Tín hiệu đáng mừng về môi trường giáo dục

Đọc bài báo về cô học trò được điểm cao, nhưng dũng cảm đề nghị thầy giáo cho điểm thấp hơn để phản ánh đúng kết quả làm bài còn nhiều thiếu sót của mình. Tôi nghĩ đấy là tín hiệu đáng mừng trong môi trường giáo dục.

Bạn đọc Thuy Duong

 

Đọc bài báo này, tôi thấy mừng vì trong môi trường giáo dục vẫn còn có nhiều người tốt, điển hình là cô học trò lớp 12C1 và người thầy giáo của em.

 

Tất nhiên trong xã hội ai cũng qúy trọng người có tài, có tâm và có đức. Nhưng bên cạnh niềm vui, tôi lại có phần lo cho tương lai của em học sinh có đức tính trung thực và lòng dũng cảm này… Vì trong môi trường làm việc (khi em đã bước vào đời) thực tế sẽ khác xa với những bài giảng đạo đức ở nhà trường. Chuyện em nhắn tin cho thầy và mong nhận được số điểm phản ánh đúng kết quả làm bài của mình là điều tốt. Thầy giáo của em cũng là người thầy tâm huyết với nghề mới đem chuyện này kể lại cho cả lớp nghe, và chân thành nhận ra những thiếu sót trong việc chấm bài của mình.

 

Nhưng đem chuyện này đặt vào một cơ quan nào đó trong giai đoạn hiện nay thì lại khác. Việc em đứng ra phê phán lãnh đạo (dù là một chuyện nhỏ) thì rất có thể em chịu hậu quả thật khó lường? Đã không ít người vì dám đứng ra bảo vệ chân lý hoặc tố cáo tiêu cực mà bị vùi dập, thậm chí bị hủy hoại cả tương lai.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Khi ra đời, muốn làm người trung thực cũng rất khó (ít nhất là trong giai đoạn quá độ hiện nay!). Không phải tôi nói điều này để làm em nản chí, nhưng vì thương em nên tôi nhắc nhở: “Khi vào đời, muốn nói lời trung thực em phải nhìn trước, ngó sau… coi có hợp tình, hợp cảnh hay không? Từ đó mà có cách xử sự cho đúng.

Chúc em luôn sống tốt, và xã hội ngày càng có nhiều người tốt như em.

Bạn đọc: Trần Tô Hiệu

Đọc bài “Nghĩ suy từ một tin nhắn của học trò”, tôi nhớ lại quãng thời gian học từ lớp 9 đến lớp 12 của tôi trước đây.

Năm học lớp 9, tôi có một người thầy dạy toán rất có trách nhiệm. Ông không chỉ thể hiện trách nhiệm của mình ở mỗi bài giảng trên lớp mà còn qua những bài kiểm tra. Cách ông chấm bài không bỏ sót bất kỳ một bước tính, một lỗi nhỏ nào. Lần đầu tiên tôi thấy một cách chấm bài như thế. Trước đó, tôi cứ tưởng rằng những bài làm của tôi đã hoàn chỉnh và chỉ cần có đáp án đúng. Nhưng khi nhận lại bài kiểm tra thầy chấm, tôi nhận ra mình đã không chú ý nhiều lỗi khác. Và từ đó tôi đã cố gắng hoàn thiện mình.

Năm học lớp 10, tôi gặp một cô dạy hóa với tác phong rất lạ. Phải công nhận cô giỏi, cô giảng bài, cho ghi bài không khác gì cầm quyển sách giáo khoa để đọc ra, chính xác đến từng dấu chấm, mà kỳ thực, cô không hề cầm cuốn sách giáo khoa. Còn lúc chấm điểm kiểm tra, tôi đã rất bất ngờ về cách chấm gần giống chấm văn. Suốt một bài kiểm tra, không có một dấu cho biết đúng hay sai mà chỉ thấy điểm cho trên khung. Tôi đã so sánh nhiều bài kiểm tra với nhau nhưng dường như cô chỉ cần đọc tên học sinh là cho điểm rồi.

