Hà Nội:

Trường THPT dân lập Lê Thánh Tông trốn trách nhiệm vụ áp dụng “luật rừng”

(Dân trí) - Sau 8 tháng gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng, những quyền lợi chính đáng của chị Đặng Kim Nhung vẫn chưa được giải quyết. Nạn nhân đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo Trường THPT dân lập Lê Thánh Tông nhưng chỉ nhận được sự im lặng vô trách nhiệm.

Như thông tin đã nêu trong bài viết “Giữa Thủ đô, Trường THPT dân lập Lê Thánh Tông áp dụng “luật rừng?” đăng trên báo Dân trí: Bà Đặng Kim Nhung trú tại tổ 16, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội đã gửi đơn khiếu nại việc Ban giám hiệu (BGH) trường THPT dân lập Lê Thánh Tông có địa chỉ trụ sở tại số 40 Trần Cung, xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, TP. Hà Nội đơn phương chấm dứt hợp đồng không đưa ra lý do chính đáng, vi phạm nghiêm trọng luật lao động. Không những vậy, trường THPT dân lập Lê Thánh Tông còn cố ý không trả lại hồ sơ, không trả sổ bảo hiểm gây ra rất nhiều khó khăn cho bà Nhung trong nỗ lực tìm kiếm công việc mới.
 
Những quyền lợi của bà Nhung vẫn chưa được giải quyết (Ảnh: Vũ Văn Tiến)
Những quyền lợi của bà Nhung vẫn chưa được giải quyết (Ảnh: Vũ Văn Tiến)

Kể từ khi nhận quyết định sa thải vô cớ, suốt 8 tháng qua, bà Đặng Kim Nhung đã gửi đơn khiếu nại và đơn cầu cứu đến nhiều cơ quan chức năng. Nhưng đến lúc này quyền lợi chính đáng của bà Nhung chưa được giải quyết, những sai phạm của BGH Trường THPT dân lập Lê Thánh Tông chưa được điều tra làm rõ. Theo lời bà Nhung, suốt thời gian qua bà đã nhiều lần liên hệ trực tiếp với nhà trường nhưng chỉ nhận được thái độ bất hợp tác vô trách nhiệm. Bà Đặng Kim Nhung khẳng định sẽ khiếu nại vụ việc đến cùng để bảo vệ quyền lợi, danh dự của chính mình. Bà Nhung cũng cho biết sẽ xem xét phương án khởi kiện vụ việc ra tòa án.

Trao đổi ngày 31/8/2012, ông Nguyễn Hữu Cường Phó Chánh thanh tra Sở GD&ĐT TP. Hà Nội cho biết: Thanh tra Sở đã nhận được đơn khiếu nại của bà Nhung, thanh tra đã có văn bản hướng dẫn bà Đặng Kim Nhung làm các thủ tục khiếu nại bảo vệ những quyền lợi chính đáng trong vụ bị Trường THPT dân lập Lê Thánh Tông từ tháng 3. Đối với các trường THPT dân lập, việc giải quyết khiếu nại do Hiệu trưởng phụ trách. Nếu cảm thấy nội dung giải quyết chưa thấu đáo, chị Nhung có quyền khởi kiện ra tòa để bảo vệ những quyền lợi của mình”. Theo lời ông Cường, nếu trường buộc cán bộ thôi việc mà không đưa ra lý do chính đáng là vi phạm nghiêm trọng quy định của nhà nước.

Bà Đặng Kim Nhung ký hợp đồng với Trường Lê Thánh Tông từ năm 1999, Trong suốt 13 năm làm việc, bà Nhung luôn thức hiện tốt quy định kỷ luật lao động, không phải nhận bất cứ hình thức kỷ luật nào được thể hiện bằng văn bản từ BGH Trường THTP dân lập Lê Thánh Tông.

Tháng 10/2011, bà Nhung bị mất chiếc xe máy Honda SH (BKS 29V-5360) trong khuôn viên Trường THPT dân lập Lê Thánh Tông, địa điểm mất xe là khu vực có bảo vệ trông giữ. Khi xảy ra sự cố,bà Nhung báo cáo BGH nhà trường và Công an huyện Từ Liêm. Đại diện BGH Trường THPT dân lập Lê Thánh Tông khẳng định sẽ hỗ trợ giải quyết thiệt hại kinh tế dựa trên kết luận của cơ quan Công an.
 
Lãnh đạo trường Lê Thánh Tông cố ý chối bỏ trách nhiệm? (Ảnh: Ngọc Cương)
Lãnh đạo trường Lê Thánh Tông cố ý chối bỏ trách nhiệm? (Ảnh: Ngọc Cương)

Sau khi mất xe, trong buổi họp ngày 20/10/2011, bà Nhung nêu ra những khó khăn về phương tiện đi lại với ông Lê Hàn Vĩnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT dân lập Lê Thánh Tông. Ông Vĩnh chấp nhận để bà Đặng Kim Nhung được phép làm việc tạm ở nhà, cho hưởng lương theo đúng chế độ.

Ngày 16/1/2012, BGH trường THPT dân lập Lê Thánh Tông và toàn thể cán bộ, giáo viên của trường họp và thông báo sẽ hỗ trợ 50.000.000đ cho bà Nhung. Sau khi yêu cầu nhân viên ký vào “biên bản đồng ý hỗ trợ”, nhà trường thông báo quyết định buộc thôi việc đối với bà Nhung với lý do vi phạm Luật Lao động (ký ngày 1/1/2012). Trong quyết định buộc thôi việc, BGH Trường THPT dân lập Lê Thánh Tông không đưa ra được lý do cụ thể dẫn đến quyết định sa thải.

Bà Đặng Kim Nhung ký hợp đồng với trường Lê Thánh Tông từ năm 1999, trong 13 năm làm việc tại trường, hàng tháng bà Nhung phải tự đóng 100% tiền bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, khi bà hỏi thủ tục lấy lại hồ sơ thì BGH trường THPT dân lập Lê Thánh Tông trả lời không có. Bà Nhung là người bị đơn phương chấm dứt hợp đồng, nhưng bà lại không nhận được khoản hỗ trợ nào từ BGH trường THPT dân lập Lê Thánh Tông.
 
Trao đổi với PV Dân trí, luật sư Ngô Tất Hữu, Trưởng văn phòng Luật sư Thủ đô (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho hay: Theo điều 85 Bộ luật lao động: “Hình thức sa thải người lao động được áp dụng khi người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, tiêt lộ bí mật công nghệ, kinh doanh, hoặc có hành vi khác gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của công ty; Người lao động đã bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương, chuyển công việc khác mà tái phạm trong thời gian chưa xóa án kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm; Người lao động tự ý bỏ việc 5 ngày cộng dồn trong một tháng, hoặc 20 ngày cộng dồn trong 1 năm mà không có lý do chính đáng…”. 
 
Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, bà Đặng Kim Nhung có thể gửi đơn khởi kiện Quyết định buộc thôi việc có nhiều dấu hiệu trái pháp luật trên của Trường THPT dân lập Lê Thánh Tông đến tòa án để được pháp luật bảo vệ.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương