Thông minh cảm xúc giúp gì cho cuộc sống? (phần 1)

Tìm hiểu về thông minh cảm xúc

(Dân trí) - Thông minh cảm xúc có thể hiểu như một tổng thể gồm nhiều khả năng giúp ta ý thức được những cảm xúc của chính mình, quan sát và thấu hiểu cảm xúc của người khác hầu có thể xử sự một cách mềm dẻo và thích hợp tùy theo mỗi hoàn cảnh, tình thế.

LTS Dân trí - Bài viết dưới đây là sự tóm lược vắn tắt và sâu sắc những kết quả nghiên cứu về một vấn đề còn mới mẻ nhưng có tầm quan trọng trong định hướng mục tiêu cũng như nội dung giáo dục - đó là Thông minh cảm xúc và chỉ số EQ.

Quả thật ở thời đại ngày nay, trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập, một trong những mục tiêu quan trọng nhất của việc học tập là Học để chung sống: chung sống với cộng đồng gần gũi nhất, chung sống với đồng bào mình và chung sống với đồng loại ngoài ranh giới quốc gia. Cho nên hơn lúc nào hết, con người không chỉ cần thông minh trí tuệ mà còn cần thông minh cảm xúc.

Cuộc sống của con người sẽ trở nên hài hòa hơn và dễ đạt hiệu quả cao hơn khi bước vào đời, nếu trong quá trình từ tuổi ấu thơ đến niên thiếu được trau dồi và nâng cao cả hai loại thông minh: thông minh trí tuệ và thông minh cảm xúc. Đây là vấn đề đáng quan tâm của mọi gia đình cũng như nhà trường của chúng ta.
 
Dưới đây, chúng tôi xin chia sẻ với độc giả Dân trí bài viết của tác giả Nguyễn Huỳnh Mai được chia làm hai phần.
 
Thông minh cảm xúc giúp ta sống tốt hơn với những vui buồn giận thương… của mình và của người đối diện, để hài hòa hơn với chính mình và trong đối xử với người khác.

 

Ngày Thanh Minh, trước mộ Đạm Tiên, Thúy Kiều than : “Thấy người nằm đó, biết sau thế nào” - Cô đã ý thức được số hồng nhan bạc phận. Cô nhìn người mà lo sợ cho mình. Phân tích tâm trạng Kiều dưới lăng kính tâm lý học hiện đại, ta có thể nói rằng Thúy Kiều là người giàu thông minh.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Gần ta hơn và trong xã hội hiện nay, đôi khi ta cũng gặp những cá nhân “vốn dư nước mắt khóc người không quen”, khả năng mà tiếng Pháp gọi là “empathie” - khả năng đặt mình vào vị trí của người khác -  cảm xúc như họ, đau đớn như họ, thông cảm họ ...
 
Có những nghề rất cần khả năng này,  bác sĩ, cứu thương là hai nghề điển hình chẳng hạn. Và các nghiệp vụ khác như cán sự xã hội, người đi dạy, người quản lý nhân sự, thẩm phán xử án,...cũng cần cái vốn cảm xúc, thương mình và thương người, ngoài những khả năng thuần chuyên môn.

Đặc biệt đối với nhà văn, nhà thơ, càng cần có thông minh cảm xúc. Nếu không có tư chất này, làm sao mà sáng tạo trong các lĩnh vực thuộc thế giới nội tâm... 

 

Định nghĩa thông minh cảm xúc

                                                                           

Thông minh tức là tìm ra được giải pháp thích hợp, tốt nhất, cho mỗi tình huống. Thông minh cảm xúc có thể hiểu như một tổng thể gồm nhiều khả năng giúp ta ý thức được những cảm xúc của chính mình, quan sát và thấu hiểu cảm xúc của người khác, hầu có thể xử sự một cách mềm dẻo và thích hợp tùy theo mỗi hoàn cảnh, tình thế.

