Thanh Hóa: Công trình trường học vừa thi công vừa bị “rút ruột”?

(Dân trí) - Một công trình trường tiểu học được đầu tư hơn 2 tỷ đồng do tổ chức Phi chính phủ rót vốn ở một huyện miền núi nghèo của Thanh Hóa. Công trình được xây dựng là niềm vui của rất nhiều bà con, học sinh, giáo viên ở đây. Thế nhưng, công trình đang có dấu hiệu bị “rút ruột” nghiêm trọng.

Như Xuân là 1 trong 7 huyện miền núi nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa và là 1 trong 62 huyện nghèo nhất nước. Vào giữa năm 2016, trường tiểu học xã Xuân Qùy được tổ chức Phi Chính phủ World vision Việt Nam tài trợ cho xây dựng công trình với quy mô 1 tầng 5 phòng học có diện tích hơn 354 m2, rãnh thoát nước có chiều dài 62m, diện tích sân bê tông 386m2, bồn hoa, chậu rửa với tổng mức đầu tư gần 2,2 tỷ đồng.

Công trình trường học 5 phòng cùng với một số hạng mục như sân bê tông, bồn hoa, rãnh thoát nước, chậu rửa có mức đầu tư hơn 2,2 tỷ đồng
Công trình trường học 5 phòng cùng với một số hạng mục như sân bê tông, bồn hoa, rãnh thoát nước, chậu rửa có mức đầu tư hơn 2,2 tỷ đồng

Công trình được thi công bởi đơn vị Hợp tác xã TTCN - DV Khánh Dũng (có địa chỉ tại khu 1 thị trấn Yên Cát huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa), đơn vị giám sát là Cty TNHH tư vấn xây dựng Hoàng Kiên. Dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng đầu năm 2017.

Đến thời điểm hiện tại, công trình đã cơ bản được hoàn thành. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân ở đây thì công trình có nhiều hạng mục nghi bị “rút ruột”.

Cũng trong quyết định phê duyệt dự án, tam cấp của công trình phải được ốp bằng đá granit màu đỏ thế nhưng thực tế, tam cấp của công trình lại sử dụng bằng gạch không nung.

Bên cạnh đó, loại sơn mà đơn vị thi công sử dụng là sơn không được đánh giá là loại sơn tốt nhất trên thị trường hiện nay.

“Với mức đầu tư gần 2,2 tỷ đồng thì chúng tôi nghĩ nguyên liệu xây dựng phải là những nguyên liệu tốt nhất” - một người dân xã Xuân Qùy nêu quan điểm.

Loại sơn sử dụng cho công trình cũng không được đánh giá la sơn tốt nhất trên thị trường
Loại sơn sử dụng cho công trình cũng không được đánh giá la sơn tốt nhất trên thị trường

Đặc biệt, theo nguyên tắc thành phần giám sát phải bao gồm Chủ đầu tư, Cty giám sát và chính đơn vị trực tiếp được thụ hưởng. Tuy nhiên, trong dự án này, được biết, đơn vị thụ hưởng là trường tiểu học xã Xuân Qùy lại không nằm trong ban giám sát được thể hiện bằng văn bản.

Ông Chu Văn Vượng, Hiệu trưởng trường tiểu học xã Xuân Qùy cho biết: “Chúng tôi chỉ giám sát theo trách nhiệm thôi chứ trên văn bản giấy tờ thì không có văn bản nào thể hiện trường có trong thành phần ban giám sát. Mà nếu giám sát thì chúng tôi phải có trong tay bản thiết kế thì mới biết đơn vị thi công làm không đúng chỗ nào nhưng chúng tôi cũng không được biết đến bản thiết kế này”.

Cũng theo ông Vượng thì ông cũng nghi ngờ chỗ hạng mục tôn và xà gồ hơi mỏng, có vẻ như độ dày không đúng như trong thiết kế.

Điều đáng nói là khi PV đề nghị được tiếp cận hồ sơ, thiết kế của công trình để làm rõ những nghi vấn của người dân thì ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân tìm mọi cách từ chối.

“Hiện công trình đã cơ bản hoàn thành, nhà thầu cũng đề nghị cho nghiệm thu và đưa vào sử dụng, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chúng tôi vẫn chưa cho nghiệm thu. Nếu có phản ánh như báo chí nêu, huyện sẽ cho kiểm tra và yêu cầu làm lại đúng như trong thiết kế và xử lý theo quy định”, ông Phương nói.

Liên quan đến việc tại sao nhà trường là đơn vị trực tiếp thụ hưởng lại không nằm trong Ban giám sát, ông Phương cho biết: "Hiệu trưởng nói thế là không được, không có văn bản nhưng trách nhiệm của ông là phải giám sát chứ, không có thiết kế để đối chiếu giám sát thì ông ấy phải có trách nhiệm đi hỏi".

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Nguyễn Thùy