Thấy gì qua Bản giải trình về Chiến lược phát triển giáo dục?

Sau khi nhận được nhiều ý kiến đóng góp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã sớm công bố Bản giải trình, có lẽ do sự quan ngại nhiều người chưa hiểu đầy đủ nội dung và quá trình soạn thảo bản dự thảo Chiến lược phát triển GD 2009-2020 (viết tắt: Dự thảo).

Qua bản giải trình, chúng ta có thể thấy Chiến lược phát triển GD cho tới nay có hai giai đoạn: Giai đoạn 1 từ 2001-2010, nhưng đã được Bộ “tổng kết và đánh giá” ngay từ năm 2007 - nghĩa là sớm 3 năm so với thời hạn còn được phép “sống” của giai đoạn 1.

Từ 2008 là giai đoạn 2, dự kiến kết thúc năm 2020 với bản Dự thảo đã sửa 14 lần.

Bản dự thảo chưa nói rõ: Giai đoạn 1 có thành công?

Rất khó biết Bộ đánh giá giai đoạn 1 là thành công hay thất bại.

- Kết thúc sớm, có thể nghĩ rằng giai đoạn 1 đã thành công rực rỡ, vì vượt kế hoạch tới 3 năm - điều chưa từng gặp trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội ở nước ta. Nhưng khi xem đến thành tựu cụ thể của giai đoạn 1 (ghi trong Dự thảo) thì đó chỉ là những thành tựu hiện tại so với quá khứ - mà không phải thành tựu về đuổi kịp trình độ các nước quanh ta. Có người nói, một trẻ suy dinh dưỡng vẫn tăng cân so với quá khứ của chính nó (mà lẽ ra phải so với tốc độ lớn của những đứa trẻ xung quanh). Mặt khác, suốt 7 năm trời với ngân sách tăng đều đặn và lực lượng một triệu thầy cô, nhất định Bộ ta phải làm được một số việc nào đó; do vậy, lẽ ra Bộ nên cho biết thành tựu thu được có ngang (hay vượt) so với nguồn lực đã chi phí hay không. Tiếc rằng Dự thảo đã không nói rõ, mà bản giải trình cũng không làm nốt.

- Chính trong suốt 7 năm của giai đoạn 1, đã có vô số tiếng phàn nàn về nền giáo dục nước nhà, với những từ ngữ như: sa sút, suy thoái, chệch hướng, tha hoá, khủng hoảng… và đòi “chấn hưng”, “cải cách toàn diện”… Cụ thể, Bộ đã thừa nhận hiện tượng “ngồi nhầm lớp”, “bệnh thành tích” xảy ra tràn lan.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Do vậy, sự kết thúc sớm giai đoạn 1 liệu có thể hiểu theo cách khác: Nó bị thay thế cấp tốc để khỏi sai lầm ngày càng nặng?… Liệu có thể nói: giai đoạn 1 đã thất bại? (trước đó 2 năm, cựu thủ tướng Phan Văn Khải nói: “không thành công”).

Thiếu sót số 1: Nếu tôi được nói một câu, thì…

Tôi xin phép nói rằng: Thiếu sót số 1 của Dự Thảo là chưa tiếp thu và vận dụng nội dung và tinh thần các văn bản của UNESCO về Giáo dục cho thế kỷ 21. Rồi đến bản Giải trình cũng hoàn toàn không bổ sung “gọi là có”, mà duy nhất chỉ nhằm thuyết phục mọi người rằng Dự thảo được soạn rất công phu, tốn kém, đã có ý kiến của các vị quyền uy; và do vậy, đã toàn hảo, toàn mỹ.

Xin phép không nói dài, vì tư liệu của UNESCO đã được công bố chính thức năm 1998 và được toàn thế giới hồ hởi đón nhận, kể cả những nước có nền giáo dục tiên tiến nhất. Tân tổng thông Mỹ trong diễn văn nhậm chức đã nói: Nền giáo dục của chúng ta (Mỹ) nhiều thất bại, cần thay đổi. Chẳng lẽ Việt Nam không cần biết?

