Trăn trở về vấn đề “dạy người” trong nhà trường phổ thông

Tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ HS phổ thông đang ở mức báo động. Các hiện tượng bỏ giờ, gây gổ đánh nhau, nói tục, ăn mặc lố lăng, vô lễ với giáo viên, hút thuốc lá, nói chuyện trong giờ học, phá phách, trộm cắp…trở nên rất phổ biến.

Ma tuý và các băng nhóm tội phạm có tổ chức đã xuất hiện ở một số trường học. Có những học sinh (HS) lên cơn nghiện ngay trong giờ học, vật vã đến sùi bọt mép. Có những nhóm HS bậc THCS cắt máu ăn thề… giữ bí mật việc vi phạm kỉ cương nề nếp. Hiện tượng HS yêu sớm, thậm chí từ bậc tiểu học và có những mối quan hệ tình cảm không lành mạnh dẫn đến hiện tượng mang thai, có con ngoài ý muốn không còn là chuyện hiếm. Ngay cả những chuyện “kinh thiên động địa” như trò đánh thầy, giết thầy… cũng đã được báo chí đưa tin.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Những chuyện như thế ngày càng trở nên phổ biến và trở thành…quen. Những người trong cuộc rồi cũng phải tập thích nghi, còn giả sử một giáo viên về hưu khoảng chục năm nay trở lại trường hẳn sẽ không khỏi bị sốc vì kinh hoàng. Một giáo viên Toán về hưu đi dạy trường dân lập, nghiêm khắc với những HS lười học, bị một cậu HS là “quí tử” đáp trả thẳng thừng: “Ông đừng có áp chế này nọ, tôi chỉ cần nói với cha một tiếng là ông nghỉ dạy ngay”. Thầy giáo đó đã bị sốc, và xin nghỉ không đi dạy nữa.

Tình hình càng nghiêm trọng hơn khi những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, của văn hóa ngoại lai, của các tệ nạn xã hội ngày càng mạnh mẽ, phổ biến hơn và quan điểm không đúng đắn, sự buông lỏng của gia đình HS. Và ngay cả “thành lũy cuối cùng” để giáo dục đạo đức, lối sống cho HS là nhà trường cũng đang có dấu hiệu lung lay.

Xu hướng chạy theo lợi nhuận đang tạo ra một vòng xoáy khổng lồ, và các hoạt động giáo dục, văn hóa cũng thể thoát khỏi “lực hấp dẫn” ghê gớm của nó. Hậu quả của xu hướng này là sự đánh mất bản sắc văn hóa, các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp mà thế hệ trẻ là đối tượng trực tiếp gánh chịu hậu quả. Xin có một so sánh như thế này: việc giáo dục, văn hóa chạy theo lợi nhuận cũng giống như việc tàn phá thiên nhiên để kiếm lời trước mắt, dẫn tới hậu quả vô cùng khủng khiếp về môi trường mà chúng ta đang và sẽ phải gánh chịu.

Thật ra tình trạng trên đây đã được xã hội quan tâm và đã có nhiều bài phân tích sâu sắc về các nguyên nhân từ các phía: gia đình-nhà trường-xã hội, sự phát triển không đồng đều về thể chất và tâm lí, trí tuệ của HS: thế hệ trẻ ngày nay trưởng thành sớm về thể chất nhưng lại chậm trễ về độ “chín” của nhân cách, ý thức. Cuộc sống rất sôi động, thay đổi rất nhanh và giáo dục đã không theo kịp. Dường như những quan niệm, mô hình giáo dục đạo đức, lối sống đã có nhiều lạc hậu so với cuộc sống hiện đại, với quan niệm sống của giới trẻ. “Không thể hiểu nổi” là câu nói cửa miệng của không ít người lớn khi nói về thế hệ trẻ ngày nay.

Mô hình giáo dục đạo đức truyền thống trong nhà trường chú trọng xây dựng con người công dân, con người của nghĩa vụ, của khuôn phép trong khi thế hệ trẻ đang chịu ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ của quan niệm sống coi trọng cái Tôi, coi trọng cá tính, của lối sống tiêu thụ, chạy theo các giá trị vật chất, đồng tiền…

Cách ứng xử “nói một đằng làm một nẻo” của người lớn và thầy cô, độ “vênh” giữa những kiến thức trong sách vở và thực tiễn đời sống khiến thế hệ trẻ mất phương hướng, mất niềm tin và phải tự mày mò đi tìm chân lý rất vất vả và rất dễ lạc đường. Thực sự đang có một cuộc “khủng hoảng về giá trị” mà rồi chúng ta sẽ phải trả giá đắt trong tương lai gần.

