Sóc Trăng:

Tòa tuyên người có giấy tờ thua kiện, người thắng kiện chẳng có “mảnh giấy lận lưng”!

(Dân trí) - Dù có đầy đủ giấy tờ chứng minh phần đất là của mình, nhưng ông Danh Ler (ngụ TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) lại bị 2 phiên tòa tuyên thua kiện. Trong khi đó, người thắng kiện là ông Trần Chen lại chẳng có “mảnh giấy lận lưng”. Vụ kiện này khiến dư luận địa phương rất bức xúc vì cho rằng tòa tuyên không thuyết phục.

Theo trình bày của ông Danh Lớk (tên thường gọi là Danh Ler, SN 1951, ngụ tại số 1201, quốc lộ 1A, khóm Tâm Trung, phường 10, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) và hồ sơ lưu: Gia đình ông có phần đất thổ cư diện tích 250m2, tọa lạc tại quốc lộ 1A, khóm Tâm Trung, phường 10 (TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng). Ngày 8/1/1993, đất được UBND huyện Mỹ Xuyên (thời điểm này khóm Tâm Trung thuộc xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên) cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) và ông quản lý, sử dụng ổn định từ đó cho đến nay, không tranh chấp với ai.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Danh Ler được cấp năm 1993.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Danh Ler được cấp năm 1993.

Ngày 5/6/2011, ông Trần Chen cho người đến cắm cột xi măng vào 2 đầu thửa đất của ông, với lý do đất đó là của ông Trần Chen cho cha ông Danh Ler mượn nên xảy ra tranh chấp. Ông Danh Ler khởi kiện ra TAND TP Sóc Trăng, yêu cầu tòa buộc ông Trần Chen tháo dỡ cột xi măng trả lại phần đất bị lấn chiếm là 199,24m2 nằm trong GCNQSDĐ của gia đình ông.

Ngày 6/5/2014, TAND TP Sóc Trăng mở phiên tòa xét xử và tuyên buộc ông Danh Ler phải trả cho ông Trần Chen phần đất có diện tích là 73,5m2, với số tiền là 183.750.000 đồng; chấp nhận một phần đơn khởi kiện của ông Danh Ler kiện ông Trần Chen phải tháo dỡ cột xi măng và các vật kiến trúc trên đất để giao trả cho ông Danh Ler diện tích đất 125,74m2 và cùng 73,5m2 (đã trả giá trị đất) với tổng diện tích đất là 199,24m2; ổn định diện tích đất 250m2 cho ông Danh Ler theo GCNQSDĐ do UBND huyện Mỹ Xuyên cấp cho ông Danh Ler ngày 8/1/1993”.

Theo TAND TP Sóc Trăng, nguồn gốc đất mà ông Danh Ler đang quản lý sử dụng là của ông Trần Chen quản lý sử dụng trước năm 1971. Sau đó, ông Trần Chen thỏa thuận miệng cho cha ông Danh Ler mượn một phần đất ruộng là 91,8m2, nhưng ông Danh Ler lại làm thủ tục đăng ký và được UBND huyện Mỹ Xuyên cấp GCNQSDĐ ngày 8/1/1993 là “không đúng trình tự thủ tục”.

Dù thừa nhận “kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông Danh Ler là người trực tiếp quản lý và sử dụng đất liên tục cho đến nay đã hơn 21 năm và có công cải tạo từ đất ruộng lên đất thổ cư, làm tăng giá trị đất”, nhưng tòa vẫn tuyên buộc ông Danh Ler phải hoàn trả cho ông Trần Chen số tiền như nói ở trên.

Không đồng ý với quyết định của tòa sơ thẩm, ông Danh Ler kháng cáo đến TAND tỉnh Sóc Trăng. Ngày 26/9/2014, TAND tỉnh Sóc Trăng mở phiên tòa phúc thẩm và tuyên “không chấp nhận kháng cáo của ông Danh Ler; buộc ông Danh Ler phải trả cho ông Trần Chen giá trị phần đất có diện tích 94,815m2 với số tiền hơn 237 triệu đồng; ổn định phần đất diện tích 94,815m2 cho ông danh Ler”.

