TPHCM: Nhà thuốc “ma” trong Bệnh viện Nhân dân 115

(Dân trí) – Hóa đơn, sổ sách bán thuốc không ghi địa chỉ, thông tin bệnh lý của người bệnh và bác sĩ kê toa nhưng thuốc vẫn được bán ra. Thậm chí, có những trường hợp khách hàng mua thuốc kê đơn số lượng lớn với hàng chục hóa đơn thuốc/1 lần mua.

Nhà thuốc “ma” trong bệnh viện

Thời gian qua, có nhiều ý kiến của bạn đọc phản ánh đến tòa soạn Báo Dân trí về những "bất thường" xung quanh các nhà thuốc trong Bệnh viện Nhân dân 115 tại TPHCM. Trước sự việc trên, PV Dân trí đã vào cuộc làm rõ những điểm "bất thường" này.
 
Theo quy định, quy chế của nhà thuốc đạt chuẩn GPP thì mỗi nhà thuốc phải do một dược sĩ đại học đứng tên, một dược sĩ đại học quản lý và phân tích thẩm định đơn tại nhà thuốc. Thế nhưng tại Bệnh viện Nhân dân 115, TPHCM có tới 3 nhà thuốc (Nhà thuốc thứ nhất nằm ở cổng chính của bệnh viện, đường Sư Vạn Hạnh. Nhà thuốc thứ hai nằm tại khu vực phòng khám Bảo hiểm Y tế (BHYT). Nhà thuốc thứ ba nằm tại khu vực Khám yêu cầu) nhưng chỉ có mình dược sĩ đại học Huỳnh Hiền Trung đứng tên kiêm phụ trách.
Đáng chú ý hơn là nhà thuốc số 2 và số 3 của bệnh viện Nhân dân 115 chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo luật định. Và vì có 2 nhà thuốc chưa được cấp phép nên Bệnh viện Nhân dân 115 đã đánh tráo khái niệm nhà thuốc tại khu khám BHYT và khu Khám yêu cầu thành điểm giao thuốc. Đáng nói là 2 “điểm giao thuốc”  này đều bày bán thuốc, thu tiền, xuất hóa đơn… không khác gì nhà thuốc số 1.
Nhà thuốc số 1 của Bệnh viện Nhân dân 115
Nhà thuốc số 1 của Bệnh viện Nhân dân 115

Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia cho rằng, việc bệnh viện lập ra nhà thuốc khi chưa có phép là coi thường pháp luật vì điều 9 và 12 Luật Dược quy định: Nghiêm cấm việc kinh doanh thuốc mà không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc. Nghiêm cấm việc bán thuốc tại những nơi không phải là cơ sở bán thuốc hợp pháp. Cơ sở kinh doanh thuốc chỉ được hoạt động đúng địa điểm đã đăng ký và phạm vi kinh doanh đã ghi trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc; trường hợp mở rộng phạm vi kinh doanh hoặc thay đổi địa điểm kinh doanh thì phải làm thủ tục bổ sung hoặc đổi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

Dư luận thắc mắc, vì sao những nhà thuốc không phép của bệnh viện Nhân dân 115 hoạt động rầm rộ trong một thời gian dài mà không thấy cơ quan chức năng phát hiện, xử lý?.

Những toa thuốc bất thường

Không chỉ để mọc lên những nhà thuốc mà mà thời gian gần đây, tại các nhà thuốc Bệnh viện Nhân dân 115 thường xuyên có những trường hợp khách hàng mua thuốc kê đơn với số lượng lớn. Thậm chí có trường hợp một người thanh toán hàng chục hóa đơn thuốc một lượt. Trong khi đó, đối chiếu với thông tin trên hóa đơn, sổ sách thì những hóa đơn bán thuốc này đều không đúng quy trình (chỉ có tên bệnh nhân mà không rõ địa chỉ thông tin bệnh lý của người bệnh và cả bác sĩ kê toa…). Đáng chú ý, có những hóa đơn chỉ ghi 1 hoặc 2 loại thuốc mà không ghi rõ thông tin người bệnh, không rõ người giao hàng nhưng lại xuất ra với số lượng lớn, chẵn (nguyên hộp)…
Ngay khi nhận được phản ánh, nhà thuốc số 2, 3 của bệnh viện đã tạm ngừng hoạt động
Ngay khi nhận được phản ánh, nhà thuốc số 2, 3 của bệnh viện đã tạm ngừng hoạt động

Cụ thể, ngày 4/5/2012, tại nhà thuốc của bệnh viện này xuất hiện hàng chục hóa đơn bán Motilium với số lượng chẵn (nguyên hộp 100 viên) nhưng lại không có thông tin đầy đủ về người mua được chèn lẫn trong các hóa đơn, toa thuốc khác kẹp sẵn vào để chờ được thanh toán, xuất hàng. Lúc thanh toán các hóa đơn này chỉ có một người đứng ra thanh toán cho hàng chục hóa đơn mua thuốc Motilium này. Bao gồm 7 hóa đơn mang số CH10036548, CH10036555, CH10036558, CH10036565, CH10036576, CH10036586, CH10036601 với số lượng 200 viên Motilium  và 26 hóa đơn 100 viên Motilium (Gồm 20 hóa đơn mang mã số KYC001… và 6 hóa đơn mang mã số CH100…).

