi được phản biện đầy đủ sẽ gây ra những hệ lụy khôn lường.

 

Những điều mắt thấy tai nghe từ kì thi

 

Chủ trương tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia được Bộ GD-ĐT đưa ra mấy năm trước, song đã vấp phải sự phản ứng của dư luận. Những người không đồng tình với chủ trương này cho rằng việc tổ chức kì thi như vậy sẽ vấp phải hai trở ngại rất lớn: đó là tính nghiêm túc, công bằng của kì thi và sự khác nhau về mục đích, tính chất giữa hai kì thi (tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH).

 

Để thuyết phục dư luận, Bộ GD-ĐT đã có rất nhiều nỗ lực để tạo lập kỉ cương thi cử. Và kì thi tốt nghiệp THPT mấy năm gần đây, đặc biệt là năm nay, được dư luận ghi nhận về sự kỉ cương, nghiêm túc. Tuy nhiên, là một người trong cuộc, chúng tôi nhận thấy kì thi vẫn còn những biểu hiện thiếu nghiêm túc, một tín hiệu không hay cho việc tổ chức một kì thi THPT quốc gia trong tương lai.

 

Toàn bộ kì thi vẫn có 5.604 thí sinh bỏ thi, 299 thí sinh bị kỉ luật (8 trường hợp thi hộ), 73 em bị tai nạn giao thông, 1 giám thị bị đình chỉ công tác. Mặc dù không phát hiện gian lận có tổ chức, song hiện tượng thí sinh mang tài liệu vào phòng thi vẫn còn phổ biến ở không ít các địa phương. Sau các buổi thi môn Văn, môn Địa lý, nhiều hành lang phòng thi, nhiều đoạn đường gần khu vực thi trắng xóa phao thi. Có thí sinh mang cả cuốn SGK vào phòng thi.

 

Phổ biến nhất là tình trạng quay cóp, trao đổi trong phòng thi. Mặc dù các giám thị liên tục nhắc nhở, song vẫn có nhiều phòng thi rất ồn ào, nhất là vào những phút cuối của giờ làm bài. Có những thí sinh bị nhắc nhở hàng chục lần trong một buổi thi, đã “năn nỉ”: “Môn này em không biết gì, thầy cho em xoay xở tý”. Các thí sinh trong phòng thi thường phối hợp, giúp đỡ nhau để làm bài: ra hiệu, nói nhỏ, em ngồi trước mở bài cho em ngồi sau hay ngồi cạnh nhìn...

 

Khâu coi thi cũng đã có nhiều dấu hiệu lơi lỏng. Trước khi thi, ông Chủ tịch Hội đồng coi thi nhấn mạnh tinh thần tổ chức một kì thi “đúng quy chế, công bằng, an toàn”, và nhắc các giám thị nên có thái độ “nhẹ nhàng, tránh căng thẳng”. Nhiều nơi các thanh tra của Sở GD-ĐT và của Bộ GD-ĐT cũng có phần lơi lỏng trong nhiệm vụ giám sát. Cá biệt còn có trường hợp một vị thanh tra ủy quyền của Bộ trực tiếp gặp 1 giám thị để “gửi” số báo danh?! Một số cán bộ công an làm nhiệm vụ bảo vệ, phó chủ tịch hội đồng coi thi cũng tham gia “gửi” số báo danh cho giám thị. Rồi các giám thị cũng “gửi” số báo danh cho nhau.

 

Không ít giám thị nương nhẹ cho thí sinh, với suy nghĩ tạo điều kiện cho thí sinh có tấm bằng tốt nghiệp sau 12 năm đèn sách để vào đời. Một người là phó Hiệu trưởng còn nói: “Đã có mang rồi thì phải đẻ chứ, phải cho các em một cơ hội để vào đời”. Chính tâm lý này là một lực cản lớn để có một kì thi thực sự nghiêm túc, đúng quy chế.

