Trung tâm Phật Tích: Đất phật dành cho lòng thiện tâm

(Dân trí) - Cách Hà Nội 25km, tại xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh có Trung tâm Dưỡng lão và Hướng nghiệp phát triển tài năng trẻ Phật Tích (gọi tắt là Trung tâm Phật Tích) với tổng diện tích 12ha. Trung tâm được Công ty Cổ phần Vincom xây dựng quy mô, khang trang.

Trung tâm Phật Tích: Đất phật dành cho lòng thiện tâm - 1
Một góc Trung tâm Phật Tích
 
Trung tâm có 20 tòa nhà, trong đó có 7 nhà ở dành cho các cụ, mỗi nhà có 5 phòng ở (2 cụ một phòng). Trung tâm có 6 nhà dành cho trẻ em với diện tích bình quân là 8,5m2/người, có phòng ngủ, phòng tiếp khách. Các phòng ở trang bị quạt trần, tủ đựng quần áo và các đồ sinh hoạt cá nhân. Phòng ở của người già, trẻ mồ côi được xây dựng hệ thống vệ sinh khép kín, mỗi phòng có bình tắm nóng lạnh và máy giặt. Nhà sinh hoạt chung cho các cụ và trẻ em gồm thư viện, phòng hội họp, phòng ăn… đáp ứng nhu cầu chăm sóc về tinh thần để giải trí, giao tiếp và cập nhật thông tin, được trang bị tivi, tủ lạnh, thiết bị âm thanh, điều hòa nhiệt độ…
 
Khuôn viên của Trung tâm có vườn cây ăn quả, vườn rau, vườn hoa, ao cá với các con đường đi dạo rất thuận tiện cho tuổi già, Có cả đồi vọng cảnh nằm trên hồ nước lớn mang lại không gian thoáng mát, tươi đẹp phục vụ nhu cầu thư giãn cho cuộc sống của các thành viên nơi đây.
 
Trung tâm Phật Tích có đội ngũ cán bộ, nhân viên, điều dưỡng viên, bác sỹ, các nhân viên y tế, các cô bảo mẫu phục vụ các cụ và các em tận tình chu đáo.

Trung tâm Phật Tích bắt đầu tiếp nhận các cụ già cô đơn và trẻ em mồ côi không nơi nương tựa ở mọi địa phương trên cả nước từ tháng 7/2010. Hiện nay Trung tâm đang có 14 cụ, tuổi từ 61 – 84 và 42 trẻ mồ côi (từ 6 – 16 tuổi) sinh sống.

Vốn xây dựng Trung tâm trên 50 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Vincom tài trợ. Khởi công ngày 10/10/2009, đến nay cơ sở vật chất Trung tâm đã cơ bản hoàn thành và đủ điều kiện chính thức đi vào hoạt động.

Khác với các trung tâm bảo trợ xã hội từ thiện khác trên cả nước, Trung tâm Phật Tích được Quỹ Thiện Tâm - Công ty Cổ phần Vincom, một công ty bất động sản lớn có truyền thống làm từ thiện trên cả nước, bảo trợ cả về nhân lực và vật lực nên đây sẽ là một trung tâm từ thiện với nhiều điểm ưu việt hoàn toàn mới.

Các cụ già cô đơn, trẻ em mồ côi ở đây cho biết: Trung tâm là nơi đất phật từ bi che chở, nuôi dưỡng những người có hoàn cảnh không may mắn.
 
Trên đường thăm Trung tâm, chúng tôi gặp cụ Đoàn Thị Lộc, 87 tuổi đến từ An Lão, Hải Phòng cho biết: Ở quê, tôi sống một mình. Lủi thủi, cô đơn tôi mong cho hết ngày dài rồi lại qua đêm. Khổ nhất là lúc ốm đau, không người chăm sóc, tủi thân vô cùng. Còn ở đây, người già chúng tôi sống như một gia đình, chuyện trò vui vẻ, có các cháu qua chơi thăm nom. Quan trọng nhất là điều kiện ăn ở tốt, tôi tin là mình sẽ sống thọ.
 
