Trốn chu cấp tiền nuôi con sau ly hôn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự!

(Dân trí) - Nếu người chồng đủ khả năng tài chính nhưng trốn tránh thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng khiến người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 186 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017 "Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng".

Vợ chồng tôi ly hôn đã được 03 năm, theo sự thống nhất giữa 2 bên đã được tòa giải quyết, tôi nhận nuôi 2 con và chồng cũ của tôi phải chu cấp tiền nuôi các con hàng tháng là 4 triệu. Thời gian đầu thì chồng cũ của tôi gửi tiền đều đặn hàng tháng nhưng gần 1 năm nay không gửi tiền nuôi các con nữa. Tôi đã nhắc nhở nhiều lần và thậm chí ra yêu cầu nếu không chu cấp tiền nuôi con thì tôi sẽ không cho đón các con về ở với bố ngày cuối tuần nữa, nhưng sự việc vẫn không thay đổi.

Xin luật sư tư vấn giúp tôi, tôi phải làm thế nào để yêu cầu bố các cháu thực hiện đúng cam kết chuyển tiền nuôi con hàng tháng vì quả thực với đồng lương của một mình tôi thì không thể đủ để nuôi các con ăn học được.

Bạn đọc NTQ (Hà Nội)

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Nội Tinh Hoa cho rằng: Theo khoản 24 điều 3 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 quy định “Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này”

Cấp dưỡng là nghĩa vụ về vật chất có tính đạo lý truyền thống, với người con nó gắn với quan hệ huyết thông và không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ.


Luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Nội Tinh Hoa.

Luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Nội Tinh Hoa.

Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau: “2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.”

Thêm nữa, điều 110 Luật này quy định: “Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con”.

Quyết định công nhận thuận tình ly hôn của hai vợ chồng đã ghi nhận chồng bạn có nghĩa vụ cấp dưỡng, trường hợp người chồng vi phạm nghĩa vụ cấp dưỡng bạn có quyền đề nghị cơ quan thi hành án dân sự nơi ra quyết định thuận tình ly hôn buộc chồng bạn thực hiện đúng hình thức và mức cấp dưỡng.

Ngoài ra bạn có thể căn cứ Quyết định của Tòa án đề nghị nơi chồng bạn công tác, làm việc đề đề nghị tổ chức này phối hợp tác động tâm lý đến người chồng thúc đẩy người này tự giác thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.

Bạn có thể nhờ các tổ chức như ủy ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em hoặc Hội Liên hiệp phụ nữ có ý kiến, văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự buộc chồng bạn phải thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

Nếu người chồng đủ khả năng tài chính nhưng trốn tránh thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng khiến người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 186 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017 Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng

“Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 380 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”

Trong quan hệ cấp dưỡng, bạn cũng cần tìm hiểu khả năng kinh tế của chồng bạn có thể thực hiện được nghĩa vụ cấp dưỡng khi được cơ quan thi hành án yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng hay không. Nếu chồng bạn hoàn toàn không có khả năng kinh tế thì anh ta cũng không thể thực hiện được nghĩa vụ cấp dưỡng. Giải pháp là bạn cùng chồng cũ thương lượng với nhau theo hướng mỗi người nuôi một cháu hoặc đưa ra mức cấp dưỡng, hình thức cấp dưỡng phù hợp khả năng tài chính của chồng cũ.

Xin cảm ơn luật sư!

Ngọc Hân