Vì vậy, để giải quyết vấn đề “dạy người”, ngành giáo dục và các nhà trường cần xác định cái “gốc” là mục tiêu của giáo dục đạo đức cho HS, cốt yếu phải đạt được những phẩm chất gì và phải xây dựng các bước đi thích hợp như thế nào để đạt được những mục tiêu ấy; kiên quyết đấu tranh loại bỏ những gì phương hại hay đi ngược lại những mục tiêu ấy.

Nhà trường, gia đình và xã hội cần giáo dục cho HS những phẩm chất gì, chắc ai cũng đã rõ: lòng yêu nước, nhân ái, trung thực, ý thức cộng đồng, tình yêu lao động, nếp sống văn minh… Những điều ấy tưởng đơn giản nhưng không dễ thực hiện chút nào, nhất là trong cơ chế thị trường và xu hướng thương mại hóa giáo dục hiện nay. “Bệnh thành tích”, hiện tượng quan liêu đang rất phổ biến chứng tỏ chúng ta đang dần rời xa cái “gốc” cơ bản ấy.

Hãy xem các nhà trường đã làm bao điều tệ hại đối với HS: tìm mọi cách để “bòn rút”; bỏ mặc, không chăm lo cho các em những điều kiện sinh hoạt tối thiểu: không có nước uống, không có nhà vệ sinh, không có sự chăm sóc y tế; sử dụng những hình phạt phản giáo dục như phạt tiền, bạo hành, bắt lau chùi nhà vệ sinh; phô trương hình thức, lãng phí; dung túng, bao che cho những HS vi phạm kỉ luật… Hiện tượng chạy trường, chạy lớp, chạy điểm, chạy danh hiệu, chạy kỉ luật, chạy học bạ… đang “hồn nhiên” diễn ra, ai cũng biết nhưng rất khó xử lý. Rồi biết bao những đoàn thể, tổ chức từ thiện…đang ráo riết “bám” lấy nhà trường và HS để thực hiện các mục tiêu của họ. Tất cả những hiện tượng phản giáo dục ấy đang từng ngày từng giờ xói mòn nền tảng nhân đạo của nền giáo dục chúng ta, góp phần không nhỏ làm nhân cách HS bị méo mó, biến dạng.

Sự vô cảm, vô trách nhiệm của giáo viên cũng góp thêm một nguyên nhân khiến HS hư hỏng. Hiện nay, trong nhà trường có một điều “luật bất thành văn” giao phó hoàn toàn việc giáo dục đạo đức, lối sống của HS cho giáo viên chủ nhiệm. Các giáo viên bộ môn chỉ làm công tác chuyên môn, giảng dạy theo bài, trống đánh vào lớp, hết giờ là về, hầu như không quan tâm đến tình hình đạo đức, lối sống của HS.

Ngay cả giáo viên môn Giáo dục công dân cũng vậy, chỉ là giảng dạy theo chương trình, theo các bài giảng trong SGK, còn ngoài đời thì… không quan tâm. Nếu giáo viên được phân công lớp ngoan thì còn đỡ, nếu được giao phụ trách một lớp cá biệt thì đến là khốn khổ. Nhiều giáo viên đã phát bẳn, phát khóc lên vì học trò, và nhiều khi công lao chăm chút cả năm ròng nhưng cũng bị “đổ xuống sông xuống biển” chỉ vì một vài em nghịch ngợm bột phát.

Từ những “tấm gương tày liếp” của các đồng nghiệp do không kiềm chế được trong một phút nóng nảy dẫn đến những án kỉ luật nặng nề, nhiều giáo viên đã xác định cho mình một cách ứng xử “khôn ngoan”: thu mình trong “vỏ ốc”, tập trung vào chuyên môn, mặc kệ HS “khôn sống mống chết”, muốn làm gì thì làm, đặc biệt là không bao giờ đụng chạm với những HS cá biệt, không phản ứng trước những biểu hiện vô lễ, vi phạm kỉ cương nề nếp của HS.