Bà Đinh Thị Ca, 68 tuổi, nguyên là thanh niên xung phong quê Thuận Thành, Bắc Ninh đến với Trung tâm tháng 9/2010. Nét đẹp thời con gái dường như vẫn y nguyên nơi khuôn mặt trái xoan, nụ cười duyên và đôi mắt nhanh nhẹn của bà. Bà cho biết: Hai phần ba cuộc đời cống hiến cho những cung đường ra mặt trận thời chống Mỹ cứu nước và phát triển kinh tế của đất nước sau này. Về già sống độc thân, khổ và buồn đau nên nương nhờ vào Phật Tích.
 
Trung tâm Phật Tích: Đất phật dành cho lòng thiện tâm - 2
Phó Giáo sư, Tiến sỹ, nhà giáo Ưu tú Mai Tất Tố
 
Tấm lòng của Phó Giáo sư, Tiến sỹ, nhà giáo Ưu tú Mai Tất Tố (nguyên Bí thư Đảng bộ Trường Đại học Dược Hà Nội) nay là Giám đốc Trung tâm, ai cũng ghi nhận. Đến với Trung tâm là những con người có hoàn cảnh không may mắn, nhưng đã về đây họ là một gia đình, cuộc sống được tôn trọng và an hưởng tuổi già.

Chúng tôi gặp ở Trung tâm nhiều trẻ em dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng… con em đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Cạn, Hà Giang, Hà Tĩnh… được Sở Lao động Thương binh Xã hội giới thiệu về đây sinh sống.

Em Sùng A De, dân tộc Mông, 13 tuổi đến từ xã Cổ Ninh, huyện Pắc Nậm, Bắc Cạn, cho biết: Bố mẹ con mất lâu rồi từ ngày cháu còn học lớp 1, trường bản. Lang thang ở hết nhà cô này, chú khác trước khi được về Phật Tích. Nay gần hết một năm học, cháu đã quen trường, quen bạn. Là đứa trẻ lớn nhất nhóm, hàng ngày De được các mẹ giao cho trọng trách dẫn các em nhỏ tuổi hơn đến trường, cùng đi học.

Tôi hỏi một cậu bé dân tộc Mông, có khuôn mặt khôi ngô tên Giàng Mý Pó, 8 tuổi đến từ Hà Giang: Ở đây vui không? Vui chứ - em trả lời, vui hơn ở bản Mông của em mà! Có mẹ yêu thương nhiều à, lại có nhiều anh chị em nữa, cùng học, cùng vui chơi. Cuối tuần, các thầy cô lại cho sang chùa Phật Tích lễ phật (nơi Trung ương Hội Phật giáo Việt Nam giúp đỡ từ thủa ban đầu và đặc biệt là Đại đức Thích Đức Thiện đỡ đầu Trung tâm).

Mý Pó còn nói: Chúng cháu được các thầy cô, cha mẹ tổ chức đi tham quan nhiều điểm văn hóa, du lịch tại Hà Nội. Sống ở đây thích hơn ở bản!
 
Thầy giáo Nguyễn Văn Thăng, tốt nghiệp khoa Công tác xã hội, Trường Đại học Công đoàn Hà Nội trở thành cán bộ Công ty Cổ phần Vincom, đã nhớ tên, hoàn cảnh từng cháu trong Trung tâm. Thầy cho biết: Các cháu đang tuổi ăn, tuổi nghịch nên dạy dỗ, rèn luyện hơi khó. Nhưng vui lắm anh ạ! Làm ở đây khiến thanh niên bọn em chín chắn lên, trưởng thành trong cuộc sống.
 
