Trung Quốc đang leo thang tranh chấp trên biển

Luật gia Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ - cho rằng, Việt Nam đã kiềm chế trong xử lý tranh chấp với Trung Quốc, tuy nhiên chúng ta phải tính đến mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền.

Ông có bình luận gì về tuyên bố mới nhất của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc chiều 31.5, trong đó vẫn giữ thái độ ngang ngược ngụy biện cho hành động của họ?

 

Đây là một trong những cách thức của Trung Quốc đã được tính toán trong chiến lược làm chủ hoàn toàn biển Đông trong khu vực đường lưỡi bò họ vạch ra. Họ dùng mọi thủ đoạn, từ việc bắt bớ tàu thuyền, cấm đánh cá, tiến hành thăm dò giám sát, quấy phá các hoạt động hợp pháp của các nước có liên quan trong khu vực như Philippines, Malaysia và giờ là Việt Nam. Việc phá hoại hoạt động nghiên cứu của Việt Nam là bước leo thang của Trung Quốc. Trung Quốc đưa ra biên giới lưỡi bò chiếm 80% số diện tích biển Đông, lấn sâu vào vùng biển của Việt Nam, Indonesia, Philippines, Malaysia.

 

Ngoài việc tiến hành hoạt động quân sự chiếm đóng các đảo làm bàn đạp mở rộng ảnh hưởng, Trung Quốc còn tiến hành các hoạt động khác về hành chính, luật pháp, dư luận. Dù đưa ra một điều không có cơ sở, nhưng Trung Quốc vẫn lặp đi lặp lại để giành sự công nhận của quốc tế, để dư luận tưởng Trung Quốc có phạm vi biển có tranh chấp, để Trung Quốc có quyền làm những việc tiếp theo. Ta phải thấy điều đó, chắc chắn Trung Quốc sẽ còn tiếp tục nói đi nói lại, tiến từng bước một để thực hiện ý đồ chiến lược của họ.

 

Vậy đâu sẽ là diễn đàn tiếp theo cho Việt Nam để giải quyết vấn đề, thưa ông?

Vừa qua, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên án mạnh mẽ hành động phi pháp đó của Trung Quốc, dư luận cũng đồng tình lên án, phân tích khía cạnh pháp lý và các khía cạnh khác để thấy Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, vi phạm và bất chấp cam kết của họ như “Tuyên bố ứng xử biển Đông”, vi phạm các cam kết đã đạt được giữa lãnh đạo hai bên. Về khía cạnh pháp lý, ngoại giao, Việt Nam đã làm đầy đủ và đúng đắn.

Trung Quốc đang leo thang tranh chấp trên biển  - 1

Trung Quốc đang lộ rõ dã tâm biến biển Đông thành ao nhà (tàu hải giám Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam). Ảnh: TTXVN

Với tư cách nước có chủ quyền tuyệt đối với vùng này, Việt Nam đã xử lý mềm mỏng, kiềm chế, không gây ra bất kỳ đụng độ gì. Thông thường các nước có thể có quyền làm điều đó một cách hợp pháp, phù hợp các thủ tục quốc tế và thông lệ quốc tế. Việt Nam chưa làm điều đó vì tính toán đến lợi ích chung trong quan hệ hai nước, khu vực và thế giới. Đó là thiện chí của Việt Nam.

Nhưng nếu Trung Quốc cứ tiếp tục lấn tới, thì với tất cả những gì luật pháp cho phép, theo luật quốc tế, luật Việt Nam và nghĩa vụ cao cả của người Việt Nam, ta cần phải có biện pháp, thậm chí dùng đến các sức mạnh cần thiết để tự vệ và bảo vệ, đó là điều không thể không tính đến.

Việt Nam cũng có quyền tiếp tục đưa các bằng chứng kiện lên các cơ quan tài phán quốc tế như: Cơ quan về Luật Biển LHQ, Toà án Trọng tài quốc tế để xử lý về dân sự và hình sự về chuyện họ vi phạm thiết bị, ngăn cản hoạt động bình thường của Việt Nam, gây thiệt hại về kinh tế. Cao hơn nữa là kiện về việc tàu thuyền Trung Quốc xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế hoàn toàn của Việt Nam. Hoàn toàn chúng ta có cơ sở, bằng chứng, việc làm của ta hoàn toàn phù hợp các luật pháp quốc tế, trong đó có công ước Luật Biển 1982 mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.

Trường hợp Philippines, vì sao nước này có thể phản ứng rất mạnh cả về ngoại giao và quân sự trước những vi phạm của Trung Quốc, thưa ông?

Mỗi nước áp dụng cách thức thích hợp vào từng sự việc cụ thể, khó mà so sánh, bởi mỗi sự việc xảy ra với mức độ và phạm vi khác nhau, các quan hệ, các mặt khác cũng khác nhau. Việc Philippines đưa máy bay chặn các hoạt động phá hoại của Trung Quốc là việc hoàn toàn bình thường, không trái với luật pháp quốc tế. Malaysia cũng đã làm vậy. Tất nhiên Hiến chương LHQ nói không được sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp, nhưng trong quyền bảo vệ, các nước có thể sử dụng sức mạnh, sử dụng thế nào xuất phát từ tính chất vụ việc xảy ra.

Việt Nam có quyền làm điều đó, nhưng đã kiềm chế. Nếu sự việc còn tiếp diễn trầm trọng hơn, thì rõ ràng trong khả năng cần thiết, về mặt pháp lý và sức mạnh thì ta có thể sử dụng.

Hành động của Trung Quốc có cản trở việc thảo luận Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) hay không và tới đây ASEAN nên thảo luận tiếp theo hướng nào?

Về mặt đối ngoại, Trung Quốc nói sẵn sàng thảo luận để đạt được COC. Nhưng thực tế họ hoàn toàn làm ngược lại. Hy vọng các nước vẫn kiên trì để đàm phán song phương, đa phương để tìm giải pháp thích hợp nhất, giữ ổn định, giải quyết tranh chấp mâu thuẫn, không làm tình hình phức tạp hơn. Để làm được không phải một mình Việt Nam, mà cả các nước đối tác.

Thái độ của Trung Quốc được chứng minh bằng thực tế họ đã làm. Điều đó khiến các nhà hoạch định chính sách, nhà đàm phán phải nhận ra, không thể bỏ qua và phải có phương án cụ thể để giải quyết. Việt Nam và Trung Quốc đã giải quyết được biên giới trên bộ, được đánh giá rất cao về thành quả đó. Với vấn đề phức tạp biên giới trên biển, nếu với quyết tâm và thiện chí, nếu phía Trung Quốc cũng vậy, nếu họ đồng nhất lời nói và việc làm thì cũng có thể giải quyết.

Xin cảm ơn ông!

 

Theo Mỹ Hằng
Báo Lao Động