Cứ nhìn vào triết lý sẽ rõ: Cách tân, hay chỉ là sửa chữa, vá víu

Dư thảo chưa nêu được triết lý giáo dục theo những tiêu chuẩn phổ quát. Cụ thế, nó chỉ đưa ra những quan điểm lãnh đạo được gọi là triết lý. Tuy nhiên, đã có ý kiến cho rằng đó không phải triết lý nếu không viết lại theo tiêu chuẩn phổ quát của một triết lý như cha ông ta vẫn quan niệm. Mặt khác, đó chỉ là triết lý của người quản lý, không bao giờ có thể coi là triết lý của thầy và nhất là của trò. Trong khi đó, từ ngàn xưa (hoặc mới đây, theo UNESCO), phải là triết lý của người học (số lượng hiện nay ở nước ta đã rất khổng lồ: 25 triệu) mới thật sự là động lực phát triển giáo dục . Triết lý của người học sẽ quy định triết lý của người dạy và cả hai lại quy định triết lý của người quản lý. Liệu chúng ta có làm ngược?

Để được gọi là Chiến lược giáo dục, bằng cách nào đó và dưới dạng nào đó, phải nêu được tư tưởng và triết lý “trước sau như một” trong suốt quá trình thực hiện chiến lược, dù có chia chiến lược thành bao nhiêu giai đoạn chăng nữa.

Cơi nới hay làm mới? Ngôi nhà giáo dục nước ta cần rỡ ra làm lại thành ngôi nhà mới (không có chuyện bỏ phí vật liệu) cho phù hợp với mục tiêu giáo dục mới; hay là cứ cơi nới, vá víu (như cách làm từ sau 1975 đến nay), chung quy vẫn chỉ tạo ra sản phẩm theo mục tiêu cũ, không hợp với thế kỷ 21?

Xin cứ nhìn vào triết lý giáo dục là đủ rõ.

Như thế mà đám bảo “người học là trung tâm”?

Nền giáo dục nào cũng có sản phẩm. Mục tiêu giáo dục phải mô tả quy cách và phẩm chất của sản phẩm giáo dục. Một cụ đồ nho thời phong kiến dạy học bằng roi theo phương châm “hay chữ - dữ đòn” vẫn có thể nêu mục tiêu: Thầy sẽ dạy các anh trở thành “con người toàn diện”, vừa có “lễ” lại vừa có “văn”, trong đó “tiên học lễ, hậu học văn”…

Ta thấy ngay, vị thầy nói trên dù tận tâm đến đâu cũng vẫn là đứng ở trên ban phát ân huệ. Nhưng vấn đề cần nói rõ ở đây là: Nêu ra mục tiêu là một chuyện, còn có đặt người học vào vị trí trung tâm của nền giáo dục hay không, lại là chuyện khác. Học hành dưới áp lực của cái roi thì mục tiêu có “nói thánh nói tướng” gì, người học vẫn không thể có vị trí trung tâm được.

Có thể thay đổi mục tiêu thời phong kiến cho hợp với mục tiêu gần đây: Vẫn là “con người toàn diện”, nhưng thay “lễ” bằng Hồng và thay “văn” bằng Chuyên. Không thấy cái roi hữu hình, nhưng cái roi vô hình vẫn cứ hiển hiện. Dẫu mục tiêu mới có được mô tả hay ho đến đâu, còn việc người học có ở vị trí trung tâm hay không, vẫn cứ là chuyện khác.

Nơi đứng của người học, dù nhìn “vĩ mô” (nói thế cho oai) hay “vi mô”, thì vẫn phải là ở trung tâm. Trung tâm của cả nền (ngôi nhà) giáo dục và trung tâm của lớp học. Còn ông thầy (và những người khác) với mọi phương tiện và nguồn lực trong tay chỉ là đám… “bưng bê” ở xung quanh phục vụ cho “bữa tiệc” của người học.

1) Cả nền giáo dục phải phục vụ triết lý của người học (Hồ Ngọc Đại: người học luôn luôn đúng). UNESCO coi mục đích của người học là cơ bản vì đó là cái trụ móng vững chắc để ngôi nhà giáo dục ngự trên đó khỏi bị nghiêng và đổ. Khỏi cần nói: Ở đời, người ta theo đuổi mục đích bằng một triết lý nhất định, luôn luôn tâm niệm trong đầu.

Tuyên bố của người học: (chúng tôi muốn) học để biết (phải làm rõ: thế nào là “biết”); học để làm; học để chung sống; học để tồn tại ở đời. Nếu ngành giáo dục răm rắp thực hiện triết lý trên thì không những người học có vị trí trung tâm; mà ngôi nhà giáo dục sẽ bền vững và phát triển mãi mãi; thầy và người quản lý tha hồ “ăn theo” lâu dài.

