Thấy gì từ gói kích cầu 6 tỷ USD?

Gói tài chính kích cầu không chỉ giới hạn 1 tỷ USD như trước. Theo công bố mới đây của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, gói tài chính kích cầu tổng hợp từ các nguồn lên đến 6 tỷ USD, tức là lên trên 100 nghìn tỷ VNĐ. Thấy gì từ gói tài chính kích cầu này?

Thứ nhất, về độ lớn, nếu xét về mức tuyệt đối thì còn thấp xa so với các nền kinh tế lớn, nhưng nếu so với nguồn lực của đất nước thì thuộc loại cao. Nếu so với GDP tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái bình quân năm nay của Việt Nam (khoảng 88,5 tỷ USD), thì gói tài chính trên đã chiếm khoảng 6,8%; nếu so với mức dự trữ ngoại hối, thì đã chiếm khoảng 26%. Các tỷ lệ này thuộc loại khá cao so với mức bình quân chung của khu vực, châu Á và thế giới.

 

Thứ hai, đây là một cố gắng lớn của Chính phủ trong điều kiện ngân sách còn bội chi lớn, mức dự trữ ngoại hối của quốc gia còn mỏng. Đây không chỉ là sự nhạy bén trong việc dự đoán tình hình, chuyển hướng mục tiêu ưu tiên với những giải pháp có liều lượng cao, nhằm chủ động hạn chế tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, thể hiện quyết tâm cao trong việc ngăn chặn nguy cơ suy giảm kinh tế.

 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Thứ ba, việc kích cầu vào đâu đã được các cơ quan hoạch định chính sách vĩ mô lựa chọn và quyết định. Tuy nhiên, hiện có hai vấn đề lớn đặt ra. Đó là tiêu chí để lựa chọn và đẩy nhanh việc thực hiện.

 

Về tiêu chí để lựa chọn, cần quan tâm đến mấy điểm. Trước hết, lượng tài chính kích cầu dù huy động từ nguồn nào cũng là tiền của quốc gia. Đã là tiền của quốc gia thì phải loại bỏ sự xin - cho, phải minh bạch công khai, phải có ưu tiên, tránh dàn đều. Cần bám sát mục tiêu chủ yếu của kích cầu số một hiện nay là ngăn chặn sự suy giảm kinh tế; khi thực hiện được mục tiêu số một này thì cũng có tác động góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm công ăn việc làm- nội dung quan trọng của việc bảo đảm an sinh xã hội. Sự suy giảm kinh tế do hai yếu tố chính là vốn đầu tư và tiêu thụ, trong đó tiêu thụ hiện đang là khâu khó khăn nhất. Vì vậy, tiêu chí cần lựa chọn là:

 

Kích cầu vào các lĩnh vực để tiêu thụ sản phẩm đang bị ứ đọng lớn (than, sắt thép, xi măng, phân bón, một số nông sản quan trọng…), những mặt hàng xuất khẩu lớn đang có thị trường.

 

Kích cầu vào các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động để giải quyết công ăn việc làm, để tạo sức mua có khả năng thanh toán của dân cư, đặc biệt là những người có thu nhập thấp, những người bị mất việc, những người làm công ăn lương.

 

Nội dung quan trọng là cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nếu chậm trễ thì ít tác dụng và kém hiệu quả.

 

Cách làm không chỉ hỗ trợ lãi suất cho vay vốn, giãn nợ, khoanh nợ, cơ cấu lại thời hạn nợ, miễn giảm lãi suất vay; giảm thuế, giãn thời hạn thực hiện thuế. Có một giải pháp quan trọng của kích cầu là giảm giá, trong đó có giảm hơn nữa giá xăng dầu, giảm giá vận chuyển. Giảm các thủ tục để vốn ra nhanh.

 

Minh Huệ
Báo Nông Thôn Ngày Nay