Thanh Hóa "tuyên chiến" với hoạt động bán hàng đa cấp bất chính

(Dân trí) - Hiện nay, hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn Thanh Hóa diễn ra hết sức phức tạp, một số doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng kẽ hở của pháp luật, lợi dung danh nghĩa hoạt động bán hàng đa cấp chân chính để biến tướng theo phương thức bán hàng đa cấp bất chính với nhiều hành vi, thủ đoạn tinh vi.

Theo đó, một số doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp nhưng trong quá trình hoạt động vi phạm các quy định của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.

Việc “thổi phồng” về công dụng của hàng hóa, sản phẩm cũng thường được các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp sử dụng
Việc “thổi phồng” về công dụng của hàng hóa, sản phẩm cũng thường được các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp sử dụng

Những hành vi mà các doanh nghiệp bán hàng đa cấp sử dụng hiện nay là: Yêu cầu người muốn tham gia phải mua một số lượng hàng hóa để được quyền tham gia mạng lưới; cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng hay lợi ích kinh tế khác từ việc dụ dỗ được người khác tham gia ban hàng đa cấp; cản trở người tham gia bán hàng đa cấp trả lại hàng hóa.

Bên cạnh đó, để lôi kéo người tham gia mạng lưới hoặc mua hàng hóa, sản phẩm, những doanh nghiệp kinh doanh đa cấp thường “thổi phồng” về công dụng của hàng hóa, sản phẩm kinh doanh theo phương thức đa cấp; công ty bán hàng đa cấp nhưng không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp do Cục quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương cấp; Công ty đa cấp không bán hàng mà sử dụng phương thức kinh doanh đa cấp để huy động tài chính…

Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Sở Công thương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp.

Theo đó, những vấn đề mà Sở Công thương cần khẩn trương xử lý như: Lợi dụng mô hình bán hàng đa cấp để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; kinh doanh theo phương thức đa cấp nhưng không đăng ký với cơ quan có thẩm quyền hoặc lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để huy động tài chính. Hàng hóa của doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình đa cấp bao gồm nguồn gốc xuất xứ, chất lượng và các nghĩa vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo quy định pháp luật chuyên ngành.

Việc thực hiện các quy định về tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo (có và không có yếu tố nước ngoài) của doanh nghiệp bán hàng đa cấp và người tham gia bán hàng đa cấp. Các hành vi thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp và lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp. Các nghĩa vụ thông báo hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp. Trong đó kiểm tra việc chi trả hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế cho người tham gia.

Công an tỉnh Thanh Hóa tổ chức trinh sát, xác minh về tổ chức, phương thức, thủ đoạn hoạt động, quy mô, số lượng người tham gia; kịp thời điều tra và truy tố trước pháp luật đối với các đơn vị, cá nhân hoạt động bán hàng đa cấp có dấu hiệu vi phạm hình sự.

Bên cạnh đó, các ngành Y tế, UBND các huyện, thị xã, thành phố…khẩn trương phối hợp với các ngành kiểm soát chặt chẽ hoạt động bán hàng đa cấp, hoạt động tổ chức hội nghị, hội thảo của doanh nghiệp bán hàng đa cấp và người tham gia bán hàng đa cấp tại địa phương.

Duy Tuyên