Trăm dâu đổ đầu… thầy trò!

Nhằm hội nhập nền văn minh thế giới, chúng ta đã và đang cải cách giáo tới 4-5 lần. Chẳng thế mà giáo dục nước nhà luôn trong tình trạng không ổn định, thầy và trò đều vất vả mà hầu như kết quả thu được chẳng bao.

Với góc nhìn hạn hẹp từ cơ sở và với tư cách của một giáo viên ở vùng nông thôn, tôi xin phép được phản ảnh tình hình dạy và học ngày càng trở nên nặng nề và kém hiệu quả của nền giáo dục nói chung và giáo dục tiểu học ở vùng nông thôn nói riêng.

1/ Chương trình dạy và học:

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Mới qua một vài năm thay sách giáo khoa, cho đến nay càng ngày chúng ta càng thấy nhiều khiếm khuyết (có lẽ lỗi này không phải do nhà biên soạn mà do quá trình hội nhập của chúng ta quá nhanh chăng?), chẳng thế mà tới nay chúng ta đang phải dạy “tích hợp” tới 5 chương trình cụ thể:

a/ Dạy tích hợp chương trình AN TOÀN GIAO THÔNG.       

b/ Dạy tích hợp chương trình TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH.

c/ Dạy tích hợp chương trình TIẾT KIỆM NĂNG LƯỢNG.

d/ Dạy tích hợp chương trình KỸ NĂNG SỐNG CHO TRẺ.

e/ Dạy tích hợp chương trình BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG.

Đây là một việc làm khó, rất khó đối với giáo viên và học sinh.

Trong một tiết giảng bài nếu giáo viên chuẩn bị bài tốt thì đưa vào một vài câu đề cập đến một chương trình dạy tích hợp nào đó thì tốt còn không thì cũng chẳng sao vì có ai chú tâm tới việc này mấy.

Còn học sinh tiếp thu được bằng nào, vận dụng nó ra sao thì có lẽ không ai biết. Lí do tại sao xin nói ở phần tiếp theo.

Ngoài sách giáo khoa mà Bộ GD-ĐT đã phát hành, các nhà quản lí giáo dục các huyện thị còn “bắt” các trường Tiểu học phải mua sách học thêm buổi 2 do lãnh đạo chỉ ra. Như thế,việc phụ huynh đã mua đủ sách, vở bài tập cho các em ra, thầy cô và học sinh còn phải gánh thêm chương trình do lãnh đạo địa phương chỉ dẫn.

Khổ nỗi thời gian, sức lực có hạn, sách thì đã mua không thể bỏ được, thế là thầy trò cứ è cổ ra mà dạy, mà học. Trên lớp không xong thì về nhà làm tiếp, không làm bài, mai đến lớp sợ thầy cô mà làm.

Bản thân gia đình tôi cũng có 2 cháu đang học Tiểu học, tối nào khỏe, các cháu còn học được 1 – 2 giờ. Nhiều khi thấy các cháu ê a được vài câu rồi ngồi ngáp ngắn, ngáp dài mắt díp lại rồi lăn ra ngủ, trông  thật xót xa!
Trăm dâu đổ đầu… thầy trò! - 1
Thật buồn khi các em không còn thời gian để... chơi

2/ Thời gian biểu của thầy cô giáo và học sinh:

Để đảm bảo được thời gian chuyển tải lượng kiên thức có thể nói là khổng lồ này đến được với học sinh, bắt buộc các nhà quản lí giáo dục phải đưa ra một thới gian biểu hợp lí cho cả thầy và trò.

Thường thì mỗi buổi học có từ 4 tới 5 tiết, mỗi tiết học trong khoảng thời gian 35 đến 40 phút, giữa các tiết học có 5 phút chuyển tiết.

Trong thời gian chuyển tiết này nếu giáo viên khéo léo tổ chức cho các em có các hoạt động giải trí như một trò chơi ngắn hoặc một bài hát thì tạo được không khí thoải mái cho các em, nếu không thì cả thầy và trò đều mệt mỏi và căng thẳng, bước vào tiết học sau  không khác gì đánh vật cả.

Tuy nhiên thời gian biểu này chắc chắn mỗi nơi được áp dụng một khác. Xin đưa ra thời gian biểu đang được áp dụng ở ngành giáo dục huyện KIM SƠN – NINH BÌNH  như sau:

Theo thời gian biểu của sở Giáo dục – Đào tạo ngoài thời gian các em học buổi sáng ra, mỗi tuần các trường phải tổ chức cho các cháu học thêm 2 buổi chiều và dĩ nhiên các thầy cô giáo được thu của phu huynh học sinh số tiền là 48.000 đồng/tháng (giáo viên hưởng 80%, quản lí nhà trường 18%, nộp cho cấp trên 2%).

Thời gian biểu này về đến huyện đã được các nhà quản lí sắp xếp lại là mỗi tuần các em được học thêm 4 buổi (dĩ nhiên là không được thu thêm tiền của cha mẹ các em, có lẽ các nhà quản lí biết dân nông thôn còn nghèo lắm).

Buổi còn lại được bố trí để thầy cô sinh hoạt chuyên môn và kí giáo án. Như thế mỗi ngày thầy cô giáo và các em học sinh phải lên lớp từ 7 đến 9 tiết (theo qui định mỗi ngày các em học không quá 7 tiết).

Ngày nào các em cũng bước vào học từ 7h30 phút sáng đến 11h giờ trưa được nghỉ về ăn uống nghỉ ngơi. Chiều các em vào học từ 14h đến 16h30 mới nghỉ.

Với thời gian biểu này thì các thầy cô cũng oải hết người còn nói gì đến các em độ tuổi từ 6 đến 11 tuổi.

Thử hỏi với thời gian biểu như thế các thầy cô giáo chuẩn bị bài vở vào lúc nào để có tiết dạy tốt, buổi học tốt (sau giờ lên lớp các thầy cô còn phải làm trăm việc không tên ở nhà chứ nào có được nghỉ ngơi như các em). Các em học sinh cũng không có thời gian để xem lại bài và làm bài tập.

3/ Các khoản đóng góp:

Vào đầu năm học nào cũng thế sau buổi họp mặt phụ huynh là các khoản thu được công khai. Tuy nhiên thu như thế nào thì không có sự chỉ đạo chung nào cả.

Có chăng cấp huyện (phòng) chỉ đạo các khoản thu như Bảo hiểm Y Tế, Bảo hiểm Bảo Việt, Học phí Buổi 2. Xã chỉ đạo thu khoản tiền xây dựng, còn các khoản thu khác do lãnh đạo trường chỉ đạo.

Thực tế cho thấy mỗi năm số tiền thu này ngày càng tăng, ít thì dăm bảy khoản, nhiều thì hơn chục khoản, tổng cộng ít thì 7 - 8 trăm ngàn, nhiều thì trên một triệu một năm.

Khổ cái, khoản thu nào cũng quan trọng và mang ý nghĩa to lớn là phục vụ các em nên các bậc phụ huynh cứ ngồi nghe và thực hiện, cấm bàn cãi.

Nhà nào có điều kiện thì nộp quách đi cho xong còn những nhà không có điêu kiện hoặc có 2-3 con còn đi học thì quả là khổ sở.

Các em học sinh của chúng ta chưa xin được tiền nộp thì đến lớp sợ thầy cô nhắc nhở, nêu tên. Về nhà xin nhiều quá thì bị bố mẹ mắng cho. Thật là tiến thoái lưỡng nan chẳng biết kêu cùng ai. Thật khổ cho các em học sinh nhà nghèo!

Hoàng Kim Oanh

 

LTS Dân trí - Trước đây, những tưởng chỉ có học sinh ở thành phố mới phải học nhiều, học “quá tải”. Qua bài viết trên đây, mới biết tình trạng dạy và học ở nông thôn bây giờ cũng chẳng khác là bao ở thành phố.

Việc bố trí nội dung chương trình quá tham, ôm đồm nhiều chủ đề nhiều nội dung, cũng như việc bố trí thời gian biểu dày đặc như vậy, quả thật chỉ làm mệt cả thầy lẫn trò mà không đem lại kết quả bao nhiêu, vì thầy không còn thời gian để soạn bài, trò không còn sức để tự học ở nhà.

Đấy là tình hình thực tế giáo dục được phản ảnh từ một giáo viên ở cơ sở. Mong rằng các cấp quản lý giáo dục nên xem xét để bố trí nội dung chương trình cũng như thời gian biểu dạy và học sao cho hợp lý và sát với điều kiện ở địa bàn nông thôn; kể cả các khoản đóng góp cho nhà trường cũng cần có sự cân nhắc phù hợp hoàn cảnh kinh tế nông thôn.