Tiêu dùng quá đà dẫn tới nhiều hệ lụy

Theo Tổng cục Thống kê, trong 3 tháng đầu năm 2010, nước ta đã chi hàng tỷ đô la để nhập khẩu ô tô, xe máy, hàng điện tử (gồm cả điện thoại iphone).

Nếu đặt con số 2 tỷ USD chi cho nhập khẩu hàng điện tử, ô tô trong 3 tháng bên cạnh 2,4 tỷ USD có được nhờ xuất khẩu hơn 6 triệu tấn gạo trong năm 2009 sẽ thấy được gánh nặng thật sự của nền kinh tế khi “bán hàng ra thế giới ít hơn hàng nhập về tiêu dùng”.

Xài sang

Số liệu thống kê trên cho thấy người Việt Nam chúng ta đang tiêu dùng quá đà, khi mà nhiều xe hơi sang trọng, nhiều ti vi, máy tính, điện thoại di động đắt tiền tiếp tục chảy vào Việt Nam và được tiêu thụ hết trong khi thu nhập của đại đa số dân cư còn rất thấp, kinh tế vẫn còn loay hoay với bao khó khăn. Vấn đề xài sang quá cỡ này sẽ nảy sinh nhiều hệ luỵ xấu…

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Một chuyên gia kinh tế nước ngoài làm việc nhiều năm ở Việt Nam  đã thẳng thắn nêu nhận xét của nhiều người nước ngoài về cách tiêu xài của người VN: “Chúng tôi thấy người Mỹ làm nhiều tiêu nhiều, người Nhật làm nhiều tiêu ít, còn người VN làm ít tiêu nhiều. Hiếm có nước đang phát triển nào lại lắm xe Mercedes, Lexus như VN. Trong khi đó, Ấn Độ và Malaysia xe hơi trên đường phố trông khá cục mịch với hầu hết là xe nội”. Và ông cũng cho rằng “không chỉ người mới giàu thích xe xịn mà tâm lý ưa đồ xịn, nhìn đồ vật đánh giá con người đang tồn tại ở rất nhiều người Việt, ép nhiều người VN vào cuộc đua vô lý và tốn kém, ngay cả khi đất nước còn nghèo”.

Nhận xét trên hoàn toàn chính xác và rất đáng suy ngẫm. Bây giờ đi ra đường dễ dàng bắt gặp ô tô xịn giá cả tỷ đồng, xe máy tay ga nhan nhản, điện thoại đắt tiền, áo quần hàng hiệu…

Xu hướng tiêu dùng đó sẽ là dấu hiệu đáng mừng nếu nền kinh tế chúng ta phát triển, làm ra nhiều tiền có thể tiêu xài như vậy. Đằng này, rất đáng buồn khi mức độ hưởng thụ của VN cao không kém thế giới bao nhiêu nhưng trình độ sản xuất, trình độ công nghệ và khả năng cạnh tranh của hàng VN vẫn chưa thể sánh bằng một số nước trong khu vực. Cụ thể, kinh tế nhiều gia đình chưa dư dả gì nhưng vẫn xài sang, vẫn mua ô tô, vẫn sắm xe tay ga, vẫn xài điện thoại đắt tiền…thậm chí có nhiều ngưòi vay nợ vẫn xài sang. Nhất là giới trẻ hiện nay vung tay quá trán, thích xài hàng hiệu để khoe mẽ và chứng tỏ “đẳng cấp” của mình. Không ít người trẻ chỉ trong một đêm đã “đốt” cả chục triệu đồng ở vũ trường?!

Hệ luỵ

Lối  sống chạy theo vật chất đang khiến nhiều ông bố bà mẹ đau đầu vì biến thành con nợ, thụ động đối phó với những đòi hỏi đôi khi thái quá của con cái. Đó đang là một thực tế trong xã hội, việc những người trẻ, nhất là sinh viên, học sinh tự đặt những “tiêu chuẩn tiêu dùng hiện đại” để phân biệt “đẳng cấp” trong các mối quan hệ bạn bè là một nhu cầu có thật. Vậy hệ lụy của lối sống đó từ đâu?

Một chuyên gia tâm lý cho rằng trong thời kỳ kinh tế thị trường, những áp lực công việc làm cha mẹ thiếu thời gian dành cho con nên có xu hướng lấy vật chất bù đắp cho tinh thần, thỏa mãn và chiều chuộng vô nguyên tắc những ham muốn của trẻ.