Tòa tuyên toàn bộ phần đất mặt tiền nhà ông Danh Ler trả cho ông Trần Chen.
Tòa tuyên toàn bộ phần đất mặt tiền nhà ông Danh Ler trả cho ông Trần Chen.

Luật sư Bạch Sĩ Chất (Đoàn Luật sư tỉnh Sóc Trăng) phân tích: Bản án dân sự phúc thẩm ngày 26/9/2014 của TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên xử đối với ông Danh Ler là chưa khách quan, gây thiệt thòi cho gia đình ông Danh Ler.

Với người đòi lại đất, dù trong tay “không có một miếng giấy lận lưng” để chứng minh đất của mình; năm 1993, cùng một thời điểm ông Danh Ler và ông Trần Chen cùng đi kê khai đăng ký cấp GCNQSDĐ, trong đó ông Danh Ler kê khai đất ở thửa số 848 thì ông Trần Chen kê khai đất ở thửa 849, chứ không kê khai thửa đất 848; ông Chen cũng không có ý kiến gì về đất ông Danh Ler kê khai và cùng được cấp sổ đỏ một ngày; dù nhà ở sát bên nhà ông Danh Ler nhưng từ năm 1973, khi ông Danh Ler xây dựng nhà để ở cho đến hết tháng 5/2011, ông Trần Chen cũng không hề có ý kiến gì, chỉ đến ngày 5/6/2011 thì mới cho người đem cột xi măng sang chôn trên đất ông Danh Ler. Đó là hành vi ngang ngược, xem thường pháp luật.

Còn về phía tòa án, khi xét xử vụ án cũng chưa khách quan, thiếu điều tra xem xét dẫn tới tuyên án gây thiệt thòi cho ông Danh Ler.

Cụ thể, khi xét xử, tòa phải căn cứ vào hồ sơ (án tại hồ sơ), đặc biệt là hồ sơ có tính pháp lý, được pháp luật bảo hộ. Thế nhưng, tòa án đã bỏ qua các hồ sơ có tính pháp lý như GCNQSDĐ, các văn bản của chính quyền địa phương trả lời về việc cấp sổ đỏ cho ông Chen và ông Ler; bỏ qua quy định của pháp luật về đất đai khi ông Danh Ler sử dụng đất và được cấp sổ đỏ trước ngày 15/10/1993 cho đến năm 2011 mới xảy ra việc ông Chen tranh chấp.

Trong khi đó, nhân chứng ở địa phương như bà Điền Thị Tệng, ông Dương Phương, ông Lào Khuẩn khai với tòa là ông Danh Ler làm nhà ở từ năm 1973 không bị ông Chen ngăn cản hay tranh chấp, hiện trạng căn nhà nay vẫn còn; ông Chen không có giấy tờ gì chứng minh đất của mình, còn ông Danh Ler có đủ hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật về đất đai nhưng lại bị tòa xử thua kiện; phía ông Chen chỉ có lời khai mà lại là lời khai mâu thuẫn thì được tòa xử cho thắng kiện là hoàn toàn không thuyết phục.

Vợ chồng ông Danh Ler mong vụ việc sẽ được tòa cấp trên xử công bằng, trả lại quyền lợi chính đáng cho gia đình ông.
Vợ chồng ông Danh Ler mong vụ việc sẽ được tòa cấp trên xử công bằng, trả lại quyền lợi chính đáng cho gia đình ông.

Ông Danh Ler cho biết: “Tòa sơ thẩm và phúc thẩm tuyên không đúng sự thật, gây thiệt thòi cho gia đình tôi. Hiện tại tôi đã có đơn xin giám đốc thẩm vụ án gửi TAND Tối cao, Viện KSND tối cao và đã được nhận đơn. Gia đình tôi hy vọng mình sẽ tìm được ánh sáng công lý”.

Bạch Dương