Năm lớp 11-12, tôi gặp một thầy giáo dạy toán đáng nhớ nữa, ông với phong thái chậm rãi, từ từ giảng bài và chữa bài đến độ tôi không hiểu làm thế nào có thể chậm rãi hơn thế được. Cách chấm bài thì lại trái ngược với thầy dạy toán lớp 9 của tôi. Ông chỉ cần nhìn đáp số. Trên lớp học được một nửa chương thì chắc rằng bài kiểm tra tới sẽ phải sử dụng kiến thức của cả chương đó rồi.

Từ cách chấm điểm đến cách ra đề khiến tôi chẳng quan tâm đến việc trả bài của thầy nữa. Tôi tự lo học trước chương trình để phòng thầy kiểm tra kiểu đó, tôi làm bài kiểm tra vẫn nhiệt tình, hết sức. Nhưng khi nhận bài trả về, tôi không quan tâm mình được thầy cho con số nào.

Nghĩ lại bây giờ tôi cũng thấy phải tự trách mình đã không hề góp ý với thầy cô giáo như 2 bạn học sinh kia. Đúng ra, tôi phải có ý kiến để mà xây dựng. Tôi thấy mình cũng kém phần dũng cảm, không thể sánh với bạn học trò kia. Tôi vẫn tin cũng còn nhiều nhà giáo đầy lương tâm và trách nhiệm như người thầy trong bài và như người thầy dạy lớp 9 của tôi.

Bạn đọc: Đỗ Thêm

 

Em rất bất ngờ khi đọc được bài viết trên Diễn đàn Dân trí. Em cứ tưởng trong môi trường giáo dục ngày nay không còn sự chân thật và lòng dũng cảm như vậy, nhất là điều đó có liên quan đến kết qủa học tập. Em chưa bao giờ thấy một học sinh nào phản ánh và thắc mắc về số điểm thầy cho cao hơn năng lực có thật của mình (thể hiện ở những sai sót trong bài làm). Thông thường thì mọi học sinh chỉ thắc mắc với thầy khi bị điểm thấp. Còn trường hợp như bạn học lớp 12 C1 thì thật là hiếm. Em thật sự ngưỡng mộ bạn học sinh đó và cả thầy giáo dám công khai kể lại câu chuyện trước lớp và nhận sai sót về mình. Thầy không định kiến với người học dám tỏ thái độ phê bình việc chấm bài không chính xác của thầy, ngược lại còn biểu dương người học trò có tính trung thực và lòng dũng cảm như vậy.

Nhân đây xin chúc bạn học sinh mà tôi rất ngưỡng mộ luôn biết giữ gìn và phát huy những đức tính tốt đẹp của mình, chúc bạn luôn là chính mình, hãy xứng đáng với số điểm đúng là thành quả học tập đích thực của mình. Chúc bạn MÃI MÃI LÀ CHÍNH MÌNH.

LTS Dân trí - Sự trung thực và lòng dũng cảm là những đức tính tốt đẹp nhất của con người. Xã hội ngày càng tiến bộ và văn minh thì càng phải biết đề cao và phát huy những đức tính tốt đẹp đó.

Trong nền giáo dục mang bản chất nhân văn của chúng ta, đi đôi với việc quan tâm “dạy chữ”, luôn phải coi trọng việc “dạy người” - dạy đức tính và nhân cách làm người, mà cái gốc chính là đức tính trung thực và lòng dũng cảm.

Thể hiện đúng tinh thần đó, rất nhiều ý kiến gửi đến Diễn đàn Dân trí tỏ thái độ đồng tình và hoan nghênh tính cách trung thực và lòng dũng cảm của cô học trò và cả người thầy đã sớm nhận ra thiếu sót trong việc chấm bài  và biểu dương cô học trò đó trước lớp.

Có thể coi đó là tín hiệu đáng mừng và cần được phát huy trong môi trường giáo dục của chúng ta.