TP. Hà Nội “bỏ quên” quyền lợi hợp pháp của công dân

(Dân trí) - 11 năm sau ngày Thủ tướng Phan Văn Khải chỉ đạo giải quyết vụ khiếu nại quyền sử dụng đất tại phố Tiểu Công nghệ, quận Hà Đông, UBND TP. Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu thực hiện nhưng quyền lợi hợp pháp của công dân vẫn bị “bỏ quên”.

Như thông tin báo Dân trí đã nêu trong nhiều bài viết, sau thời gian dài gửi đơn khiếu nại đòi quyền sử dụng đất tại số nhà 1C phố Tiểu công nghệ (nay là số 46), phường Yết Kiêu, quận Hà Đông. Ngày 5/9/2002, Văn phòng Chính phủ có công văn số 4903/VPCP - VII gửi UBND tỉnh Hà Tây cũ, thông báo ý kiến chỉ đạo giải quyết của Thủ trướng Chính phủ Phan Văn Khải đối với vụ khiếu nại của ông Nguyễn Trung Lợi.

Văn bản số 4903/VPCP - VII ngày 5/9/2002 do Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Lâm ký nêu rõ: “Giao cho UBND tỉnh Hà Tây xem xét quy hoạch chi tiết khu vực này, nếu diện tích đất của ông Lợi đang sử dụng phù hợp với quy hoạch khu dân cư thì giải quyết hợp thức quyền sử dụng đất. Trường hợp thu hồi, thì gia đình ông Nguyễn Trung Lợi được bồi thường theo quy định của pháp luật…”.
 
Văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2002
Văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2002

Nhận được văn bản chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ từ năm 2002, chẳng ai trong gia đình ông Nguyễn Trung Lợi nghĩ đến viễn cảnh bi thảm là 11 năm sau ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ lại bị chính quyền địa phương cho vào quên lãng, hoặc xử lý kiểu “đánh bùn sang ao” đùn đẩy trách nhiệm giải quyết quyền lợi hợp pháp của công dân. Trong lúc các cơ quan chức năng chịu trách nhiệm giải quyết “rủ” nhau “vô cảm”, người được nêu trong văn bản số 4903/VPCP - VII đã lìa đời đem theo nỗi đau và sự day dứt vì tiếng “lấn chiếm” khó diễn tả bằng lời.

Dựa trên hồ sơ ông Lưu Tiến Hùng (người được ủy quyền) cung cấp, kể từ năm 2006, UBND tỉnh Hà Tây cũ, sau này là UBND TP. Hà Nội đã ban hành gần 10 văn bản yêu cầu UBND quận Hà Đông giải quyết dứt điểm vụ khiếu nại ở khu Tiểu công nghệ theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phan Văn Khải nêu tại văn bản số 4903/VPCP - VII. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà cho đến tận bây giờ, UBND quận Hà Đông vẫn giữ thái độ “im lặng” vô trách nhiệm.

Không chỉ có vậy, tháng 7/2012, UBND quận Hà Đông ban hành văn bản số 1137/UBND-TNMT, do Phó Chủ tịch Nguyễn Trường Sơn ký, gửi cho ông Lưu Tiến Hùng khẳng định: Đất ở của cụ Lợi không thể hợp thức hóa, gia đình cụ Lợi không được hưởng chế độ bồi thường theo quy định pháp luật vì “phần diện tích trước nhà rộng 47,5m2 có nguồn gốc đất công, do gia đình ông Lợi tự ý lấn chiếm” khiến những người con của ông Lợi bức xúc.
 
Ông Nguyễn Trung Lợi (bố vợ ông Hùng)  nhắm mắt mang theo nỗi oan lấn chiếm
Ông Nguyễn Trung Lợi (bố vợ ông Hùng)  nhắm mắt mang theo nỗi oan "lấn chiếm"
 
Nhận được văn bản số 1137/UBND-TNMT, đại diện gia đình ông Lợi là ông Lưu Tiến Hùng làm ngay đơn khiếu nại gửi UBND quận Hà Đông (theo đúng trình tự của luật Khiếu nại tố cao). Tuy nhiên, cho đến nay UBND quận Hà Đông vẫn chưa có văn bản trả lời, đi ngược lại Luật Khiếu nại tố cáo năm 1998 mà nhà nước đã ban hành.

Sau khi ông Lưu Tiến Hùng liên tục có đơn kêu cứu gửi TP. Hà Nội và các cơ quan báo chí. Ngày 30/8/2012, UBND TP. Hà Nội có công văn số 6712/UBND - TNMT, giao Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chủ trì, cùng quận Hà Đông tổ chức đối thoại với gia đình ông Lợi. Tại buổi làm việc diễn ra ngày 13/9/2012, đại diện Sở TN&MT hướng dẫn người được ủy quyền là ông Lưu Tiến Hùng hoàn chỉnh lại giấy ủy quyền, do giấy ủy quyền cũ đã hết hiệu lực khi cụ Lợi qua đời (tháng 12/2011) thì mới có đủ điều kiện đối thoại theo nội dung công văn 6712.

Thanh tra Sở TN&MT hướng dẫn ông Lưu Tiến Hùng về làm lại giấy ủy quyền khiếu nại, nhưng ngay ngày 14/9/2012, Sở TNMT đã có báo cáo số 944/STNMT gửi TP. Hà Nội đề nghị xóa bỏ tư cách đại diện của ông Hùng mà không cho ông Lưu Tiến Hùng có đủ thời gian hoàn thiện giấy ủy quyền để đối thoại theo tinh thần công văn 6712 của UBND TP. Hà Nội.

Theo ý kiến của ông Lưu Tiến Hùng, việc Sở TN&MT vội vã gửi báo cáo lên TP. Hà Nội xóa bỏ tư cách đại diện là dấu hiệu bất bình thường nhằm gây khó khăn cho công dân đang đề nghị giải quyết quyền lợi.
 
Đơn kiến nghị ông Lưu Tiến Hùng gửi đến báo Dân trí ngày 14/5/2013
Đơn kiến nghị ông Lưu Tiến Hùng gửi đến báo Dân trí ngày 14/5/2013

Bức xúc trước cách giải quyết khiếu nại kiểu đùn đẩy trách nhiệm của Sở TN&MT và UBND quận Hà Đông, ngày 7/11/2012, gia đình ông Hùng lại có đơn gửi lãnh đạo Thành phố, và gửi tiếp lại vào ngày 10/3/2013 đề nghị ông Chủ tịch UBND Thành phố xem xét giải quyết quyền và lợi ích hợp pháp của công dân theo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, cho đến lúc này gia đình ông Hùng chưa nhận được bất cứ văn bản trả lời nào của TP. Hà Nội. Về vụ việc này, báo Dân trí cũng đã có 2 công văn chuyển đơn khiếu nại của ông Lưu Tiến Hùng đến lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, nhưng đến nay TP. Hà Nội chưa có văn bản trả lời để báo Dân trí thông tin đến bạn đọc theo quy định Luật Khiếu nại tố cáo và Luật Báo chí.

Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp trên phần tài sản do bố mẹ để lại, trong đơn đề nghị mới nhất gửi báo Dân trí đề ngày 14/5/2013, ông Hùng và các anh em trong gia đình khẩn thiết đề nghị UBND TP. Hà Nội có ý kiến giải quyết cụ thể để gia đình ông được hợp thức hóa phần tài sản do bố mẹ để lại, hoặc được hưởng chế độ bồi thường, tái định cư theo đúng quy định hiện hành khi thu hồi đất của Chính phủ.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương