Thực hiện chương trình dạy học tự chọn môn ngữ văn

Nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của việc nâng cao chất lượng dạy và học, chương trình mới của môn ngữ văn THPT được chính thức áp dụng từ năm học 2006-2007, trong đó có việc thực hiện chương trình dạy học tự chọn.

Chương trình mới đã phần nào thể hiện được quan điểm dạy học hướng vào người học cũng như phản ánh được những thành tựu tiên tiến của các phân môn Tiếng Việt, Văn học và Làm văn những năm đầu thế kỷ XXI, đồng thời phản ánh được thành tựu của các ngành tâm lí học và lí luận dạy học hiện đại.

Trên tinh thần đổi mới đó, Bộ GD&ĐT cũng đã áp dụng việc thực hiện chương trình dạy học tự chọn môn ngữ văn ở các trường phồ thông.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Việc thực hiện chương trình dạy học tự chọn nhằm mục đích bổ sung một số kiến thức cần thiết trên cơ sở hệ thống hoá kiến thức theo một số chủ đề nhất định, đồng thời cung cấp thêm những tri thức, tư liệu bổ trợ cho học sinh là rất cần thiết.

Bởi trên thực tế, dù đã được biên soạn theo hướng giảm tải, các bộ SGK ngữ văn ở bậc THPT hiện nay (gồm cả bộ chuẩn và bộ nâng cao) vẫn còn khá “nặng” về dung lượng kiến thức.

Trong khi đó, số tiết dạy theo PPCT trong nhiều bài học cụ thể phân bố chưa hợp lí gây khó khăn cho giáo viên trong việc dẫn dắt, gợi mở, truyền thụ và gây áp lực cho học sinh trong quá trình đọc hiểu, tiếp thu bài giảng.

 Sự “ra đời” của chương trình dạy học tự chọn có thể giúp khoả lấp phần nào những khoảng trống kiến thức chưa được giáo viên đề cập trong các tiết dạy chính khoá theo PPCT.

Đồng thời, giúp học sinh, nhất là những học sinh có tố chất học môn ngữ văn có điều kiện hơn trong việc tiếp thu, củng cố, nâng cao kiến thức.

Điều này là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh mấy năm trở lại đây đã và đang xuất hiện tình trạng học sinh không mấy mặn mà với bộ môn ngữ văn. Thậm chí có nhiều em còn có biểu hiện quay lưng lại với bộ môn có nhiều nét đặc thù này.

Tuy nhiên, khi được áp dụng vào thực tế, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan khác nhau mà chương trình dạy học tự chọn môn ngữ văn ở các trường phổ thông hiện nay vẫn còn xuất hiện nhiều bất cập, chưa phát huy được mục đích, ý nghĩa của việc dạy học tự chọn.

Trước hết, công tác chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện chương trình tự chọn còn có phần bị buông lỏng.

Công tác chỉ đạo của các cấp có liên quan trong việc thực hiện áp dụng chương trình học tự chọn còn mang tính chung chung, chưa có những định hướng cũng như các hướng dẫn thực hiện cụ thể, chi tiết.

Trong khi đó, vấn đề dạy học chương trình tự chọn còn khá mới mẻ đối với cả giáo viên và học sinh. Ban giám hiệu nhà trường dường như mới chỉ dừng lại ở việc phân tăng số tiết đối với những giáo viên dạy lớp có học chương trình tự chọn mà thiếu sự kiểm tra, đôn đốc cần thiết.

Hầu như tổ, nhóm chuyên môn và mỗi cá nhân giáo viên dạy học tự chọn đều phải tự “mò mẫm” trong việc thiết kế nội dung dạy học của từng chủ đề trong từng tuần cụ thể.

Bên cạnh việc chưa nhận được sự quan tâm, đôn đốc đúng mức từ các cấp có liên quan, những giáo viên trực tiếp dạy chương trình tự chọn còn gặp phải một khó khăn khác là thiếu tài  liệu giảng dạy.

Hịện nay, phần lớn các trường THPT có dạy học chương trình tự chọn đều dạy theo ban cơ bản thực hiện chuẩn bám sát. Trong quá trình lên lớp, giáo viên vẫn phải tham khảo các cuốn “Tài liệu, chủ đề tự chọn nâng cao” và ‘Tài liệu, chủ đề tự chọn bám sát” do Bộ GD&ĐT phát hành năm 2006.

Tuy nhiên, qua thực tế giảng dạy, nhiều giáo viên đã nhận ra những điểm còn bất cập của bộ tài liều này. Chẳng hạn ở hai cuốn “Tài liệu chủ đề tự chọn nâng cao ngữ văn 10” và “Tài liệu chủ đề tự chọn bám sát chương trình chuẩn ngữ văn 10”.

Cả hai cuốn tài liệu trên đều do tác giả Bùi Minh Toán chủ biên nhưng khác nhau ở các nhóm cộng sự tham gia biên soạn. Trong quá trình biên soạn, người viết đã thiếu thống nhất hay ít ra cũng chưa có những hướng dẫn cụ thể về nội dung các chủ đề sẽ được dạy theo trật tự như thế nào, gây ra không ít lúng túng cho giáo viên và học sinh trong quá trình dạy và học.

Trong khi chương trình ngữ văn 10 bộ chuẩn có thứ tự số tiết, bài lần lượt theo tiến trình lích sử văn học, theo đặc trưng thể loại và tích hợp ba phân môn Văn học, Làm văn và Tiếng Việt thì các chủ đề tự chọn trong các cuốn tài liệu lại không theo trật tự đó.

Điều này dẫn đến việc học sinh rất khó tiếp thu bài vì có khi trong một tuần các em phải “chạy sô” có thể là đến hai tác giả, tác phẩm ở hai giai đoạn lịch sử văn học khác nhau. Đó là chưa kể đến sự trùng lặp và thiếu đồng nhất kiến thức trong nội dung giữa sách giáo khoa và tài liệu tự chọn. Điều này đã “gây rối” cho giáo viên trong quá trình soạn giáo án lên lớp.

Một nguyên nhân quan trọng khác khiến cho việc triển khai chương trình dạy học tự chọn gặp nhiều khó khăn là tình trạng học sinh có thái độ lạnh nhạt, hờ hững với môn ngữ văn.

Qua tìm hiểu được biết, đã có không ít truờng THPT trên một số tỉnh hiện nay đã “xoá sổ” lớp học theo các khối C, D vì phần lớn học sinh đều có thiên hướng thi các khối thi có các môn khoa học tự nhiên.

Ở một số ít trường khác, các lớp học sinh có hướng thi theo các khối C, D vẫn được nhà trường cố gắng duy trì nhưng luôn trong tình trạng “thoi thóp”, mỗi khối chỉ có một lớp.

Đáng quan ngại là chất lượng đầu vào của những “lớp chọn” khối C, D này càng ngày càng giảm sút. Tình trạng học sinh “nói không” với môn ngữ văn khi lựa chọn khối thi đại học đang có chiều hướng gia tăng đã khiến cho số học sinh, số lớp học tự chọn môn ngữ văn càng trở nên thưa thớt, teo tóp dần.

Để đáp ứng yêu cầu áp dụng có hiệu quả chương trình tự chọn ngữ văn thời gian tới cần nhiều hơn sự quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện chương trình dạy học tự chọn ở các nhà trường.

Về phía Bộ GD&ĐT, cần có ngay sự thống nhất về điều chỉnh hợp lí nội dung cuốn tài liệu hướng dẫn chủ đề tự chọn mà Bộ đã phát hành.

Trong khi chờ đợi sự thay đổi, điều chỉnh từ Bộ, Sở GD&ĐT, cụ thể là những người phụ trách môn ngữ văn của Sở nên thống nhất nội dung dạy và học chủ đề tự chọn môn ngữ văn. Có thể biên soạn thành cuốn tài liệu có nội dung phù hợp để giáo viên trong phạm vi toàn tỉnh dựa vào đó mà thực hiện.

Về phía nhà trường, cần tạo điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học cho môn ngữ văn. Cụ thể: nhà trường có thể mua sắm thêm các loại tranh, ảnh minh hoạ, phù hợp với nội dung từng bài dạy cụ thể; tăng thêm các đầu sách văn học, sách tham khảo; tạo điều kiện cho học sinh ở những lớp tự chọn có nhu cầu có thể đọc, mượn sách ở thư viện của nhà trường.

Yếu tố quan trọng và quyết định nhất trong nỗ lực nâng cao chất lượng dạy học môn ngữ văn nói chung, dạy học tự chọn ngữ văn nói riêng vẫn là sự tận tuỵ, tâm huyết, gắn bó với nghề của mỗi giáo viên.

Thái độ hờ hững, lạnh nhạt của một bộ phần học sinh đối với môn ngữ văn thời gian qua bắt nguồn một phần từ thái độ bàng quan nếu như không muốn nói là thiếu trách nhiệm của những người đang cố đổ lỗi cho hoàn cảnh khách quan mà quên mất vai trò của người giáo viên - người “truyền lửa” và thắp sáng tình yêu đối với bộ môn ngữ văn ở mỗi học sinh.

Bùi Minh Tuấn

(Nghệ An)

LTS Dân trí - Bài viết trên đây phản ảnh khá trung thực hiện trạng dạy và học môn ngữ văn nói chung, nhất là việc thực hiện chương trình dạy học tự chọn môn ngữ văn ở các trường THPT đang gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện mục tiêu của môn học cũng như hiệu quả giáo dục toàn diện đối với học sinh.

Mong rằng Bộ Giáo dục-Đào tạo cũng như các Sở GD-ĐT có biện pháp cần thiết giúp cho các thầy giáo dạy ngữ văn ở bậc THPT có điều kiện phấn đấu nâng cao chất lượng giảng dạy môn ngữ văn, nhất là thực hiện có hiệu quả chương trình dạy học tự chọn môn ngữ văn ở bậc THPT.