Như vậy với tổng số hóa đơn này, thì số lượng Motilium đã lên tới 4.000 viên. Trong khi đó, theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 4/5 có tất cả 55 hóa đơn bán Motilium nhưng có tới 35 hóa đơn bán với số lượng lớn từ 100 đến 200 viên và chỉ có 20 khách hàng mua số lượng là 2 viên, 15 viên, 20 viên, 45 viên và cùng lắm là 90 viên. Đáng chú ý hơn, những ngày bình thường khác số lượng Motilium bán ra tại nhà thuốc của bệnh viện 115 chỉ chừng vài trăm viên và chủ yếu là hóa đơn bán lẻ 5, 15, 30, 45, 90 viên chứ rất hiếm hóa đơn bán hàng có số lượng Motilium lên tới 100 viên/lượt và không có hóa đơn bán tới 200 viên/ lượt.

Không chỉ có những loại thuốc không kê toa bị bán ồ ạt mà nhiều loại thuốc kháng sinh phải bán theo toa cũng được nhân viên nhà thuốc bán ra nhưng trên hồ sơ không ghi rõ địa chỉ thông tin về người bệnh. Cụ thể như Exforge 10/160 mg, Micardis Plus 40/12,5 mg, Coxlec 200mg, Insulin Mixtard 100UI, Plavid 75MG ….

Nghiêm trọng hơn, chúng tôi phát hiện một số hóa đơn của nhà thuốc Bệnh viện Nhân dân 115 có dấu hiệu “bán sỉ” cả thuốc hướng tâm thần. Chẳng hạn như Roxomil 6MG, Diazepam 5MG với số lượng từ 20, 30 đến 60 viên trên một hóa đơn nhưng thông tin về người bệnh lại không rõ ràng. Thậm chí, có những tên người mua trên hóa đơn là bác sĩ.  

Tuồn thuốc ra thị trường để hưởng tiền chênh lệch?!

Theo tìm hiểu của PV Dân trí, giá mặt hàng ghi trong hóa đơn của nhà thuốc bệnh viện 115  có giá thấp hơn giá bán sỉ ngoài thị trường từ 10- 50%.
 
Ví dụ như: thời điểm tháng 4, 5/2012 giá Motilium, Coxlec 200mg, Qanazin 5mg, ngoài thị trường đang tăng chóng mặt thì y rằng những hóa đơn lạ có tên nhưng loại thuốc này xuất hiện. Hay thời điểm năm 2011 giá thuốc Exforge 10/160 mg trong bệnh viện có giá là 403.648 đồng/ 28 viên còn ở ngoài thị trường có giá bán sỉ tới 596.000 đồng/28 viên, chênh lệch tới 192.256 đồng . Thuốc Micardis plus 40/12,5 mg thời điểm giữa năm 2011 trong nhà thuốc chỉ có giá 8616 đồng/ viên (516.690 đồng/60 viên) thì ngoài nhà thuốc có giá trên 10.000 đồng/viên (300.000 đồng/28 viên). Đặc biệt là thuốc Seretide 25/250 mcg, bán ra tại nhà thuốc bệnh viện 115 đến nay vẫn chỉ có giá là 202.800 đồng/lọ nhưng giá thị trường từ đầu năm 2012 đã tăng từ 240.000 đồng/lọ, rồi 270.000 đồng/ lọ và đỉnh điểm hiện là 305.900 đồng/lọ. Chính vì thế mà từ đầu năm 2012 số lượng hóa đơn bán Seretide cũng xuất hiện rất nhiều… Với việc mỗi ngày mua ra từ nhà thuốc Bệnh viện Nhân dân 115 từ 10-20 toa thuốc có 2 loại thuốc này rồi đem ra ngoài bán thì người ta có thể cũng kiếm được vài triệu đồng/ngày.
 
Biển chỉ dẫn khách hàng trở lại nhà thuốc số 1 để mua thuốc
Biển chỉ dẫn khách hàng trở lại nhà thuốc số 1 để mua thuốc

Phải chăng, khi giá thuốc bên ngoài cao hơn giá thuốc mà nhà thuốc bệnh viện bán thì đó là lúc tại nhà thuốc Bệnh viện Nhân dân 115 xuất hiện nhiều hóa đơn bán các mặt hàng này. Trước thực tế này, dư luận đặt ra câu hỏi: “Có hay không việc nhân viên nhà thuốc bắt tay với người ngoài tuồn thuốc ra thị trường kiếm tiền chênh lệch giá?”.

Chiều 6/6, làm việc với PV Dân trí, Ban Giám đốc Bệnh viện 115 cho biết đã tiếp nhận thông tin về hoạt động của nhà thuốc mà báo chí phản ánh. Ban Giám đốc cho biết, nhà thuốc 2, 3 của bệnh viện được lập ra để tạo điều kiện thuận lợi cho phục vụ bệnh nhân chứ không lấy lời. Bệnh viện cũng làm hồ sơ xin cấp phép hoạt động cho 2 nhà thuốc nhưng đến nay vẫn chưa được cơ quan chức năng giải quyết. Quan điểm của Ban Giám đốc là trong quá trình làm việc, không tránh khỏi những sai sót nhưng sai thì phải sửa. Bệnh viện đã thành lập ngay một đoàn để xác minh sự việc này. Khi có kết quả, sẽ thông báo cho Dân trí biết.  
 
Theo nhiều dược sĩ, bác sĩ, đối với thuốc Motilium thường thì bác sĩ chỉ kê vài viên, cùng lắm là vài chục viên/lần. Chứ ít khi có ai mua với số lượng cả trăm viên. Vì nếu mua nhiều không chỉ làm bệnh nhân tăng thêm gánh nặng và nếu dùng không hết sẽ gây lãng phí.

Còn với thuốc hướng tâm thần thì theo quy định, khi bán cho một người bệnh bị mắc bệnh cấp tính thì chỉ nên bán không quá 10 ngày. Nếu bán cho người bệnh mãn tính thì tùy theo từng trường hợp bệnh lý, phác đồ điều trị….

Bài, ảnh: Công Quang  - Vân Sơn