Chúng tôi không đồng tình với cách ứng xử đó, song cũng rất thông cảm với đồng nghiệp, bởi vì nếu giáo viên nhiệt tình, xông xáo lỡ xảy ra chuyện gì thì ai đứng ra bảo vệ họ? Không ít người do nghiêm khắc, nhiệt tình đã bị HS thù hằn, chửi bới, thậm chí đánh đập, giết hại… và bị mang tiếng là “ác”, “vô tình”. Sự tổn thương về thể chất có thể hồi phục được, nhưng sự tổn thương về tinh thần thì biết làm sao bù đắp?

Trường chúng tôi có một giáo viên chỉ nhắc nhở HS xuống chào cờ mà bị trả thù, bị đánh cho tơi tả ngay trước cổng trường, sau đó còn bị công an gọi lên mấy lần để tường trình. Trò đánh thầy chỉ bị đuổi học một năm, năm sau học lại và đã ra trường, trong học bạ không có một dòng nào về hành vi đó, nhưng vết thương về tinh thần, nỗi nhục của người thầy thì không thể hàn gắn được. Vì vậy, đừng vội lên án các giáo viên mà hãy hiểu và thông cảm cho họ.

Nguy hại nhất là có không ít hiệu trưởng cũng tiêm nhiễm “tư tưởng” này, dung túng, bao che cho những HS cá biệt. Chúng tôi đã được biết có những HS biết mình sắp bị đuổi học nên đã chạy chọt, đút lót, nhờ những mối quan hệ nào đó tác động lên hiệu trưởng và đã thành công. Có một HS là “quí tử” làm đủ trò tai quái nhưng hiệu trưởng coi như không biết, đến mức cậu quí tử ấy gào lên: “Không biết phải làm gì để được đuổi học đây!?”.

Việc dung túng cho HS cá biệt đã trở thành một sự khuyến khích mạnh mẽ đối với những hành vi ngang ngược, bất chấp kỉ cương khác. Chúng ta ai cũng biết hiệu trưởng là “đầu tàu”, là “linh hồn” của nhà trường. Nhân đây, chúng tôi cũng muốn nói rằng việc giáo dục đạo đức cho HS sẽ thất bại hoàn toàn nếu các hiệu trưởng không công minh chính trực, thiếu công bằng và vụ lợi, thiếu lòng nhân ái.

Vai trò của tập thể lớp, của các tổ chức đoàn thể cũng trở nên mờ nhạt hơn so với trước. Ý thức trách nhiệm, sự gương mẫu của nhiều cán bộ lớp rất yếu. Đa số HS không có phản ứng rõ ràng với những biểu hiện sai trái của bạn, thậm chí còn bao che, đồng lõa. Hoạt động của tổ chức Đoàn, Đội nhiều nơi còn nặng về hình thức, dần dần bỏ rơi vai trò, trách nhiệm giáo dục đạo đức, lối sống cho đoàn viên, đội viên. Sự phân biệt về phẩm chất, tư cách đạo đức giữa đội viên, đoàn viên với những HS chưa là đội viên, đoàn viên không rõ nét, kỉ luật của tổ chức đoàn, đội ngày càng lỏng lẻo.

Chúng tôi cho rằng, những qui định về kỉ luật HS của bộ GD-ĐT có nhiều điểm đã không còn phù hợp. Ví dụ qui định HS nghỉ học trên 45 ngày mới không được lên lớp mà không phân biệt những HS nghỉ học có lí do đặc biệt với những HS cố tình bỏ học, vì vậy đã tạo ra một kẽ hở rất lớn. Theo chúng tôi, HS nghỉ học vì lí do đặc biệt có thể châm chước, còn HS đã cố tình bỏ học thì chỉ cần nghỉ 15 ngày là đuổi luôn. Hoặc hầu như HS nào bị xếp hạnh kiểm loại yếu thì năm sau đều được lên lớp (do đã được địa phương xác nhận “có tiến bộ” trong hè), và kết quả là “chứng nào tật ấy”, thậm chí còn ngỗ ngược hơn trước.

Các HS bị đuổi học một năm cũng vậy, cứ sau một năm là được nhận vào học, và trở thành một nỗi ngán ngại với bất cứ giáo viên nào được phân công vào lớp có những HS đó. Thủ tục để đuổi học một HS thì rất nhiều khâu rườm rà, nhưng khi nhận lại vào học thì quá đơn giản. Hiện nay có ý kiến cho rằng việc đuổi học một năm là không nên, vì hầu như HS sẽ hư hỏng hơn, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội, vậy nên thay đổi hình thức kỉ luật như thế nào? Chúng ta phản đối cách giáo dục sử dụng bạo lực, vậy thì phải đối phó ra sao với những học sinh quá ngỗ ngược, vô lễ? Việc rà soát lại các qui định không phù hợp, điều chỉnh và bổ sung những qui định mới là một việc làm cấp bách hiện nay.

Việc “dạy người” không thể tách rời với việc “dạy chữ”, phải thông qua dạy chữ để dạy người. Hầu hết những HS cá biệt, hay quậy phá là những HS học yếu, không thiết tha với học hành, không có mục đích, lí tưởng rõ ràng. Vì vậy, sự quan tâm, động viên của gia đình, sự kèm cặp, giúp đỡ của thầy cô, bạn bè là vô cùng cần thiết. Nếu gia đình thiếu quan tâm, thầy cô và bạn bè bỏ rơi thì những em này rất dễ sa ngã.

Từ đó, chúng tôi cho rằng, việc giáo dục đạo đức, lối sống cho HS là một việc làm vô cùng cấp thiết trong thời điểm hiện nay, và phải được đổi mới một cách mạnh mẽ, bắt đầu từ người lớn, từ trên xuống. Muốn trẻ em thay đổi hành vi, trước hết người lớn phải thay đổi. Sự phối hợp giữa nhà trường-gia đình-xã hội là một cái kiềng ba chân, không thể xem nhẹ ở một khâu nào.

Trần Quang Đại
Giáo viên trường THPT Trần Phú, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh

LTS Dân trí - Có bốn tiêu chí mà UNESCO xác định cho mục tiêu của sự học thời nay: Đó là “Học để biết; Học để làm; Học để chung sống; Học để làm người”. Nói cách khác, việc dạy chữ, dạy kiến thức, dạy kỹ năng thực hành trong nhà trường luôn gắn bó mật thiết với dạy cho HS biết chung sống và có đủ nhân cách để làm người. Công việc nặng nề đó đương nhiên không thể chỉ giao phó cho giáo viên chủ nhiệm lớp, mà mọi giáo viên đều có trách nhiệm chung lòng chung sức phối hợp chặt chẽ giữa việc” dạy chữ” và “dạy người” trong tất cả các giờ học.

Vai trò mô phạm và gương mẫu của giáo viên cũng như của cha mẹ HS là hết sức quan trọng đối với việc giáo dục đạo đức cho HS và cho con em mình. Nếu người lớn không gương mẫu, lời nói không đi đôi với việc làm thì những lời dạy dỗ suông trở nên phản giáo dục. Nhiều bi kịch xảy ra đối với thế hệ trẻ thời nay có nguyên nhân sâu xa từ sự thiếu gương mẫu của người lớn.

Tình trạng suy thoái đạo đức và lối sống của một bộ phận không nhỏ HS phổ thông thời nay quả là “một bức tranh có nhiều mảng tối” như tác giả bài viết trên đây phản ảnh.

Làm sao cho “bức tranh” trở nên có nhiều mảng sáng lấn át những mảng tối không chỉ là trách nhiệm của nhà trường, của thầy cô giáo, mà còn là bổn phận của những người làm cha, làm mẹ, là trách nhiệm của mọi gia đình, mọi đoàn thể và của toàn xã hội.

Tương lai của đất nước trông cậy vào thế hệ trẻ không những có đủ kiến thức, nắm vững kỹ năng nghề nghiệp, lại còn biết chung sống, biết thích ứng và sáng tạo trong thời đại có nhiều đổi thay nhanh chóng theo xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Đấy cũng là tiêu chí đào tạo những con người mới mà nền giáo dục của chúng ta phải hướng tới.