Hồi âm:

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: “Giải mã” nhiều thông tin tại kết luận thanh tra

(Dân trí) - Báo Dân trí đã có bài đề cập đến việc Thanh tra Chính phủ chỉ ra các vi phạm tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN). Mới đây, tòa soạn đã nhận được thông tin từ PVN giải trình, xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ xung quanh nhiều nội dung quan trọng.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: “Giải mã” nhiều thông tin tại kết luận thanh tra
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - Doanh nghiệp đầu tàu và trụ cột của nền kinh tế nước nhà

Điểm danh 9 “lỗi”

Tại Kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ và yêu cầu PVN xử lý 9 lỗi trong quản lý điều hành.

Một là, thu hồi về Quỹ sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp Tập đoàn Dầu khí số tiền 1.922,2 tỉ đồng từ việc cổ phần hoá mà một số đơn vị chưa nộp về Quỹ.

Hai là, báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng 15.000,6 tỉ đồng cho các hoạt động tài chính không thuộc dự án trọng điểm dầu khí.

Ba là, điều chỉnh lại đúng nguồn khoản tiền 11,8 tỉ đồng được sử dụng từ Quỹ nghiên cứu Khoa học và Đào tạo mà Tập đoàn Dầu khí đã sử dụng để xây dựng trường Trung học phổ thông Đất Mũi.

Bốn là, báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính trong việc tự ứng vốn cho các tỉnh Sóc Trăng, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hậu Giang…

Năm là, chỉ đạo các đơn vị thành viên rà soát việc đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp, xác định những đơn vị bị thua lỗ để có kế hoạch thoái vốn, tái cơ cấu thích hợp để bảo toàn tài sản Nhà nước.

Sáu là, chỉ đạo PVEP thu hồi khoản tiền PTSC chưa thanh toán theo hợp đồng chuyển nhượng tàu Bình Minh 02; khoản tiền 111,78 tỉ đồng PVC chưa thanh toán cho PVEP trong việc chuyển nhượng Khách sạn Thái Bình.

Bảy là, rà soát lại tất cả các gói thầu chưa đúng quy định, phân tích nguyên nhân chỉ định thầu và đánh giá hiệu quả đối với các gói thầu sai quy định, đồng thời chấm dứt việc chỉ định thầu các dự án của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho các đơn vị không phải là thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Tám là, yêu cầu Tập đoàn Dầu khí và một số nhà thầu thực hiện nghiêm túc việc trích Quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính theo Quyết định số 40/2007/QĐ-TTg ngày 21/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ.

Cuối cùng, PVN kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm như đã nêu trong Kết luận thanh tra.

Bài toán lịch sử

Ông Phùng Đình Thực, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN cho biết: Đến thời điểm 31/12/2010, PVN đã thực hiện cổ phần hóa được 17 công ty. Các đơn vị được nêu trong kết luận thanh tra chưa nộp ngay tiền cổ phần hóa về Tập đoàn là những đơn vị gặp khó khăn về vốn do những nguyên nhân khác nhau.

Trong 2 năm 2010 và 2011, Tập đoàn đã có các công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc đã sử dụng tiền lãi dầu khí để lại cho PVN. Theo đó, PVN kiến nghị Thủ tướng chấp thuận việc sử dụng nguồn lãi nước chủ nhà để lại PVN để đầu tư góp vốn cho hoạt động tìm kiếm thăm dò tại Rusvietpetro và PVEP. Đây là hoạt động cốt lõi của Tập đoàn (hoạt động này đã được đánh giá có hiệu quả cao trong kết luận của Thanh tra Chính phủ) và phù hợp với Kết luận 41/KL-TW ngày 19/1/2006 của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam.

Theo đó “từ năm 2007 trở đi, hàng năm để lại cho Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) ít nhất 50% lợi nhuận được chia cho chủ nhà từ Xí nghiệp liên doanh Dầu khí Vietsovpetro (nay là liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro) và các hợp đồng chia sản phẩm; Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam được chủ động sử dụng phần tài chính này để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh”.

Ngày 14/10/2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1786/QĐ-TTg về việc ban hành tiêu chí xác định công trình, dự án dầu khí được phép sử dụng tiền lãi, dầu, khí nước chủ nhà được Nhà nước để lại cho PVN. Theo đó, các công trình, dự án phát triển mỏ dầu khí trong nước và nước ngoài có trong quy hoạch phát triển ngành Dầu khí là đối tượng đáp ứng tiêu chí xác định công trình, dự án dầu khí. PVEP và Rusvietpetro là hai đơn vị của PVN thực hiện các chức năng trên nên việc sử dụng nguồn vốn trên là phù hợp.

Việc ứng trước vốn cho các địa phương, ngành trong các năm qua của Tập đoàn là để giúp các địa phương, ngành thực hiện các hạng mục công trình ngoài hàng rào và công trình gắn với các dự án đầu tư của Tập đoàn. Việc PVN ứng vốn cho các tỉnh Sóc Trăng, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hậu Giang để các địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng khi chưa có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sử dụng Quỹ ĐTPT cho các địa phương để xây dựng các công trình không phải là công trình dầu khí đều đã được giải quyết. 

Ông Thực cũng cho biết: Việc đầu tư vào các đơn vị khác do các công ty thành viên đầu tư thực hiện trong các năm trước đây là phù hợp với điều lệ tổ chức hoạt động của PVN và phù hợp với điều kiện thị trường và nền kinh tế tốt. Tuy nhiên, hiệu quả một số doanh nghiệp hoạt động chưa cao do mới thành lập và chịu sự ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế. Tập đoàn đã và đang chỉ đạo các đơn vị tái cấu trúc sắp xếp lại để đảm bảo nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị. 

Bà Phạm Thu Hà, Phó tổng giám đốc PVN cho biết: Tập đoàn đã rà soát, phân tích nguyên nhân các gói thầu chỉ định thầu chưa đúng quy định. Việc chỉ định thầu cho những đơn vị không thuộc Tập đoàn phần lớn các gói thầu này đều là các công việc chuyên ngành (như cắm mốc ranh, tư vấn hỗ trợ đền bù, cấp chứng chỉ công trình) hoặc các công việc đòi hỏi chuyên môn cao (tư vấn quản lý dự án đường ống dẫn khí, khảo sát biển…). Mà tại thời điểm đó chưa có đơn vị thành viên của Tập đoàn có thể thực hiện được.

Ngoài ra, một số gói thầu được chỉ định vào thời điểm căn cứ Công văn số 2006/VPCP-KTN ngày 29/3/2010, theo đó Thủ tướng Chính phủ đồng ý để HĐTV Tập đoàn chủ động xem xét, quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu. Bên cạnh đó, các gói thầu này đều đã tiết giảm được chi phí so với dự toán gói thầu được phê duyệt hàng triệu USD và hàng tỉ đồng (một số gói thầu giảm được từ 4,4- 15% so với dự toán được duyệt), với chất lượng và tiến độ triển khai được đảm bảo, các gói thầu đã đóng góp hiệu quả vào kết quả sản xuất kinh doanh của đơn vị.

Vũ Văn Tiến