Bạn đọc viết:

Trẻ thơ với gánh nặng “tỉ lệ chọi” vào lớp 1

(Dân trí) - Giờ đây, cuộc chạy đua vào lớp 1 dường như còn căng thẳng hơn cả tuyển sinh đại học, bởi để vào được lớp 1 ở các trường điểm, trường gần nhà, trường trái tuyến… có khi đó là “cuộc chiến” cho cả trẻ em và phụ huynh.

Trẻ thơ với gánh nặng “tỉ lệ chọi” vào lớp 1 - 1

Trước đây, cụm từ “tỉ lệ chọi” thường xuất hiện khi các sĩ tử bước vào kì thi đại học. Giờ đây “tỉ lệ chọi” còn trở nên “nóng” hơn, áp lực hơn với các em chuẩn bị bước vào lớp 1 và cả cha mẹ của các em trong cuộc đua “chạy trường, tìm lớp”.

Gánh nặng trên vai trẻ thơ

Nếu như thi vào đại học thí sinh chỉ phải thi tất cả 3 môn cơ bản theo khối thi, và mỗi thí sinh có thể lựa chọn thi một trường hoặc hai trường (nếu như thí sinh nào theo học 2 khối). Thì chúng ta hãy nhìn lại xem các trẻ thi “vượt rào” vào lớp một phải trải qua cuộc thi sát hạch “gay go” như thế nào.

Tại trường Nguyễn Siêu ngoài việc phải vượt qua các bài kiểm tra liên quan đến nhận biết về ngôn ngữ (tiếng Việt), tư duy toán học, tiếng Anh, kiểm tra năng lực quan sát, ghi nhớ, diễn đạt, trẻ phải qua phần kiểm tra sức khỏe (cân nặng), không bị dị tật, không nói ngọng, nói lắp. Thời gian ở lại tại trường trong một ngày, khi trẻ ăn, ngủ, chơi, giao tiếp với bạn bè, cũng là lúc hội đồng tuyển sinh tiếp tục quan sát để “chấm điểm”.

Với những nội dung kiểm tra ở trên, dễ nhận thấy rằng nó giống như một sự tổng hợp bao gồm thi vào các trường đại học nói chung (tiếng Việt, toán học, tiếng Anh), hoặc các trường mang tính đặc thù nói riêng như: trường An ninh (kiểm tra sức khỏe) + kiến thức văn hóa; Thi vào ngành hàng không (năng lực quan sát, ghi nhớ, sức khỏe, không bị dị tật, nói lắp, nói ngọng… ) + kiến thức văn hóa… Hơn là một cuộc kiểm tra để “tuyển” các bé vào lớp một.

Với thí sinh thi đại học việc ôn 3 môn theo khối thi đã là một khó khăn, một áp lực lớn mà không ít thí sinh phải lao đao, phải cật lực mới có thể vượt qua. Cũng chính vì áp lực đó mà người người đi lò luyện thi, nhà nhà cho con đi học thêm, học kèm. Và với cái kiểu “kiểm tra” vượt rào vào lớp một như các trường tiểu học hiện nay, thì có khi lại không ít nơi mọc lên các lò luyện thi vào lớp một tăng cường, lò luyện thi vào lớp một cấp tốc…

Không biết với một đứa trẻ phải “gánh” trên vai những đợt kiểm tra như trên thì các em phải chịu áp lực đến mức nào, phải “cày” như thế nào mới có thể vượt qua được đợt “tuyển sinh” này. Và liệu các bậc phụ huynh có thông cảm với con hay không khi mà chúng sẽ “thi trượt” một vài lần, hay sẽ “động viên” con tiếp tục công cuộc “dùi mài” trong “trận chiến” tiếp theo để được vào lớp một đúng ý.

“Cán cân” tâm lí không cân bằng với lứa tuổi

Chuẩn bị bước vào lớp một, đó là thời gian mà trẻ còn đang rất hồn nhiên, ham chạy nhảy, và thiên về phát triển tự nhiên. Đáng ra các em chưa phải “bận tâm” nhiều về việc học hành căng thẳng, việc chạy đua trường lớp, cạnh tranh bạn bè… để được vào các trường “top trên”. Việc “mong” cho bé vào trường “xịn” ở Hà Nội là ý của phụ huynh. Và dường như chính các bậc phụ huynh đang thay đổi, nếu không muốn nói quá rằng phá vỡ đi sự phát triển tự nhiên đó của con em mình.

Chạy đua chỉ mang lại căng thẳng, áp lực rất lớn và không cân bằng với tâm lí và tư duy của trẻ. Khoa học đã chứng minh bé sẽ làm quen tốt hơn với việc thực hiện phép tính khi bước vào lớp một. Nhưng nếu xác định cho con thi vào trường điểm thì bé buộc phải biết làm tính khi chưa đến tuổi vào lớp một, hoặc phải học tiếng Anh khi chưa biết tiếng Việt…  để có thể vượt qua kì thi vào trường mà phụ huynh mong muốn.

Sự phát triển tâm lí không tự nhiên như muốn con phải trở thành “thiên tài” dù cho tố chất của nó chỉ cáng đáng được ở mức bình thường, “bắt” trẻ phải chịu áp lực khi còn quá nhỏ, và yêu cầu một đứa trẻ thi còn hơn cả thi đại học là điều quá sức và không khoa học với chúng.

Bắt trẻ phải chịu một áp lực mà đáng lẽ phải tới khi bước vào kì thi đại học chúng mới phải chuẩn bị tâm lí là một điều hết sức vô lí.  Trẻ cần được học tập, được vui chơi một cách tự nhiên đúng với lứa tuổi chứ không phải bị đè nặng trong áp lực thi cử do chính bố mẹ và một số trường vô tình đặt ra.

Giờ đây, cuộc chạy đua vào lớp một dường như còn căng thẳng hơn cả tuyển sinh đại học, bởi để vào được lớp một ở các trường điểm, trường gần nhà, trường trái tuyến… có khi đó là “cuộc chiến” cho cả trẻ và phụ huynh.
 
Huyền Minh
(Học viện Báo chí và Tuyên truyền)