Thấy gì qua 3 kỳ thi vừa qua ?

(Dân trí) - Con em chúng ta vừa trải qua 3 kỳ thi quan trọng. Đó là thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh vào lớp 10 và thi Đại học, Cao đẳng. Nhìn lại những kỳ thi đó, có thể rút ra đôi điều nhận xét.

1-Tuyển sinh lớp 10 nghiêm túc hơn thi Tốt nghiệp THPT?       

Hai kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và tuyển sinh vào đại học, cao đẳng được xem là chuẩn đánh giá để chọn lựa học sinh vào các trường ở bậc THPT và đại học, cao đẳng. Đối với kỳ thi tuyển sinh vào 10, từ khâu ra đề thi đến khâu tổ chức thi, chấm thi, công bố kết quả, Bộ GD&ĐT đều giao cho các Sở giáo dục và đạo tạo triển khai thực hiện. Khâu tổ chức coi thi, các sở giáo dục thường giao cho các trường THPT công lập tự lo liệu và tự chịu trách nhiệm về kết quả, chất lượng học sinh đầu vào của trường mình.

 

Từng tham gia công tác coi thi, thanh tra thi nhiều lần ở kỳ thi tuyển sinh vào 10, chúng tôi nhận thấy cách thức tổ chức thi ở đây có "nhiều điểm" rất khác với kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nếu ở kỳ thi  tốt nghiệp THPT có các biểu hiện "bất thường" như hội phụ huynh, lãnh đạo hội đồng coi thi, nhất là sở tại, hết sức đon đả, nhẹ nhàng, chiều chuộng, hậu hĩnh, cơm bưng, nước rót, kể cả phong bì cho giám thị, thanh tra thi nơi khác đến làm nhiệm vụ...trên mức bình thường, thì trong kỳ thi tuyển vào 10, lại hoàn toàn không có chuyện đó, thậm chí cốc nước lọc uống cho đỡ khát trong mấy ngày thi cũng chẳng có.  

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Ông, bà chủ tịch hội đồng coi thi, nếu trong thi tốt nghiệp THPT  nhẹ nhàng, mềm yếu, co ro, năn nỉ bao nhiêu, thì trong tuyển sinh vào 10 lại dõng dạc, mạnh mẽ, dứt khoát trong nói và làm bấy nhiêu, đi xuống phòng và "đe" giám thị phải thực hiện nghiêm túc qui chế thi.  Tại sao, cũng là thi cử cả, cũng những con người đó, nhưng hai kỳ thi, họ lại có cách hành xử sự rất khác nhau?

 

Kỳ tuyển sinh vào 10, các trường, các lãnh đạo hội đồng coi thi làm chặt chẽ, nghiêm túc đến vậy, không phải họ vì giáo dục mà cái chính là họ lo cho lợi ích thiết thực của họ. Họ cần lựa chọn cho mình số lượng học sinh có chất lượng tốt nhất để dạy dỗ cho dễ, cho có kết quả cao nhất, chứ không bao giờ mong muốn những "hạt gạo dưới sàng" lọt vào trường mình.

 

Đến  thi tốt nghiệp THPT, thì lãnh đạo nhà trường, các cấp quản lý giáo dục, lại mong muốn sự buông lỏng, dễ dãi, đồng thời  tìm mọi cách, kể cả tiêu cực," mua chuộc" giám thị, hội đồng coi thi để có tỷ lệ đỗ cao, đỗ 100%, để được vinh danh, thành tích nọ kia.

 

Mặt khác, cũng phải công nhận rằng, tính nghiêm túc trong bản thân học sinh thi tuyển vào 10 là rất tốt. Dường như, phận nào nấy làm, ít có chuyện trao đổi bài, quay cóp bài nhau, vì các em hiểu được đây là kỳ thi tuyển có tính phân loại, giữa vào trường này với trường kia. Thậm chí, thấy có biểu hiện tiêu cực, như giám thị chỉ bài, giải bài cho "gà" trong phòng, nhiều học sinh mạnh dạn tố cáo ngay.

 

Còn kỳ thi tốt nghiệp THPT, không có tính cạnh tranh, đủ điểm là được công nhận đỗ tốt nghiệp, do đó, nếu giám thị buông lỏng, dễ dãi khi coi thi, là học sinh lao nhao, tranh thủ quay cóp. Mong sao, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, mỗi học sinh chúng ta có chung nhận thức và hành động như trong thi tuyển sinh vào 10 và tuyển sinh đại học, cao đẳng.

 

2- Đại học: nhiều cái được từ "ba chung"

Chủ trương ba chung: chung đề, chung đợt, chung kết quả trong kỳ thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng của Bộ giáo dục và đào tạo đã được triển khai trong 8 năm nay. Chúng tôi cho đây là một chủ trương đúng đắn, đạt nhiều kết quả tốt trong thời gian qua và cần tiếp tục duy trì dài lâu. Thấy không ổn, khi có một số người đề nghị Bộ nên bỏ "ba chung" đó, nên trao hẳn cho từng trường Đại học quyền tự tổ chức thi tuyển, Bộ không nên ôm đồm, “dài tay” quá mức như vậy. E rằng giao cho từng trường, lại nảy sinh nhiều bất cập, tiêu cực từ khâu ra đề đến khâu tổ chức thi, chấm thi như đã từng xảy ra trong thời gian trước đây, khi giao cho từng trường tự tổ chức thi.

 

Tổ chức thi tuyển sinh đại học theo hình thức "ba chung", đã góp phần làm cho công tác thi an toàn, chặt chẽ và nghiêm túc hơn. Cả kỳ thi Tốt nghiệp THPT vừa qua, với hơn 1,1 triệu thí sinh dự thi, với 6 môn thi, thì chỉ có 92 em và 1 giám thị bị phát hiện vi phạm qui chế thi. Trong khi thi tuyển sinh đại học Đợt 1, khối A, từ ngày 4-5/7, trên 600.000 thí sinh tham dự, thì đã có 104 trường thí sinh và 2 giám thị bị lập biên bản do vi phạm qui chế thi.

 

Với các khối thi tiếp theo,  có nhiều môn học bài là làm bài tự luận, chắc chắn số thí sinh mang tài liệu, bị xử lý sẽ gia tăng. So sánh như vậy, để chúng ta thấy rõ cái được, tính nghiêm túc của kỳ thi tuyển sinh đại học. Kỳ thi tuyển sinh Đại học, cao đẳng , có nhiều điểm giống như Tuyển sinh vào 10, về mục đích tuyển, tính chất phân loại cao, cho nên chúng ta hoàn toàn có thể lạc quan, tin tưởng về tính chính xác, khách quan và nghiêm túc của kỳ thi.  

 

Rõ ràng, nhìn vài chỉ tiêu tuyển vào các trường đã hoạch định sẵn hằng năm, thì việc đề thi dễ hay khó không ảnh hưởng gì đến quyền lợi của  thí sinh, những thí sinh làm bài tốt nhất sẽ được tuyển. Nhưng có điều, đề thi năm nay, nhất là đề môn Toán và Vật lý khó hơn hẳn những năm trước khiến nhiều học sinh và phụ huynh cảm thấy lo lắng, bất an.

 

Đề thi Tốt nghiệp THPT vừa rồi, được dư luận đánh giá là quá dễ, nên đấy cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ đỗ Tốt nghiệp cao. Khi bị dư luận kêu “đề quá dễ” trong thi Tốt nghiệp, thì lần này, thi tuyển sinh Đại học, Bộ  làm cho “khó hơn” nhiều lần. Đề khó bất thường như thế là không ổn. Nhiều người rất có lý khi cho rằng: "khi ra đề cho số đông thì không quá khó hoặc quá dễ. Quá khó thì sẽ không chọn được em nào, còn quá dễ, tất cả cùng làm bài được, thì thi không còn ý nghĩa nữa”.

 

Đề thi khó như năm nay, phải chăng vô tình còn khuyến khích học thêm và luyện thi tràn lan trong năm học tới. Theo dự cảm của tôi, điểm sàn năm nay sẽ thấp nhiều so với mọi năm, thay vì cần 15 điểm cho 3 môn thi như mong đợi thì thực tế chỉ đạt 10 điểm để có được tỷ lệ đậu như mọi năm.

 

Ba kỳ thi:Tuyển sinh vào 10, Thi tốt nghiệp THPT và Tuyển sinh vào Đại học, trong thực tế được tổ chức rất qui mô, bài bản. Nhưng đến kỳ thi Tốt nghiệp Đại học, đầu ra của bậc đại học, lại tổ chức có phần lặng lẽ, riêng biệt, tùy thuộc vào hoàn cảnh của từng trường. Điều đáng nói  ở chỗ là, đầu vào đại học của ta rất khó, song đầu ra lại rất dễ, gần như sinh viên nào cũng ra trường, có tấm bằng đại học, trừ trường hợp quá tệ...Còn nhiều nước ngoài, thì họ làm ngược lại, đầu vào dễ, đầu ra cực khó. Tôi nhận thấy, "khúc sau" khó, trải qua nhiều thử thách, rèn luyện, vô cùng có ý nghĩa, vừa tốt cho người học, vừa tốt cho cả xã hội hơn.

 

Ai cũng biết và chia sẻ với những khó khăn, thiếu thốn, bất cập của giáo dục đại học Việt Nam đang gặp phải. Nhưng thật không thể chấp nhận lối đào tạo ào ào, sao cũng tốt nghiệp, làm vừa lòng tất cả, xuất phát từ sự dễ dãi, hời hợt, từ những lợi nhuận và cạnh trạnh thiếu lành mạnh. Cần có cơ chế đủ mạnh cho bài toán chất lượng giáo dục đại học Việt Nam và con người thực thi nó.

Hữu  Tình

(Địa chỉ liên hệ: Đỗ Tấn Ngọc, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng -  Sơn Tịnh - Quảng Ngãi )

 

LTS Dân trí - Là một nhà giáo lâu năm, tham gia công tác giám thị và chấm nhiều kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng như tuyển sinh vào lớp 10 và theo dõi sát sao các kỳ thi đại học, tác giả bài viết trên đây có những nhận xét đáng chú ý về các ký thi này. Đấy cũng ý kiến đóng góp để các cấp quản lý giáo dục tổ chức những kỳ thi đó sao cho sát với tình hình thực tế và đạt được hiệu quả ngày càng thực chất hơn.

 

Có một điểm chung theo nhận xét của tác giả: “đầu vào” của THPT cũng như Đại học đều khá chặt, trong khi “đầu ra” lại lỏng lẻo, dễ dãi. Điều đó trái với cách làm thông thường của nhiều nước và hầu như không đúng với quy luật giáo dục-đào tạo. Đấy cũng điều mà các cấp quản lý giáo dục, nhất ở là tầm vĩ mô, nên xem xét để có biện pháp chỉ đạo tổ chức hợp lý và nghiêm túc cả hai kỳ thi tuyển sinh và tốt nghiệp.