2) Nhìn vào một lớp học, nếu thầy độc chiếm vị trí dễ thấy nhất, cao sang nhất (cái bục và cái bảng) và toàn quyền độc thoại để cho cả trăm con mắt và cái tai của trò hướng về phía thầy (cấm mất trật tự và nói leo) thì khỏi nói ai là trung tâm. Ngược lại, nếu trò sôi nổi bàn bạc, thảo luận hoặc làm thực hành, phản biện kết quả của nhau… dưới sự gợi ý của thầy… (Hồ Ngọc Đại: Thầy thiết kế, trò thi công) thì lại khác.

Có lẽ Bộ ta nghĩ rằng bạn đọc chưa hiểu Dự thảo đã “coi người học là trung tâm” (!), nên đã giải thích trong bản Giải trình (nguyên văn như ở dưới):

Người học là tâm điểm của Chiến lược phát triển giáo dục 2009-2020. Điều này được thể hiện trong quan điểm đầu tiên khẳng định mục tiêu đào tạo của giáo dục nước ta là "đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện...". Sự chú trọng vào người học còn được thể hiện ở quan điểm thứ ba khi khẳng định rằng "giáo dục một mặt vừa đáp ứng yêu cầu xã hội nhưng mặt khác vừa thỏa mãn nhu cầu phát triển của mỗi cá nhân người học, mang đến niềm vui học tập cho mỗi người".

Lẽ ra từ lâu, chúng ta phải chuyển dứt khoát từ cách dạy của quá khứ (thầy là trung tâm) sang cách dạy của tương lai (trò là trung tâm). Đó là một trong những giải pháp đột phá của cải cách giáo dục vì nó sẽ làm rung chuyển toàn hệ thống, thúc bách và tạo thuận lợi cho mọi giải pháp khác (xin phép sẽ nói kỹ hơn vào lúc khác).

Chiến lược hay kế hoạch?

Nếu là chiến lược phải có một tư tưởng (triết lý) xuyên suốt; rồi tiếp đó tư tưởng được cụ thể hoá và toát lên ở mỗi phần, mỗi chi tiết, hay mỗi bước đi của chiến lược.

Nếu là kế hoạch, phải có chỉ tiêu, giải pháp, nguồn lực đảm bảo thực hiện kế hoạch. Phải nêu những dự báo của các mặt liên quan… Dẫu sao, chớ nên làm những kế hoạch hoành tráng tới cả chục năm, khiến bất cứ ai đã trải qua thời kỳ “kế hoạch hoá” trước đây đều phải lo lắng và nghi ngờ. Riêng tôi, do trải nghiệm bản thân, rất chán những hứa hẹn sau một hoặc hai thập kỷ mới thấy được.

Cải cách giáo dục: phải bắt đầu bằng thay đổi những định nghĩa và khái niệm cơ bản nhất

Nếu vẫn là tù binh của các định nghĩa cũ (ví dụ, dạy là truyền đạt, học là tiếp thu) làm sao chúng ta có thể tiến hành cải cách giáo dục? (Xin được nói rõ hơn vào lúc khác).
 
NGND.GS. Nguyễn Ngọc Lanh
 
LTS Dân trí - Bản giải trình của Ban soạn thảo Chiến lược phát triển giáo dục 2009-2920 còn thiếu sức thuyết phục, cho nên NGND.GS Nguyễn Ngọc Lanh cũng như  nhiều nhà khoa học - nhà giáo giàu tâm huyết khác vẫn tiếp tục có những ý kiến phản biện. Đấy không phải là những ý kiến đóng góp về những chi tiết, mà muốn xem xét lại bắt đầu từ những khái niệm cơ bản nhất như: Triết lý giáo dục; Người học là trung tâm

 Người Thầy của phương pháp luận Duy vật biện chứng đã từng nhấn mạnh: Khái niệm là “viên gạch” của tư duy. Khái niệm đã không chuẩn xác thì cái sản phẩm do trí tuệ làm ra dù có đồ sộ, đẹp đẽ như một “Tòa lâu đài” có vẻ sang trọng thì đấy cũng chỉ là Tòa lâu đài…trên cát mà thôi !