Hầu hết các cụ ở đây được Trung tâm chăm sóc trong điều kiện tốt, miễn phí. Dù các cụ đang giai đoạn tuổi già kỹ tính, nhưng khi chúng tôi đến thăm Trung tâm không nghe được bất kỳ lời kêu ca, phàn nàn nào. Các cụ có thể tham gia các hoạt động thể thao, lao động thích hợp với lứa tuổi và theo nguyện vọng như trồng cây cảnh, chăm sóc hoa, trồng rau, tăng gia hoa màu… Hàng tuần, các cụ tham gia hoạt động ngoại khóa như sinh hoạt khoa học theo định kỳ và được chăm sóc sức khỏe thường xuyên …

Với phươnng châm: Sống đoàn kết, đúng với tiêu chí người cao tuổi: "sống vui - sống khỏe - sống có ích", các cụ được tự do lựa chọn hướng hoạt động như: rèn luyện sức khỏe, làm công việc nhổ cỏ, bắt sâu, chăm sóc cây cảnh, vườn hoa trong khuôn viên. Số tiền từ trồng rau xanh, chăn nuôi gà, Trung tâm thu mua sẽ được chuyển lại để các cụ có thể chi tiêu riêng hay lập sổ tiết kiệm. Trong trường hợp các cụ bị bệnh tật, ốm đau,Trung tâm chịu trách nhiệm chăm sóc.

Trung tâm Phật Tích: Đất phật dành cho lòng thiện tâm - 3
Các em nhỏ đang học bài tại Trung tâm.
 
Các cháu nhỏ vào đây sẽ được nhân viên của trung tâm nhận nuôi dưỡng, chăm lo đào tạo và được các cụ dạy bảo. Các cháu sẽ được nuôi ăn học miễn phí đến khi tốt nghiệp đại học hoặc học thành nghề. Được kết hợp giữa học với vui chơi, thể thao và lao động phù hợp với lứa tuổi. Số tiền thu được từ thành quả lao động của trẻ qua làm vườn sẽ được bố mẹ cho vào sổ tiết kiệm, sẽ đưa lại cho các cháu sau khi trưởng thành, dành làm vốn lập nghiệp.

Phó Giáo sư - Tiến sỹ Mai Tất Tố, Chủ tịch kiêm Giám đốc Trung tâm Phật Tích chia sẻ: "Trung tâm Phật Tích được xây dựng trên tinh thần tương thân tương ái nhằm giúp đỡ những người già cô đơn và trẻ mồ côi, đặc biệt là các đối tượng chính sách trong cả nước. Đây cũng là công trình ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long của Công ty Cổ phần Vincom bởi công trình này được xây dựng tại vùng quê Kinh Bắc, nơi sinh của Đức Lý Thái Tổ. Chúng tôi tin rằng, nơi đây sẽ là gia đình lớn đầy tình thương, nơi các cụ được chăm lo tận tình, các cháu sẽ được dạy dỗ, học hành trở thành công dân tốt của đất nước ".

Hiện nay Trung tâm đang đặt vấn đề với Sở Lao động Thương binh & Xã hội các tỉnh, thành trong cả nước tiếp tục tuyển tiếp nhận người già cô đơn, trẻ mồ côi. Hướng tới kỷ niệm Ngày thương binh - liệt sỹ 27/7/2011, Trung tâm Phật Tích sẽ ưu tiên tiếp nhận các cụ và các cháu thuộc gia đình chính sách, con em, cha mẹ của thương binh -  liệt sỹ, người có công với cách mạng trong cả nước. 

Để đăng ký xin vào Trung tâm Phật Tích, mọi liên hệ xin gửi về Trung tâm dưỡng lão và hướng nghiệp phát triển tài năng trẻ, xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Điện thoại: 0241 3725 626 hoặc Văn phòng Trung tâm Phật Tích tại Hà Nội, tầng 8, tòa nhà Vincom City Towers, 191 Bà Triệu, Hà Nội.

Ngọc Ánh