Mặt khác do suy nghĩ “mình đã từng khổ rồi, nay có điều kiện con phải được sung sướng, làm ra tiền tiếc gì mà chẳng cho con”, từ đó dễ hình thành ở trẻ thói quen xấu tiêu xài hoang phí, muốn gì được nấy và chạy theo những giá trị vật chất, xem đó như tiêu chuẩn, thước đo giá trị con người. Hơn nữa, bây giờ đang là thời đại của xã hội tiêu dùng, mở tivi là thấy hàng hiệu, ra đường là xe đẹp, nhà sang, vào lớp là điện thoại xịn, giày chuẩn, quần áo sành điệu... Môi trường ấy không khuyến khích bệnh “sĩ”, thói quen chạy theo tiêu dùng thái quá mới là chuyện lạ.

Trong học sinh hiện nay, chuẩn so sánh “ai sành điệu hơn”, “ai chi đẹp hơn”, “ai là người biết tiêu xài sang trọng, quý phái, độc quyền hơn” được xem là những giá trị của các mối quan hệ. Vì thế không ít trường hợp một bạn đã có vật dụng đắt tiền, hàng hiệu thì bạn khác không chịu thua phải có cái đắt hơn để không bị lép vế.

Bản thân cha mẹ cũng là một tấm gương để trẻ soi rọi, cha mẹ xài đồ xịn, hàng hiệu và quá đề cao giá trị vật chất thì con cái cũng sớm trở thành bản sao của cha mẹ. Cha mẹ sẽ không thể dạy con tiết kiệm và tiêu dùng hạn chế khi bản thân quá mạnh tay cho việc chi tiêu.

Việc xài sang quá cỡ sẽ để lại nhiều hệ luỵ khôn lường. Trước hết tiêu dùng hoang phí, vung tay quá trán từ những đồng tiền không do mồ hôi công sức của mình bỏ ra khiến trẻ dễ sống ích kỷ, không biết tôn trọng giá trị lao động của người khác, dễ nảy sinh lối sống hưởng thụ, đua đòi. Về sau khi điều kiện sống không phù hợp, không đáp ứng đủ các nhu cầu, trẻ dễ nảy sinh những tật xấu như tham lam, vụ lợi, thậm chí trộm cắp, vi phạm pháp luật. Thực tế đã có nhiều vụ án đau lòng, hung thủ giết người để có tiền tiêu xài, để mua xe máy, điện thoại…

Hệ luỵ sâu xa của lối sống tiêu dùng quá đà này sẽ rất nguy hại cho tương lai của đất nước bởi nếu cứ chạy theo vật chất và chỉ vật chất bằng mọi giá thì còn đâu là giá trị nhân văn, còn đâu động lực để tương lai chúng ta vươn lên đuổi kịp các nước xung quanh?

Thu Thủy
Đà Nẵng

LTS Dân trí - Xã hội ngày càng phát triển, đời sống cũng không ngừng được nâng cao và đấy cũng là nguyện vọng chính đáng của mọi người. Nhưng muốn phát triển bền vững thì đối với đất nước cũng như mọi gia đình đều cần có tích lũy để tái sản xuất mở rộng, từ đó có điều kiện chăm lo đời sống với yêu cầu ngày càng cao hơn.

Điều đáng lưu tâm là hiện nay đất nước ta còn nghèo, dân ta cũng chưa giàu, mà đua nhau tiêu dùng quá đà vượt khả năng làm ra thì tất yếu dẫn tới sự xoay xở làm ăn bất chính để có được nhiều tiền thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ của bản thân và con cái. Kết cục dẫn tới nhiều hậu quả thật khó lường. Theo gương xấu của bố mẹ, con cái cũng quen thói ăn chơi xa hoa, không quan tâm đến chuyện học hành, phấn đấu và dễ sa chân vào những chốn ăn chơi thác lọan. Nhiều tấm gương tày liếp trong xã hội ta ngày nay cho thấy điều đó. Đấy không chỉ là câu chuyện đáng buồn trong phạm vi một số gia đình mà đã trờ thành một vấn nạn có tính xã hội và cần có bịên pháp ngăn chặn kịp thời.

Đi đôi với việc tăng cường giáo dục, vận động mọi người thực hiện chính sách tiết kiệm, cần có biện pháp hạn chế việc nhập khẩu những mặt hàng xa xỉ chưa cần thiết cho cuộc sống hôm nay của nhân dân ta bằng cách đánh thuế thật nặng; ngược lại đối với những mặt hàng thiết yếu cho đời sống như sữa, thuốc chữa bệnh… thì nên giảm thuế hoặc không đánh thuế. Mặt khác, các quan chức nhà nước nên gương mẫu thực hiện chính sách tiết kiệm để nhân dân noi theo.