Tôi cũng từng là nạn nhân của tiếng còi xe buýt, xe tải

Tôi cũng từng là nạn nhân của tiếng còi xe buýt và xe tải. Họ luôn gắn những loại còi đinh tai nhức óc để “tra tấn” những người đi xe gắn máy, xe đạp...

 

Bạn đọc: Minh Quan 

 

Tôi cũng từng là nạn nhân của tiếng còi xe buýt và xe tải. Họ luôn gắn những loại còi đinh tai nhức óc để “tra tấn” những người đi xe gắn máy, xe đạp... Đặc biệt trong giờ cao điểm những chiếc xe buýt liên tục nhấn còi inh ỏi để vượt, ép các loại phương tiện khác trên đường. Tôi nghĩ rằng các ngành chức năng cần quy định loại còi nào phù hợp khi lưu thông trong đô thị, nhất là những lúc kẹt xe lại bị còi xe đinh tai nhức óc liên tục phía sau chẳng khác nào bị tra tấn.

 

Bạn đọc:  Le Trung Kien 

 

Tại sao đã có luật quy định không được sử dụng còi hơi trong thành phố, vậy mà hầu như mọi người toàn dùng còi hơi như một công cụ đuổi người trên đường? Đặc biệt là các xe tải, xe buýt... họ coi tính mạng của người đi đường như trò đùa của họ! Các xe buýt mặc dù là xe của các doanh nghiệp nhà nước, chỉ chạy trong thành phố, nhưng vẫn được trang bị còi hơi để “đuổi” người đi đường?

 

Ở các nước việc bấm còi chỉ xảy ra khi có nhu cầu đặc biệt cần xin đường. Còn ở nước ta bấm còi nhiều khi là trò đùa của các chủ phương tiện sử dụng còi hơi. Việc đó thể hiện văn hoá của người tham gia giao thông ngày càng xuống cấp.

 

Thiết nghĩ Nhà nước cần phải có biện pháp tuyên truyền về ý thức khi tham gia giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời xử phạt thật nặng những chủ phương tiện vi phạm. Nếu không đường phố Việt Nam sẽ trở nên hỗn độn hơn sự hỗn độn hiện tại vốn có rất nhiều. Chúng ta cần phải rút ra các bài học từ Trung Quốc, Thái Lan... 

 

Bạn đọc: Vũ Hải Châu 

 

Trước hết tôi xin gửi lời chia buồn đến gia đình nạn nhân, và sau đó tôi muốn có đôi lời đến các nhà quản lý giao thông đô thị. Dường như các vị đưa ra các loại quy định khi tham gia giao thông nhưng quên mất cái thứ suốt ngày gặp phải là còi xe. Cái văn hoá “còi to cho vượt” tồn tại quá lâu rồi, ai cũng lắp cho xe mình cái còi thật to để đi cho nhanh, dẹp được đường... khiến cho việc đi đường, ngoài phải chịu cảnh kẹt xe thì còn luôn phải chịu sự ám ảnh của còi xe gây ra.

 

Tại sao không xử lý thật nghiêm những ai vi phạm quy định về còi xe? Ngay như tôi, hiện đang là thanh niên quen nghe còi lớn mà vẫn thỉnh thoảng giật mình vì xe tải dí còi sát người đến nỗi loang choạng cả tay lái... 

 

Bạn đọc: Hoàng Giang   
 

Thật thương tâm! Chắc chắn nhiều người cũng nghĩ như tôi về vụ tai nạn này. Đừng nói là đã đến lúc phải dẹp cái vấn nạn dùng còi bừa bãi trong giao thông ở nước ta mà phải nói rằng đã rất muộn nếu không giải quyết vấn nạn này.

 

Rất biết áp lực lên người lái xe khi tham gia giao thông là rất lớn, nhưng thử nghĩ xem bao nhiêu người bị giật mình té ngã, bao nhiêu đứa trẻ kinh hoàng khóc thét khi tham gia giao thông cùng bố mẹ mà phải nghe những  tiếng còi xé tai của nhiều loại phương tiện giao thông ở những nơi đáng ra không được dùng còi.

 

Những chiếc xe mà lái xe cố tình lắp còi hơi vào bên phải sườn xe ngang với độ cao của người đi xe đạp, xe máy mỗi khi dùng còi để dẹp đường thì đúng là xé tai thật. Nhiều loại bệnh đã được xác nhận có liên quan đến tiếng còi như rách màng nhĩ, nghễnh ngãng, ù tai v.v.. Chừng nào những người sử dụng còi còn coi thường tác hại của âm thanh do còi gây ra thì những tai nạn như thế này còn có thể xảy ra. Thử dùng hình thức để lái xe đứng trước còi xe và bấm còi như lái xe vẫn hay dùng khi tham gia giao thông xem phản ứng của họ ra sao!

 

Bạn đọc: Thạch Bích Sơn 

 

Tai nạn xảy ra thật thương tâm. Cần xử lý người tài xế lái xe thật nặng vì đã gây ra cái chết thật oan uổng và cũng để thức tỉnh những người lái xe khác.

 

Hiện nay, có nhiều người khi tham gia giao thông thường nhấn còi vô tội vạ. Tôi cũng đã từng giật mình vì những tiếng còi xe âm thanh quá lớn. Đôi khi, tôi dừng xe tại giao lộ khi đèn đỏ cũng có tài xế nhấn còi, không hiểu vì lí do gì.