Bạn đọc viết:

Thay đổi thói quen chi tiêu thời…giá cả leo thang

(Dân trí) - Nhiều người đang tập thay đổi thói quen chi tiêu trong thời kỳ mọi mặt hàng đều tăng giá. Mỗi người tự tìm một cách thay đổi cho phù hợp hoàn cảnh của mình.

Thay đổi thói quen chi tiêu thời…giá cả leo thang - 1
Mọi gia đình đều phải thắt chặt chi tiêu trước sự tăng giá chóng mặt của nhiều mặt hàng.
 
Cân nhắc khoản chi
 
Trao đổi với chúng tôi, đa số người dân đều nói họ phải thay đổi thói quen chi tiêu trong thời kỳ giá cả tăng vọt, nhất là khi  còn chưa biết giá cả sẽ tiếp tục tăng đến đâu.
 
Chúng tôi gặp anh Dương Quang Thắng (trú tại phố Nguyễn Thị Định, Trung Hoà – Nhân Chính) tại phố Nhà Thờ, anh cho biết: cả nhóm có 10 thành viên là bạn học phổ thông cùng nhau, trước đây hàng tuần nhóm thường tụ tập ăn uống và sau đó cùng nhau đi karaoke hát hò vui vẻ. Nhưng gần đây nhóm phải thay đổi thói quen, gặp nhau 5 lần thì mới có 1 lần ăn uống, 4 lần còn lại là ngồi vỉa hè uống trà chanh “chém gió”.
 
“Thực ra ngồi đây cũng rất chi là thú vị. Không gian thoáng đãng, bọn mình được thay đổi không khí thay vì chỉ ăn uống hát hò mãi. Mà nếu như giá cả không tăng lên, ảnh hưởng đến quỹ lớp thì nhóm của bọn mình chưa chắc có sự thay đổi này”, anh Thắng cười lý giải.
 
Là giáo viên của một trường tiểu học trên địa bàn quận Long Biên, chị Hồng Điệp cũng chia sẻ: Giá cả leo thang từ trước Tết đã ảnh hưởng không nhỏ đến gia đình chị. Mọi thứ đều đắt đỏ trong khi lương của chị thì không tăng. Gia đình chị mới chuyển từ tỉnh về. Chồng chị đang học tại chức buổi tối, ban ngày làm thêm lặt vặt và hiện tại anh cũng không giúp đỡ được cho chị nhiều về kinh tế vì anh chị  đang phải tính kế đường dài. Cả hai anh chị không có các khoản phụ cấp khác nên gia đình chị chỉ ưu tiên chi tiêu cho những mặt hàng cốt yếu, thiết thực như thực phẩm hàng ngày, học phí cho con… mà chưa dám nghĩ gì đến chuyện mua sắm khác.
 
"Để một thời gian nữa ổn định rồi anh chị tính sau", chị Điệp nói và cũng bày tỏ băn khoăn: “Nhưng mà, điều quan trong là chúng tôi không biết giá cả còn tăng đến đâu. Với thu nhập như của chúng tôi sống ở quê thì cũng không đến nỗi nào. Chúng tôi chuyển gia đình ra đây vì nghĩ tới tương lai học hành của con cái, thế mà giá cả tăng chóng mặt thế này thì thật là khó khăn quá".

Tính toán cân nhắc còn kỹ lưỡng hơn, anh Duy trú tại khu chung cư Xa La (Hà Đông) giãi bày: “Vợ tôi vừa mới sinh cháu. Tôi đi làm giám sát công trình. Lương thì chưa kịp tăng mà giá cả cứ vùn vụt leo thang. Từ tiền sữa cho con, tiền điện, tiền nước, tiền phí chung cư rồi tiền đi chợ hàng ngày… cứ tăng vùn vụt, hôm sau cao hơn hôm trước, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch chi tiêu của gia đình. Nâng lên đặt xuống tất cả các khoản chi phí hàng tháng của cả nhà, chúng tôi thấy chẳng thể giảm đi được cái gì. Cuối cùng vợ tôi quyết định: Thôi không dùng sữa ngoại cho bé Bống như dự định nữa. Dùng sữa nội thôi. Giá phải chăng mà chất lượng lại đảm bảo”.

Bản thân anh Duy vẫn muốn cho con dùng sữa ngoại và dù sao thì anh vẫn “cố” được”, nhưng lệnh vợ đã ban ra, "Thôi thì vợ nói cũng có lý, đành phải theo thôi”, Anh Duy cười nói.
 
Tính kế dài lâu
 
Hay như với trường hợp chị Tú Anh trú tại Hoàng Hoa Thám, thời gian này trong thực đơn bữa ăn của gia đình thường xuyên có món đậu phụ. “Chồng chị làm nghiên cứu khoa học. Thời gian đầu anh lại cứ tưởng chị ăn chay để giảm cân, chứ anh có biết đâu do giá cả tăng mà chị phải cơ cấu lại bữa ăn” - vừa mua hàng tại chợ Tam Đa, chị Tú Anh trò chuyện với chúng tôi.

Cùng với việc tiết kiệm, giảm chi phí, mọi người đều phải nghĩ cách tăng thu nhập cho mình và gia đình.

Nhân chuyến công tác ra Hà Nội, gặp chúng tôi trên phố Nhà Chung, anh Vũ Đình Huy trú tại Vũng Tàu, cho biết: anh thường xuyên có việc phải công tác tại Hà Nội và công ty cũng có tiêu chuẩn công tác cho cán bộ. Những lần trước anh hay nghỉ tại khách sạn cao cấp, nhưng gần đây anh chuyển sang khách sạn nhỏ trên phố Nhà Chung. Vừa tiết kiệm chi phí, lại vừa tiện đi lại.

Còn anh Lê Văn Quảng trú tại quận Hai Bà Trưng, là bác sĩ tại một bệnh viện, tìm cách tăng thu nhập bằng cách tăng ca trực, trực hộ người khác nếu có dịp. Ngày nghỉ, ngày lễ cũng thường xuyên thấy anh có mặt ở bệnh viện thay vì ở nhà với vợ con. “Mình trực nhiều, trực thay thì cũng có hai cái lợi. Thứ nhất là nâng cao được chuyên môn, thứ hai quan trọng hơn là tăng được thu nhập cho gia đình”, anh thành thật chia sẻ.

Anh Vương ở Quan Hoa (Cầu Giấy) là chủ dãy nhà trọ cho sinh viên thuê lại tìm cách tăng thu nhập bằng cách... tăng giá phòng trọ. Mới thu tiền được tháng đầu tiên sau khi tăng giá, về đến nhà anh bị bà xã chặn cửa: “Tháng này mọi chi phí đều tăng. Anh đóng tiền đi chợ cho em gấp đôi tháng trước nhé.”, chị... nhẹ nhàng (!)

Nguyễn Quốc Vương
(Email: brightviet@yahoo.com)