Bạn đọc viết:

Từ “Chuyện người con gái Nam Xương” tới “Đường đến thành Thăng Long”

“Đường đến thành Thăng Long” - bộ phim được đầu tư lên tới 100 tỷ đồng. Tuy nhiên trước ngày dự kiến lên sóng, bộ phim đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi. Chúng tôi xin giới thiệu lại một trong những bài viết đáng chú ý của một độc giả gửi tới tòa soạn.

Từ “Chuyện người con gái Nam Xương” tới “Đường đến thành Thăng Long” - 1

Phải chăng Việt Nam ngày xưa giống hệt Trung Quốc (!!) chỉ khác tên nhân vật, lời thoại?
Trong chương trình ngữ văn THCS, học sinh được học tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương”. Vừa qua đọc thông tin về bộ phim “Đường đến thành Thăng Long” sắp được trình chiếu trên VTV tôi cảm nhận có nét gì đó giống với câu chuyện ở trên.
Câu chuyện kể về một người vợ dạy cho đứa con của mình về hình ảnh của bố khi bố đi xa. Hình ảnh người mẹ sử dụng là cái bóng của mình ở trên tường mỗi tối. Điều đó đã làm cho hình ảnh người cha trong tâm trí của đứa con là hình ảnh cái bóng chứ không phải là hình ảnh thật. Và khi người cha trở về thì đứa bé nhất định không chịu nhận cha và nói cha chỉ đến buổi tối.

Điều này làm người cha nghi ngờ người vợ và đã mắng trách người vợ dẫn đến người vợ phải tự tử để minh oan. Đến khi người cha nhận ra thì đã quá muộn.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Bài học ở đây là không nên dạy trẻ con sai với sự thực. Nếu người mẹ cứ nói với con là bố đi công tác xa thì chắc chắn khi người cha trở về cả nhà sẽ đoàn tụ hạnh phúc.

Vừa qua đọc thông tin về bộ phim “Đường đến thành Thăng Long” sắp được trình chiếu trên VTV tôi có cảm nhận có nét gì đó giống với câu chuyện ở trên.

Chúng ta đang mượn bối cảnh (lịch sử) của Trung Quốc, thuê đạo diễn người Trung Quốc để làm phim về lịch sử Việt Nam. Như vậy khi xem phim về lịch sử Việt Nam, chúng ta sẽ thấy hình ảnh quen thuộc trong các phim dã sử Trung Quốc mà chúng ta đã xem. Qua đó khán giả, đặc biệt là trẻ em và khán giả ở nước ngoài sẽ có một hình ảnh Việt Nam xa xưa giống hệt với hình ảnh của bên Trung Quốc. Trẻ em hay khán giả nước ngoài có thể hiểu Việt Nam ngày xưa là một phần của Trung Quốc.

Ngẫm một cách sâu xa, câu chuyện về bộ phim cũng không khác gì câu chuyện ở trên. Chúng ta đang cố bơm vào đầu khán giả hình ảnh không trung thực về lịch sử Việt Nam. Câu chuyện chỉ khác ở đây chắc chỉ là không có ai tự tử cả, thậm trí từ chức cũng không.

Thà chúng ta chưa có điều kiện để làm phim lịch sử thì chúng ta đừng làm vội. Thà để mọi người học về lịch sử Việt Nam qua sách vở còn hơn. Như thế sẽ tốt hơn gấp vạn lần việc đưa một hình ảnh về lịch sử, văn hóa của nước ngoài lên và bảo Việt Nam đấy.

Nghĩ một cách xa hơn thì việc này rất nguy hiểm. Chúng ta luôn kiên định bảo vệ chủ quyền của dân tộc cũng như luôn quan tâm giữ gìn hình ảnh của một dân tộc có chủ quyền hàng nghìn năm trong lịch sử. Nhưng bằng một bộ phim như vậy, khán giả thế giới sẽ hiểu thế nào về lịch sử Việt Nam. Rằng là Việt Nam ngày xưa giống hệt Trung Quốc (!!) chỉ khác tên nhân vật, lời thoại !

Việc có người lấy lí do chúng ta không có trường quay, và để chiếu được ở Trung Quốc thì phải quay ở Trung Quốc. Vậy xin hỏi người làm phim này đặt mục tiêu gì lên trên hết?
Mục tiêu giới thiệu về lịch sử, hình ảnh lịch sử, văn hóa Việt Nam tới khán giả trong nước và trên thế giới hay là mục tiêu chiếu được phim để thu tiền, thuê trường quay để đỡ tốn tiền làm trường quay. Cách mà đoàn làm phim đang thực hiện thể hiện đang coi thường lịch sử Việt Nam.
Trường quay Trung Quốc xây dựng là để làm các bộ phim về lịch sử Trung Quốc chứ không phải Việt Nam nên hình ảnh đó là hình ảnh của Trung Quốc, đã có trong rất rất nhiều phim về Trung Quốc. Cũng đừng ngây thơ nghĩ là mình thuê trường quay thì họ làm riêng cho mình trường quay với hình ảnh của Việt Nam.
Thử hỏi các bộ phim về lịch sử của nước khác như Anh, Pháp, Mỹ vẫn được chiếu ở Trung Quốc mà có cần phải quay tại Trung Quốc đâu. Ta cứ làm phim hay đi thì khắc sẽ thu được nhiều tiền. Còn việc muợn bối cảnh lịch sử Trung Quốc để nói về lịch sử Việt Nam thì cho dù phim của ta có dở thế nào Trung Quốc cũng sẽ chiếu, thậm trí tài trợ thêm tiền để chiếu trên càng nhiều nơi trên thế giới càng tốt vì đó chính là cách quảng bá Trung Quốc có ở Việt Nam từ thời xa xưa. Không hiểu đoàn làm phim có nghĩ thế không?

Minh Vu

LTS Dân trí - Bộ phim dã sử “Đường tới thành Thăng Long” dự kiến được chiếu rộng rãi vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội cho nên phải cân nhắc hết sức thận trọng về tính tư tưởng cũng như ý nghĩa hiện thực và giá trị nghệ thuật.

Tác giả bài viết trên đây đóng góp những ý kiến đáng xem xét và cân nhắc về bộ phim nói trên. Mong rằng những ý kiến đóng góp đó được các cơ quan có trách nhiệm quản lý cân nhắc thêm để có sự chỉ đạo thích hợp.