 

Đã có những dấu hiệu một số lãnh đạo hội đồng coi thi được địa phương “ưu ái”. UBND huyện nọ đã mời toàn bộ lãnh đạo các đồng chí coi thi (gồm cả thanh tra, thư kí) trên địa bàn đi dự các bữa cơm thân mật, đi thăm thú, du lịch, rồi tặng quà kỉ niệm cho đoàn thanh tra của Bộ. Các trường và đại diện Ban cha mẹ học sinh sở tại cũng tổ chức mời lãnh đạo các hội đồng thi ăn uống. Theo quy chế, kinh phí ăn ở của lãnh đạo Hội đồng coi thi đã có ngân sách nhà nước đảm bảo. Các trường sở tại chỉ tổ chức thuê người nấu ăn, tổ chức chỗ nghỉ cho lãnh đạo Hội đồng coi thi, và chi phí ăn uống sẽ trừ vào tiền được phát của mỗi người.

 

Quy định là vậy, nhưng nhiều trường sở tại đã “hào phóng” bao ăn ở cho toàn bộ lãnh đạo Hội đồng thi, và các vị cũng “hồn nhiên” đón nhận, coi như đó là lẽ thường. Phải chăng đây là lí do mà việc đôn đốc thực hiện quy chế thi đã có phần lơi lỏng?

 

Là người trong cuộc, chúng tôi đã biết được những cuộc mặc cả để được những người có trách nhiệm “lo” cho con em đảm bảo thi đỗ, có khi chi phí đến hàng chục triệu đồng. Có một thí sinh trực tiếp đến mời giám thị đi ăn uống, một người khác thì xin nhờ giám thị lo cho con em với cái giá 4 triệu đồng. Giám thị đó không nhận lời vì…chê ít!

 

Việc “giúp đỡ” này cũng không quá khó khăn. Ông Chủ tịch hội đồng coi thi sẽ bố trí giáo viên thân cận, phù hợp với môn thi vào phòng và tìm cách “gà” bài cho thí sinh. Đối với môn thi trắc nghiệm, việc giúp đỡ càng hết sức dễ dàng, chỉ cần giám thị lượn qua lượn lại vài vòng là thí sinh đã cơ bản làm xong bài, dù thanh tra có giám sát chặt chẽ cũng khó lòng phát hiện.

 

Liệu với những dấu hiệu “rạn nứt” như thế, không hiểu khi tổ chức một kì thi THPT quốc gia, khi mà kết quả kì thi sẽ quyết định tương lai thí sinh, không hiểu mức độ tiêu cực sẽ tăng lên như thế nào. Một điều tế nhị nữa là trong các kì thi bao giờ cũng có con em của những lãnh đạo địa phương, cán bộ quản lý giáo dục, của các đại gia lắm tiền nhiều của…với chằng chịt những mối quan hệ khác. Mặt khác, “mặt trận thi cử” lại trải rộng ra trên toàn quốc, tính phức tạp càng tăng thêm, việc “phòng thủ” càng khó khăn.

 

Ngay cả trong khâu chấm thi, tâm lí chung của các thầy cô là nương nhẹ cho học sinh. Mặt khác, họ thường rút kinh nghiệm “chấm lỏng thì không bao giờ bị kiện còn chấm chặt thì dễ bị kiện (yêu cầu phúc khảo), lôi thôi lắm”. Chúng tôi cho rằng, ở một số địa phương, nếu khâu chấm thi thực sự nghiêm túc (không có việc nương nhẹ, chấm lỏng) thì kết quả thi sẽ thấp hơn nhiều.

 

Chúng tôi không có mục đích “vạch lá tìm sâu”,  hay nói xấu đồng nghiệp mà chỉ muốn nói lên sự thật để những người có trách nhiệm suy nghĩ. Nhiều giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục thẳng thắn trao đổi: “Kết hợp hai kì thi làm một sẽ loạn!”.

 

Hai kì thi, hai tính chất - kết hợp ra sao?

 

Cứ cho là Bộ GD-ĐT với những nỗ lực mạnh mẽ, kiên quyết hơn nữa sẽ thiết lập được kỉ cương thi cử (đương nhiên cũng sẽ rất tốn kém và căng thẳng), thì một trở ngại rất lớn nữa cũng chưa được khắc phục. Đó là sự khác biệt về mục đích, tính chất của hai kì thi. Kì thi tốt nghiệp THPT nhằm mục đích kiểm tra kiến thức ở trình độ phổ thông, để cấp bằng tốt nghiệp, công nhận người học đã đạt yêu cầu trình độ phổ thông. Nếu như khâu đánh giá ở trường phổ thông bảo đảm tính minh bạch, chính xác thì kì thi này có thể bãi bỏ. Cơ quan quản lý giáo dục sẽ căn cứ kết quả xếp loại đánh giá trong ba năm học để cấp bằng tốt nghiệp cho học sinh. Chúng ta đã làm như vậy đối với bậc tiểu học và THCS, và thực tế cho thấy sự phù hợp, được giáo giới và người học, nhân dân đồng thuận, giảm được những kì thi căng thẳng, tốn kém.

 

Trong khi đó, kì thi tuyển sinh đại học nhằm tuyển chọn những “mầm non” nhân tài, chỉ có những học sinh khá giỏi thực sự mới có cơ hội học tiếp ở bậc cao hơn, hiện nay tỷ lệ học sinh THPT đậu ĐH-CĐ chỉ có khoảng 15-25%. Trong thực tế, mọi người dân vẫn rất tin tưởng vào sự nghiêm túc, chính xác của kì thi này, chấp nhận sự nghiêm khắc của quy chế thi, mức độ khó của đề thi. 

 

Sự khác biệt thể hiện rõ nét trong đề thi. Đề thi tốt nghiệp THPT thường dễ (thậm chí bị kêu là quá dễ), có tính phổ thông cao để cho những học sinh trung bình cũng có thể làm được bài. Trong khi đó, đề thi tuyển sinh ĐH thường khó hơn, có tính chuyên môn, phân hóa sâu sắc hơn. Đặt hai đề thi cùng một môn của các năm gần đây sẽ dễ dàng nhận ra điều đó. Vậy làm sao có thể “nhập hai đề thi làm một”? Có không ít thí sinh chỉ tham gia thi với mục đích lấp bằng tốt nghiệp THPT sẽ chịu “thiệt đơn thiệt kép”, giống như vận động viên nghiệp dư phải thi cùng một nội dung với những vận động viên chuyên nghiệp.

 

Phương án phối hợp hai yêu cầu của kì thi vào trong một đề thi, rồi lấy mức trung bình 3 điểm/môn làm căn cứ công nhận tốt nghiệp đúng là một phương án “chẳng giống ai”, rất khập khiễng.

 

Giáo sư Y khoa Nguyễn Văn Tuấn (Úc) cho rằng, trong thực tế “điểm thi tốt nghiệp trung học không phải là yếu tố tiên đoán cho điểm thi tuyển đại học và càng không có liên hệ gì đáng kể với điểm học trong năm cuối của chương trình đại học. Nói cụ thể hơn, các học sinh có điểm thấp khi tốt nghiệp trung học khi đi thi đại học và khi tốt nghiệp đại học vẫn có điểm cao; ngược lại phần đông các học sinh có điểm cao trong kì thi tốt nghiệp trung học không phải là những sinh viên có điểm cao khi học đại học”.

 

Nói cách khác, chúng ta chỉ có thể bỏ kì thi đại học (hay nhập hai kì thi) một khi chất lượng giáo dục phổ thông đã thực sự được được nâng cao.

 

Chúng tôi không phản đối kì thi tốt nghiệp THPT quốc gia, song với điều kiện kì thi được tổ chức sau khi đã có giải pháp hữu hiệu để khắc phục những hạn chế, mâu thuẫn nói trên. Giống như một vị thuốc hay, song lại có những phản ứng phụ nguy hiểm, cần được người bào chế vô hiệu hóa, trước khi áp dụng đại trà.

 

Vì vậy, chúng tôi cho rằng việc Bộ GD-ĐT tiếp tục cân nhắc trước khi tổ chức kì thi THPT quốc gia là một quyết định sáng suốt. 

 

Trọng Nghĩa

 

LTS Dân trí - Bài viết trên trên đây của một thầy giáo có thâm niên trong nghề đã nói lên thực trạng còn nhiều vấn đề trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua tại một địa phương “địa linh nhân kiệt” vốn có truyền thống học tập. Từ thực tế đó, tác giả lo lắng cho một kỳ thi quốc gia - gộp hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học làm một thì sẽ còn nảy sinh nhiều tiêu cực khó lường và khó kiểm soát hơn nữa.

 

Đấy là lời cảnh báo có căn cứ thực tiễn để cho các cấp quản lý có trách nhiệm của ngành giáo dục nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định có kỳ thi quốc gia với phương án “hai trong một” vào lúc nào cho thích hợp để đạt được kết quả mong muốn.