Thuế thu nhập cá nhân còn có những điều chưa hợp lý

Tôi không mấy quan tâm đến Luật thuế thu nhập cá nhân, bởi nghĩ mình còn lâu mới thuộc diện phải đóng thuế. Nhưng bỗng nhận được biên lai thu thuế thu nhập cá nhân, tổng số 62.000 đồng (thuế suất 10% cho khoản nhuận bút 620.000 đồng từ một tờ báo).

Tưởng cơ quan thuế nhầm, nhưng tìm hiểu văn bản thì thấy họ đã làm đúng.

Theo thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày 30 tháng 9 năm 2008 của Bộ Tài chính “Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và hướng dẫn thi hành Nghị định số 100/2008/NĐ-CP ngày 08/9/2008 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân” thì tôi thuộc diện phải khấu trừ thuế. Cụ thể:

“Các tổ chức, cá nhân trả tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác cho cá nhân thực hiện các dịch vụ mà không ký hợp đồng lao động như tiền nhuận bút; tiền dịch sách; tiền giảng dạy; tiền tham gia các Hiệp hội, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban quản lý; tiền thực hiện các dịch vụ khoa học kỹ thuật; dịch vụ văn hoá; thể dục thể thao; các dịch vụ tư vấn thiết kế xây dựng, dịch vụ pháp lý có tổng mức trả thu nhập từ 500.000 đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế trước khi trả cho cá nhân theo hướng dẫn sau:

- Khấu trừ 10% trên thu nhập áp dụng đối với các cá nhân đã có mã số thuế.

- Khấu trừ 20% trên thu nhập áp dụng đối với các cá nhân không có mã số thuế”( trích khoản 1. mục II).

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Theo quy định hiện hành, cá nhân có mức tổng thu nhập hàng tháng từ 4 triệu đồng trở lên sau khi trừ các khoản giảm trừ gia cảnh hay các khoản bảo hiểm phải nộp khác mới phải đóng thuế thu nhập. Trường hợp của tôi bị khấu trừ thuế sẽ được hoàn thuế nếu có đầy đủ hồ sơ.

Nhưng xem ra con đường lấy lại tiền từ kho bạc Nhà nước không hề đơn giản. Hồ sơ hoàn thuế gồm có:

 - Văn bản đề nghị hoàn thuế theo mẫu số 01/HTBT ban hành kèm theo Thông tư số 60/2007/TT-BTC ngày 14/6/2007 của Bộ Tài chính.

- Bản sao chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu.

- Tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân.

- Chứng từ khấu trừ thuế, biên lai thu thuế thu nhập cá nhân.

- Chứng từ xác định tình trạng kết thúc thời gian làm việc như quyết định nghỉ hưu, quyết định thôi việc, bản thanh lý hợp đồng lao động, bảng kê xác định ngày cư trú,...(nếu có).

- Giấy uỷ quyền trong trường hợp uỷ quyền khai hoàn thuế (nếu có).

Rất nhiều loại giấy tờ phức tạp, riêng “Tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân” lại phải kèm theo 3 loại phụ lục nữa.

Như vậy để có thể lấy lại số tiền vốn là của mình (do không thuộc đối tượng nộp thuế thu nhập nhưng vẫn bị khấu trừ), người dân phải hoàn tất hàng chục loại giấy tờ rắc rối phức tạp.

Rồi gửi hồ sơ đến cơ quan thuế (trường hợp của tôi là gửi đến cơ quan thuế quản lý toà soạn báo), nếu sai sót còn phải bổ sung, sau đó chờ quyết định hoàn thuế rồi mới đi kho bạc rút tiền. Người không rành thủ tục có thể phải thuê người tư vấn, ngoài ra còn chi phí đi lại, cước bưu điện...

Quả là quá nhiêu khê, rắc rối và tốn kém, đến mức hầu như không ai làm, chỉ trừ trường hợp số tiền hoàn thuế tương đối lớn.  

