Thanh tra Bộ Văn hóa đề nghị UBND tỉnh Nam Định xem xét khiếu nại quy chế quản lý phủ Dầy

(Dân trí) - Thanh tra Bộ VHTT&DL vừa có công văn gửi UBND tỉnh Nam Định chỉ rõ các nội dung khiếu nại của công dân về Quy chế quản lý phủ Dầy do UBND huyện Vụ Bản ban hành, đồng thời đề nghị tỉnh này chỉ đạo giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.


Theo Công văn số 18/TTr-VHGD-VHGD, Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) cho biết ngày 9/3/2015, Lãnh đạo Bộ VHTT&DL giao cho Thanh tra Bộ nghiên cứu, xử lý đơn khiếu nại khẩn cấp của bà Trần Thị Duyên, xóm 1 - Kim Thái - Vụ Bản (Nam Định).

Thanh tra Bộ Văn hóa tóm tắt nội dung đơn khiếu nại của công dân nêu: Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa Phủ Dầy do UBND huyện Vụ Bản ban hành, đưa ra hình thức thủ nhang làm việc theo nhiệm kỳ 5 năm không có căn cứ quy định của pháp luật; Chính quyền địa phương ký hợp đồng lao động với thủ nhang (bà Trần Thị Duyên đã 85 tuổi) không còn nằm trong độ tuổi lao động theo quy định của Bộ Luật lao động; Gia đình bà Trần Thị Duyên liên tục làm thủ nhang từ năm 1988 đến nay đã có công trực tiếp bảo tồn, tôn tạo di tích và khôi phục lễ hội Phủ Dầy từ nguồn kinh phí xã hội hóa, không có kinh phí đầu tư ngân sách nhà nước, không vi phạm pháp luật, nay sao chính quyền lại bắt bà ký hợp đồng làm thủ nhang nhiệm kỳ 5 năm.

Thanh tra Bộ Văn hóa đề nghị UBND tỉnh Nam Định xem xét khiếu nại quy chế quản lý phủ Dầy.
Thanh tra Bộ Văn hóa đề nghị UBND tỉnh Nam Định xem xét khiếu nại quy chế quản lý phủ Dầy.
Thanh tra Bộ Văn hóa đề nghị UBND tỉnh Nam Định xem xét khiếu nại quy chế quản lý phủ Dầy.

Từ đó, Thanh tra Bộ VHTT&DL chuyển các nội dung khiếu nại của bà Trần Thị Duyên đến UBND tỉnh Nam Định để xem xét, chỉ đạo giải quyết theo quy định của pháp luật, thông báo kết quả giải quyết về về Bộ để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng trước ngày 28/3/2015.

Như Dân trí thông tin, Theo đơn kiến nghị có hơn 1500 chữ ký của tập thể người dân xã Kim Thái - Vụ Bản (Nam Định) và bà Trần Thị Duyên, thủ nhang phủ chính Tiên Hương - Phủ Dầy gửi báo Dân trí, người dân đồng loạt phản ứng với Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Quần thể Di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy, có hiệu lực từ ngày 13/1 do UBND huyện Vụ Bản ban hành.

Theo đó, quy chế mới có quy định tiêu chuẩn, điều kiện chọn thủ nhang phải là người được nhân dân địa phương nơi có di tích tín nhiệm chọn cử, đặc biệt có quy định ký hợp đồng quản lý di tích với thời hạn 5 năm. Sau 5 năm, người trụ trì nếu đủ các tiêu chuẩn, điều kiện, được nhân dân tín nhiệm thì có thể tiếp tục công việc.

Người dân địa phương phản đối quy chế nhiệm kỳ của UBND huyện Vụ Bản do lo ngại thủ nhang quản lý di tích sẽ bị thay thế sau nhiệm kỳ 5 năm. Bởi người dân địa phương cho rằng hiện tại các thủ nhang có tâm có đức, đã có công bảo tồn, tôn tạo di tích Phủ Dầy từ bao năm nay đều được tín nhiệm và đều làm rất tốt công việc của mình.

Người dân ở đây cho biết, năm 1988, bà Trần Thị Duyên (nay 85 tuổi) được người dân làng với sự chứng kiến của UBND xã bầu làm thủ nhang. Trong thời gian đó, xung quanh khu vực phủ xuống cấp, hư hại gần như toàn bộ.

Theo đơn của bà Duyên: "Khi ấy, đền phủ tan hoang, xót xa trước cảnh tượng đó, gia đình con cháu chúng tôi đã bôn ba, vất vả đi vạy mượn từng yến lúa cho đến những đồng lẻ của dân làng địa phương và một số khách thập phương về lo toan tu sửa của mẫu.

Mọi công việc, gia đình tôi đều làm đơn trình các cấp có thẩm quyền cho phép, từng bước trùng tu tôn tạo và bảo tồn di tích. Từ một phế tích ngày nay trở thành một di tích lịch sử uy nghiêm trang trọng. Ngày nay, khi Phủ Tiên Hương trở nên khang trang, UBND huyện Vụ Bản đã ra quy chế "5 năm, bầu thủ nhang một lần" khiến tôi cùng người dân vô cùng bức xúc".

Cho biết quan điểm về bản hợp đồng lao động 5 năm trong quy chế mới mà UBND huyện Vụ Bản vừa ban hành, luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty luật Thiên Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Hợp đồng lao động, đặc biệt là với người 85 tuổi phải xem xét kỹ lưỡng trên cơ sở các điều kiện về sức khỏe và buộc phải có chứng nhận sức khỏe của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hơn nữa, hợp đồng lao động phải được thực hiện dựa trên sự tự nguyện của cả 2 bên. Trường hợp cưỡng bức thực hiện hợp đồng lao động là hành vi vi phạm pháp luật.

Trước đó, làm việc với PV Dân trí, ông Nguyễn Hồng Niên - Chủ tịch UBND xã Kim Thái (Vụ Bản - Nam Định) cho biết, UBND xã đã tiếp nhận đơn phản ảnh của hàng trăm người dân sinh sống trên địa bàn xã về việc họ có ý kiến phản ứng về Qui chế mà UBND huyện đã ban hành. “Cá nhân tôi khẳng định những ý kiến phản ứng của người dân trong xã là có thật.Việc này, thay mặt chính quyền cấp cơ sở, tôi đã báo cáo lên huyện và tỉnh. Thẩm quyền quyết định sự việc là Chủ tịch UBND huyện và cấp cao hơn” - ông Niên nói.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế