Thanh Hóa: Doanh nghiệp có nguy cơ phá sản vì sự chậm trễ của cơ quan chức năng

(Dân trí) - Đầu tư hàng chục tỷ đồng và mới đi vào hoạt động chưa được bao lâu thì Nhà máy phân bón Sao Nông đã bị UBND tỉnh Thanh Hóa cho dừng hoạt động với lý do gần khu dân cư. Tuy nhiên, việc chậm đưa ra kết quả kiểm nghiệm cùng với việc không phối hợp tìm địa điểm mới cho doanh nghiệp đã khiến Cty trên đà phá sản.

Báo điện tử Dân trí nhận được đơn kêu cứu của Công ty CP sản xuất và thương mại tổng hợp Cường Phát (Cty Cường Phát) có địa chỉ tại Lô 11/17, Khu công nghiệp Đông Vinh, xã Đông Vinh, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, phản ánh về việc các ngành chức năng của tỉnh Thanh Hóa chậm trễ trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khiến Cty đang đứng trước nguy cơ phá sản, đẩy Cty vào cảnh khốn khó.

Mòn mỏi chờ kết quả phân tích mẫu khí thải

Ông Hoàng Văn Cường, Giám đốc Cty Cường Phát cho biết năm 2015, Nhà máy Phân bón Sao Nông được UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý cho xây dựng nhà máy tại tại KCN Đông Vinh (xã Đông Vinh, TP Thanh Hoá). Nhà máy công suất 9.000 tấn phân NPK/năm và 500 tấn phân vi sinh/năm, có tổng mức đầu tư 26 tỷ đồng. Tháng 11/2015 Cty đi vào hoạt động. Tuy nhiên, mới vận hành được 2 tháng nhà máy đã bị nhân dân thôn Đa Sỹ, xã Đông Vinh kéo tới cổng yêu cầu phải đóng cửa với lý do gây ô nhiễm môi trường tại khu dân cư.

Thanh Hóa: Doanh nghiệp có nguy cơ phá sản vì sự chậm trễ của cơ quan chức năng - 1
Trong thời gian mòn mỏi chờ kết quả phân tích mẫu của cơ quan chức năng thì hơn 300 tấn phân đã sản xuất tồn đọng có nguy cơ hư hỏng
Trong thời gian mòn mỏi chờ kết quả phân tích mẫu của cơ quan chức năng thì hơn 300 tấn phân đã sản xuất tồn đọng có nguy cơ hư hỏng

Trước tình hình trên, 18/2, Sở TNMT tỉnh Thanh Hoá tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành đến làm việc tại Nhà máy. Đoàn kiểm tra quan trắc lấy mẫu khí thải trực tiếp tại ống khói và khí thải phát sinh trong quá trình vận hành sản xuất tại nhà máy, lập biên bản làm việc đưa ra kiến nghị yêu cầu Cty tạm dừng mọi hoạt động sản xuất để khắc phục một số kiến nghị mà đoàn đưa ra về xử lý chất thải phục vụ giai đoạn vận hành của đơn vị, cải tạo hệ thống xử lý khí thải lò sấy, công trình xử lý nước thải sinh hoạt, xây dựng khu tập kết rác thải sản xuất và nguy hại tránh rò rỉ ra môi trường. Cty đã nghiêm chỉnh chấp hành tạm dừng mọi hoạt động.

“Thực hiện chỉ đạo của cơ quan chức năng, Cty đã chấp hành và thực hiện hoàn thành các hạng mục công trình theo như kiến nghị trên của đoàn liên ngành và mong muốn các ngành chức năng nhanh chóng thực hiện kiểm tra nghiệm thu, đưa ra kết quả phân tích mẫu khí thải xem có đạt yêu cầu hay không, thế nhưng mọi kiến nghị của doanh nghiệp đều không nhận được hồi âm” - ông Cường nói.

Cũng theo ông Cường, Cty nằm trong KCN được UBND tỉnh Thanh Hóa quy hoạch, trong quá trình hoạt động Cty có đầy đủ hồ sơ pháp lý và được cấp có thẩm quyền đồng ý, cho phép xây dựng nhà máy thì Cty mới bỏ một số tiền lớn ra để đầu tư.

“Cty mới đưa vào vận hành hơn 1 tháng, chưa bị xử phạt về lỗi môi trường và chưa để lại hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, thế nhưng tỉnh Thanh Hóa vẫn đưa ra quyết định đình chỉ hoạt động của nhà máy và yêu cầu di chuyển đi nơi khác vì gần khu dân cư (hơn 300m) là chưa khách quan, gián tiếp đẩy Cty chúng tôi lâm vào khó khăn, việc làm đó đi ngược lại với Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp” - ông Cường bức xúc.

Được biết, quy trình sản xuất phân bón của nhà máy là quá trình sử dụng hóa chất, nhà máy nhập nguyên liệu dạng bán thành phẩm ở các đơn vị sản xuất phân bón khác về phối trộn, vo viên tạo thành sản phẩm theo định mức công thức có sẵn, không thuộc nhóm đối tượng trực tiếp sản xuất nitơ và phân đạm, sản xuất Amoniac, sản xuất phân lân và supe phốt phát. Vì thế Nhà máy phân bón Sao Nông không thuộc nhóm đối tượng độc hại cấp I, II, III theo theo tiêu chuẩn VN TCVN 4449-1987.

Hơn nữa, theo Quyết định số 3733/2002-QĐ-BYT ngày 10/10/2002 của Bộ Y tế, tiêu chuẩn khoảng cách 1.000m đến khu dân cư gần nhất chỉ áp dụng cho các cơ sở sản xuất nằm đơn lẻ ngoài khu chế xuất hoặc khu công nghiệp, có phát thải các yếu tố độc hại đối với môi trường và sức khỏe con người.

Công nhân mất việc, nhà máy bên bờ phá sản

Nhà máy phân bón Sao Nông đi vào hoạt động đã tạo công ăn việc làm hơn 100 lao động, thế nhưng kể từ ngày nhà máy bị đình chỉ công tác số lao động làm việc tại Cty chỉ còn hơn 30 người, số còn lại hiện đã nghỉ việc và bỏ đi tìm công việc khác.

“Hơn 10 tháng dừng mọi hoạt động, Cty chúng tôi đang gần như phá sản, không có khả năng chi trả các khoản lãi vay đầu tư ban đầu, không có tiền trả lương cho cán bộ nhân viên. Đồng thời, mất cơ hội cung ứng hàng hóa khi đã qua thời vụ, mất khách hàng, mất thị trường. Máy móc, thiết bị, dây truyền sản xuất không hoạt động bị hoen gỉ, hư hỏng” - ông Cường nói.

Cty hoạt động chưa được bao lâu thì bị đình chỉ khiến cho máy móc, thiết bị hoen gỉ, Cty trên đà phá sản
Cty hoạt động chưa được bao lâu thì bị đình chỉ khiến cho máy móc, thiết bị hoen gỉ, Cty trên đà phá sản

Trong đơn phản ánh, ông Cường cho biết hiện nhà máy đang tồn đọng hơn 3.000 tấn sản phẩm phân bón NPK đã sản xuất, hơn 1.000 tấn nguyên liệu bán thành phẩm nhập về đang tồn trong kho, nếu để lâu sẽ mất giá trị sử dụng và thiệt hại nặng nề về kinh tế.

Bà Hà Mai Nguyên, Phó giám đốc Cty Cường Phát cho biết sau khi UBND tỉnh Thanh Hóa làm việc với UBND TP Thanh Hóa, Cty và các bên liên quan đã đưa ra quyết định dừng hoạt động và yêu cầu di chuyển nhà máy đi nơi khác, Cty cũng đồng ý tuân theo.

“Chúng tôi đã tìm rất nhiều vị trí để di chuyển nhà máy nhưng hầu hết đã không được UBND tỉnh đồng ý vì khoảng cách không đảm bảo quy chuẩn (đều dưới 1.000 m), trong chỉ đạo UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị các ngành chức năng hỗ trợ doanh nghiệp trong việc di chuyển, tìm kiếm vị trí nhưng các ngành đều thờ ơ, để mặc doanh nghiệp chúng tôi “tự bơi”. Điều này khiến chúng tôi rất bất bình, lỗi dẫn đến nhà máy đóng cửa không phải do chúng tôi vì lúc kiểm tra, thẩm định cho xây dựng nhà máy mọi vấn đề đều đạt yêu cầu, nếu họ nói khoảng cách không đảm bảo thì chúng tôi chẳng dại gì bỏ ra một đống tiền rồi thành ra thế này” - bà Nguyên bức xúc.

Cũng theo bà Nguyên Cty đã có rất nhiều đơn kiến nghị gửi UBND TP và UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị xem xét, hỗ trợ doanh nghiệp tìm vị trí mới để cứu nhà máy, nhưng tất cả vẫn trôi vào im lặng.

“Chính phủ đang kêu gọi các địa phương phải tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng với việc chậm trễ xử lý kiến nghị của chúng tôi các ngành chức năng của tỉnh Thanh Hóa đang gián tiếp đẩy doanh nghiệp đến bước đường cùng phải đóng cửa, phá sản” - ông Hoàng Văn Cường lo lắng.

Được biết, hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang có 23 nhà máy sản xuất phân bón. Tuy nhiên, hầu hết các nhà máy đều không đáp ứng yêu cầu khoảng cách xa khu dân cư 1.000m theo quy định.

Nguyễn Thùy