 

Thiếu thông minh cảm xúc ta có thể cư xử cứng nhắc chỉ thuần theo lý trí. Thông minh cảm xúc giúp ta sống tốt hơn với những vui buồn giận thương… của mình và của người đối diện, để hài hòa hơn với chính mình và trong đối xử với người khác. Người giàu thông minh cảm xúc biết kết hợp những dữ kiện trí tuệ với những rung động cấu thành bởi các hình ảnh, tiếng động...để tiếp nhận và giải quyết vấn đề một cách toàn diện, dưới nhiều khía cạnh khác nhau.

Trong não, thông minh trí tuệ được điều khiển bởi phần vỏ não, còn thông minh cảm xúc nằm ở phần giữa não. Người thông minh cả hai là người có một bộ não phát triển cả hai vùng với nhiều sợi liên bào nối hai vùng với nhau.

Những “cha đẻ“ của khái niệm thông minh cảm xúc

1983, khởi thủy, phải kể Howard Gardner, tâm lý gia người Mỹ, ông bắt đầu chú ý đến những người “giỏi” mà chỉ số IQ (Intelligence Quotient) tầm thường và đưa ra lý thuyết. Theo đó, bên cạnh thông minh trí tuệ còn có những hình thức thông minh khác: về ngôn ngữ, về toán và lý luận, về định hướng không gian, về âm nhạc, về thao tác cử động, ý thức về bản thân (hiểu chính mình) và thông minh xã hội (hiểu người khác). 
 
Tìm hiểu về thông minh cảm xúc - 1

Thông minh cảm xúc có thể hiểu như một tổng thể gồm nhiều khả năng giúp ta ý thức được những cảm xúc của chính mình, quan sát và thấu hiểu cảm xúc của người khác... (ảnh internet) 

Hai “loại” thông minh sau cùng này, khả năng hiểu chính mình giúp ta có thể hành động tốt hơn, chọn lựa những giải pháp thích hợp hơn. Còn thông minh xã hội, hiểu người đối diện, giúp ta sống tốt hơn với những phản ứng hợp thời hợp cảnh, hợp lòng người. Đó là hai khả năng nhân bản, tế nhị, không phải ai cũng có.

Sau này, cũng chính Gardner đề nghị thêm thông minh về môi trường và khả năng triết lý, tự đặt câu hỏi về số phận con người và về các giá trị đạo đức.

Thông minh của con người, theo Gardner, như thế thành một tổng thể, thông minh toàn diện, vừa là cụ thể, lý luận, đo được bằng IQ, vừa tâm lý và triết học.

1990,  Peter Salovey và John Mayer, hai giáo sư tâm lý học người Mỹ, cùng nghiên cứu một loại khả năng nằm giữa trí tuệ và cảm xúc: có những cá nhân có khả năng thành lập liên hệ giữa cảm xúc và sự hiểu biết để thích ứng trong hành động. Salovey và Mayer là hai người đầu tiên dùng từ “thông minh cảm xúc”..

1995, Daniel Goleman, tâm lý gia và nhà báo người Mỹ, với cuốn sách “Thông minh cảm xúc”,  không đưa ra lý thuyết mới nhưng nhấn mạnh vai trò của cảm xúc trong việc làm. Ông đã không ngần ngại khẳng định vai trò của thông minh cảm xúc như yếu tố cấu thành của thành công trong giao tiếp và thành công trong nghề nghiệp, đường đời.

Ông dựa trên các công trình của Salovey và Mayer  để đưa ra bốn điều chính :

            1+2 : khả năng hiểu và điều khiển những cảm xúc của mình để hành động.

            3+4 : khả năng hiểu các cảm xúc của người đối diện để phản ứng tốt và điều khiển  các quan hệ xã hội.

“Quan niệm”, những khẳng định và sự lạc quan của Goleman được báo chí rầm rộ ủng hộ. Phải nói là vấn đề này, thông minh cảm xúc, mở cửa cho một thị trường đầy lợi nhuận: thị trường đào tạo kỹ năng cảm xúc để thành công. Những khẳng định của Goleman lại rất là thích hợp với cảm tính và thị hiếu của dân tình.
(Còn nữa)
                                                            Nguyễn Huỳnh Mai
                                                                Liège, Bỉ