Thông tư số 84/2008/TT-BTC còn nêu rõ: “Việc hoàn thuế thu nhập cá nhân chỉ áp dụng đối với những cá nhân đã đăng ký thuế và có mã số thuế”. Nghĩa là những người chưa đăng kí thuế và chưa có mã số thuế không được nhận lại số tiền thuế đã bị khấu trừ, mặc dù đúng ra không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập. Đây là một quy định vô lý, gây thiệt thòi cho người dân. 

Thủ tục khấu trừ thì rất đơn giản: chỉ cần xem hồ sơ thấy số tiền thù lao, nhuận bút...từ 500.000 đồng trở lên là cơ quan thuế khấu trừ ngay từ 10-20%, thế nhưng thủ tục để nhận lại tiền hoàn thuế thì quả là “thiên nan vạn nan”.

Mặt khác, chỉ với số tiền nhuận bút còm cõi hơn 500.000 đồng/tháng cũng bị khấu trừ thuế, liệu có công bằng? Hiện nay, cơ quan thuế chỉ thu được tiền từ các cơ quan, công sở, doanh nghiệp có hồ sơ, giấy tờ đầy đủ (đối tượng “có tóc”), còn những giao dịch dân sự thiên hình vạn trạng, không có hồ sơ, giấy tờ (đối tượng “trọc đầu”) thì hoàn toàn “ngoài vùng phủ sóng” của cơ quan thuế.

Đúng ra khi chưa có căn cứ xác định thu nhập của đối tượng nộp thuế thu nhập, thiết nghĩ định mức khấu trừ nên xác định bằng định mức thu nhập từ bản quyền hoặc từ trúng thưởng, định mức 10 triệu đồng trở lên mới hợp lý. Còn mức 500.000 đồng là quá thấp, có tính chất “vơ vét”.   

Đối tượng kinh doanh khi nộp thuế được xem xét giảm trừ các chi phí quản lý, nhiên liệu, nhân công… Thế nhưng những người lao động thì không hề được xem xét giảm trừ những chi phí cần thiết để có được khoản thù lao từ 500.000 đồng (để khấu trừ thuế). Ví dụ, để dịch được một cuốn sách, viết một bài báo, tác giả phải mua tài liệu, sách vở, rồi đi điều tra, nghiên cứu…ngoài ra còn chi phí điện, in ấn, cước bưu điện, điện thoại. Nhiều khi tiền nhuận bút không bù đắp nổi chi phí thực tế để viết một bài báo.

Một nghịch lý nữa là người lao động có thu nhập từ 500.000 trở lên đã bị khấu trừ thuế, trong khi đó đối tượng được nhận kiều hối thì được miễn thuế thu nhập, dù số tiền có lớn đến mức nào.             

Từ đó, thiết nghĩ Nhà nước cần xem xét lại những quy định về khấu trừ thuế, xem xét nâng mức trần thu nhập phải khấu trừ, đơn giản hoá thủ tục hoàn thuế để tạo sự công bằng, thuận lợi cho người dân. Không nên thực hiện chính sách kiểu “nắm thằng có tóc”, “thà khấu trừ nhầm còn hơn bỏ sót”, đẩy cái khó và sự thiệt thòi về phía người dân.           

 

                                Trần Quang Đại

Giáo viên trường THPT Trần Phú, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh

 

LTS Dân trí - Tác giả bài viết trên không chỉ phân tích mà còn phải huy động đến lao động quá khứ bao gồm trình độ hiểu biết về lĩnh vực này, trí nhớ về những thông tin đã tích lũy trong quá khứ, kinh nghiệm thể hiện một bài báo,v.v. Vậy mà nhuận bút một bài báo bình thường là một, hai trăm nghìn đồng. Điều đó cho thấy giá “chất xám” ở nước ta vốn rẻ mạt. Vậy mà, chế độ thuế hiện hành còn nỡ đánh thuế vào số tiền trả nhuận bút vốn rất rẻ mạt thì đúng là một chuyện đáng buồn và không nên.

Chúng tôi kiến nghị những cơ quan quản lý cấp trên nên xem xét chuyện này với quan điểm coi trọng và khuyến khích lao động trí tuệ bởi đây là loại hình lao động phức tạp, không nên khấu trừ thuế 10%  từ một khoản thu nhập phụ chỉ có 500 nghìn đồng là số tiền nhuận bút còm cõi của nhiều bài báo.