Thương hiệu và sản phẩm Cát Tường kêu cứu

(Dân trí)- Công ty XNK và Đầu tư Cát Tường gửi đơn đến Báo Dân trí kiến nghị về việc thương hiệu của doanh nghiệp này liên tục bị giả mạo, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng, gây thiệt hại nghiêm trọng đến uy tín và quyền lợi kinh tế của Công ty.

Thương hiệu và sản phẩm Cát Tường kêu cứu - 1
Cơ quan Quản lý Thị trường tỉnh Thanh hóa kiểm tra tại hiện trường.
 
Tìm đến tòa soạn Báo Dân trí vào chiều ngày 9/7, ông Nguyễn Tiến Cường, Giám đốc Công ty XNK và Đầu tư Cát Tường bức xúc cho biết: “Sản phẩm cách nhiệt, cách âm của Công ty đã được chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ từ năm 2007 và đang được thị trường xây dựng tín nhiệm, ưa chuộng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, rất nhiều khách hàng mua sản phẩm Cát Tường phàn nàn về hiện tượng kém chất lượng. Qua kiểm tra, các sản phẩm kém chất lượng đó đúng là của Cát Tường, nhưng lại không phải sản phẩm Cát Tường chúng tôi”.

Đây là một câu chuyện hy hữu hay sự cố tình lợi dụng uy tín nhãn hiệu sản phẩm có uy tín để trục lợi?

Theo tài liệu của PV Dân trí thu thập được cho thấy, hiện trên thị trường ngoài sản phẩm tấm cách nhiệt của Công ty XNK và Đầu tư Cát Tường, còn có sản phẩm của Công ty Cổ phần XNK và Đầu tư thương mại Cát Tường không ghi rõ nơi sản xuất, chỉ đề địa chỉ: Phú Mỹ - Mỹ Đình - Hà Nội.

Để làm rõ việc điều tra tìm hiểu theo đơn thư tố cáo của Công ty XNK và Đầu tư Cát Tường, Công an Quận Tây Hồ đã vào cuộc và có Công văn số 61/CATH gửi Cục Sở hữu trí tuệ để làm rõ hành vi sử dụng dấu hiệu “Cát Tường” gắn trên sản phẩm cách nhiệt cách âm của Công ty Cổ phần XNK và Đầu tư thương mại Cát Tường có xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của Cty TNHH XNK và Đầu tư Cát Tường không.

Tại Công văn số 1052/SHTT-TTKN phúc đáp Công an Quận Tây Hồ, Cục Sở hữu trí tuệ cho biết: Công ty XNK và Đầu tư Cát Tường đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ hàng hóa số 90879 bảo hộ nhãn hiệu Cát Tường (cấp ngày 30/10/2007) và số 90880 bảo hộ nhãn hiệu “Cát Tường Co.,LTD & hình” (cấp ngày 30/10/2007) cho các sản phẩm thuộc nhóm 17 (bao gồm vật liệu cách nhiệt và cách âm) và nhóm 35. Do đó, Công ty XNK và Đầu tư Cát Tường được độc quyền sử dụng nhãn hiệu đang được bảo hộ trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Vì vậy, các nhãn hiệu ghi trên mẫu sản phẩm là “Cty Cổ phần XNK và Đầu tư thương mại Cát Tường” và “Cty Cổ phần Cát Tường” có sử dụng nhãn hiệu “Cát Tường” trùng với nhãn hiệu “Cát Tường” của Công ty XNK và Đầu tư Cát Tường” đã được bảo hộ theo GCN ĐKNHHH số 90879 nêu trên.

Việc sử dụng các nhãn hiệu như trên cho sản phẩm vật liệu cách nhiệt, cách âm mà không do chủ nhãn hiệu hoặc người được chủ nhãn hiệu cho phép sản xuất sẽ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và là hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu theo quy định tại Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005.

Ngày 6/8 vừa qua, tại Khu công nghiệp Lễ Môn, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục xuất hiện sản phẩm chất lượng thấp nhái nhãn hiệu “Cát Tường”, Công ty XNK & Đầu Tư Cát Tường đã làm đơn trình báo lên Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh Thanh Hóa tiến hành kiểm tra và phát hiện ra số lượng lớn hàng hóa làm nhái sản phẩm chống nóng Cát Tường. Hiện cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đang tiến hành làm rõ việc vi phạm sở hữu trí tuệ này.
Thương hiệu và sản phẩm Cát Tường kêu cứu - 2
Cơ quan chức năng thu giữ được số lượng hàng nhái lên tới 6,324 m2
Thương hiệu và sản phẩm Cát Tường kêu cứu - 3
Biên bản tạm giữ số lượng hàng còn lại chưa kịp sử dụng
Thương hiệu và sản phẩm Cát Tường kêu cứu - 4
Đơn vị sản xuất thực tế của lô hàng nhái trên.
 
Đứng trước nguy cơ thiệt hại cả về uy tín và vật chất, Công ty XNK và Đầu tư Cát Tường đã gửi đơn kiến nghị lên một số cơ quan chứng năng để được bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp mình.
 
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Vũ Văn Tiến