Thay đổi cách thi có chắc chắn tốt hơn?

Cải cách giáo dục nói chung và thay đổi cách thi cử nói riêng là cần thiết đối với hệ thống giáo dục nước ta hiện nay nhưng thay đổi thế nào để mang lại hiệu quả thực sự, đó mới là mục tiêu của mọi sự cải cách.

Tôi là một người đã rời trường đại học được 4 năm, tôi chưa mang tâm trạng của những bậc phụ huynh có con cái tham gia kỳ thi đại học năm tới (năm 2009) nhưng tôi có thể thông cảm với sự lo lắng đến ngạt thở của em gái tôi khi cô bé tham dự kỳ thi đại học năm nay: “Nếu em không đỗ năm nay có nghĩa là chấm hết, em không thể có được điểm tổng kết cao và điểm thi cao bằng các em khóa sau vì chắc chắn kỳ thi tốt nghiệp năm sau sẽ có nhiều vấn đề nảy sinh khi mà số điểm tốt nghiệp được coi là cơ sở để quyết định xét tuyển đại học”.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Em gái tôi là một cô bé thông minh và học rất chắc, tuy vậy tôi vẫn rơi nước mắt khi biết tin em tổng kết loại giỏi và thi tốt nghiệp cũng đạt loại giỏi (cô bé đã quá vất vả để đạt được điều đó vì sợ năm nay “trượt đại học” thì còn le lói một chút cơ hội cho năm sau).

Bố tôi có ba cô con gái và năm nay là lần thứ ba ông đưa con gái đi thi (may mắn là cả tôi và chị gái đều đỗ và đã hoàn thành chương trình đại học), bố tôi vẫn rất hăng hái dù đã ngoài 60 tuổi. Tôi không thể nào quên cảnh hai bố con đạp xe dưới trời Hà Nội nắng như đổ lửa và tôi bước vào phòng thi… Tôi biết, dù vất vả như thế hay hơn thế nữa thì bố tôi và các bậc làm cha, làm mẹ khác đều thực hiện điều đó với một tâm trạng vui vẻ và đầy nhiệt tình vì những kỳ thi đại học thời của tôi và chị gái tôi đã diễn ra cơ bản rất nghiêm túc. Sự cố gắng của chúng tôi đã được đền đáp.

Tôi rất đồng ý với ý kiến của một bạn đọc trong diễn đàn này: “Có nên thử nghiệm hay không khi mà chúng ta chưa biết chắc kết quả thế nào”. Mọi vấn đề đều cần có sự thử nghiệm nhưng thử nghiệm kỳ thi đại học “2 trong 1” thế này thì cũng đồng nghĩa với việc thử nghiệm không chỉ trên “vật thí nghiệm thứ nhất” là các em học sinh tốt nghiệp THPT năm 2009 mà còn là “vật thí nghiệm thứ hai” bao gồm các học sinh đã tốt nghiệp năm 2008 như em gái tôi.

Rất mong Bộ GD-ĐT có sự cân nhắc và nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi chủ trương này được đưa ra thực hiện để bảo đảm chắc chắn sự công bằng và quyền lợi cho các em học sinh một cách trọn vẹn và an toàn nhất.

Nhung Nguyen Lan
Nhungnl.fecon@yahoo.com.vn

LTS Dân trí - Tác giả bài viết nói trên là một sinh viên mới rời trường đại học được 4 năm, lại có em gái thi đại học năm nay, cho nên hiểu khá rõ nguyện vọng của các thí sinh thi đại học. Điều mong muốn tối thượng ở họ là kỳ thi tổ chức sao cho bảo đảm sự công bằng và thuận tiện cho cả những người mới thi đại học lần đầu cũng như những người phải thi lại.

Đáp ứng nguyện vọng chính đáng đó là yêu cầu số 1 của bất kỳ một đề án cải cách thi cử nào. Đây cũng là điều băn khoăn lớn nhất đối với đề án gộp hai kỳ thi tốt nghiệp THPT với thi đại học, vì việc tổ chức kỳ thi này diễn ra tại các địa phương mà theo dư luận phản ánh còn nhiều điều rất đáng quan tâm về sự thiếu nghiêm túc ở nhiều hội đồng thi; sự “nghiêm túc” mà Bộ chủ quản nắm được chẳng qua là sự “nghiêm túc trên giấy” tức là từ các báo cáo gửi về Bộ mà thôi!