1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Thời cơ chưa đến ngay, thách thức thì nhãn tiền

Việc gia nhập WTO thế là chỉ còn tính bằng tháng, bởi vòng đàm phán song phương với Mỹ - đối tác cuối cùng trong số 28 nước có yêu cầu đàm phán song phương - để Việt Nam gia nhập WTO đã kết thúc.

Ngoài những thủ tục còn phải hoàn tất để có thể chính thức gia nhập WTO, nhiều công việc lớn mà tất cả các ngành, các cấp phải thực hiện để tận dụng nhanh thời cơ và đẩy lùi thách thức sau khi gia nhập WTO.

 

Những thời cơ do việc gia nhập WTO mang lại không nhỏ. Trước hết là hạn ngạch dệt may với Mỹ sẽ được bỏ ngay, tạo điều kiện cho xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đạt kim ngạch cao hơn nữa. Thuế suất hàng xuất khẩu của Việt Nam vào các nước thành viên WTO sẽ được giảm mạnh từ 30-40% hiện nay xuống còn 5%, tạo sức cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của Việt Nam tại những thị trường này. Các hàng rào kỹ thuật, như kiện bán phá giá chẳng hạn, sẽ giảm hẳn; nếu có xảy ra thì sẽ được giải quyết theo lợi thế của một thành viên WTO.

 

Tuy nhiên, thời cơ mới là khả năng, mới tạo tiền đề để tăng lượng xuất khẩu, tăng giá trị gia tăng. Nhưng muốn biến khả năng thành hiện thực thì phải tăng hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm. Chẳng hạn, hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu vào EU và Canada cũng đã được những nước này bỏ hạn ngạch như những nước thành viên WTO nhưng xuất khẩu của Việt Nam không tăng được bao nhiêu, bởi hiệu quả và sức cạnh tranh của Việt Nam vẫn còn thua nhiều nước, nhất là Trung Quốc, Ấn Độ... là những nước có nguồn lao động dồi dào, giá nhân công rẻ, có nguồn nguyên phụ liệu tự sản xuất không phải phụ thuộc vào nhập khẩu như Việt Nam.

 

Thị trường dệt may của Mỹ rất lớn, lên đến 70 tỉ USD mỗi năm; xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào Mỹ liên tục tăng nhanh, nhưng vẫn còn chiếm tỷ trọng rất nhỏ (khoảng 3,7%). Song xuất khẩu hàng dệt may của Trung Quốc lại ở mức khổng lồ, lên đến 40 tỉ USD, gấp gần 10 lần tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam.

 

Nói cách khác, thị trường xuất khẩu của Việt Nam sẽ được mở rộng cửa hơn, với mức thuế nhập khẩu thấp hơn, nhưng quan trọng là hàng xuất khẩu của Việt Nam có tăng được hiệu quả và sức cạnh tranh hay không? Đặc biệt là hàng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước, bởi nếu không, thị phần này sẽ lại dành cho khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mà các nước phát triển đang muốn chuyển mạnh sang các nước khác mà họ có thể khai thác được nguồn nhân công rẻ, có nguồn nguyên liệu tại chỗ, lại không trực tiếp bị tác động của ô nhiễm môi trường sinh thái do việc sản xuất này tạo ra và lợi nhuận thì họ được hưởng.

 

Những thách thức thì khá lớn và nhãn tiền. Trước hết là thuế suất thuế nhập khẩu vào Việt Nam cũng phải cắt giảm, hàng nhập khẩu từ nước ngoài sẽ có sức cạnh tranh mạnh hơn ở thị trường Việt Nam. Người tiêu dùng sẽ có lợi, nhưng người sản xuất kinh doanh nếu không tăng hiệu quả và sức cạnh tranh thì sản xuất sẽ bị thu hẹp, thậm chí còn bị phá sản, nhiều người lao động sẽ còn bị thất nghiệp... Thị phần tiêu thụ của khu vực kinh tế trong nước cũng sẽ bị thu hẹp theo khi có sự tham gia của các nhà bán lẻ nước ngoài. Đó là chưa kể những lĩnh vực được coi là nhạy cảm, như dịch vụ viễn thông, dịch vụ tài chính ngân hàng... sẽ được mở rộng cửa theo các nhà đầu tư nước ngoài, trong khi những lĩnh vực này tính độc quyền còn cao, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp.

 

Vào được là khó, nhưng vào mà tận dụng được thời cơ, đẩy lùi được thách thức còn khó hơn nhiều.

 

Theo Ngọc Minh
Thanh Niên