Ba phút cùng luật sư:

Tấn công website của cơ quan nhà nước, hình phạt không chỉ là tiền!

(Dân trí) - Gần đây xuất hiện tình trạng các trang mạng bị tấn công, thủ phạm thường là các bạn trẻ bắt đầu tìm tòi mảng bảo mật. Theo các luật sư, các bạn trẻ đơn thuần nghĩ đó chỉ là thử sức, hay thể hiện mà không lường được hậu quả có thể rất nghiêm trọng, hành vi của họ có thể bị xử lý hình sự.

Trong chương trình “Ba phút cùng luật sư” kỳ này, luật sư Nguyễn Đức Chánh - cộng tác viên Thư viện pháp luật, sẽ chia sẻ kĩ hơn các tội danh và mức xử phạt đối với hành vi tấn công website của các cơ quan nhà nước.

Hành vi tấn công website cơ quan nhà nước có thể bị xử lý hình sự?

Thưa luật sư, vừa qua đã xảy ra vụ việc 2 thiếu niên tấn công hàng loạt trang website của các sân bay. Theo quy định pháp luật thì hành vi này sẽ bị xử lý như thế nào thưa ông?

Theo Điều 7 của Luật An toàn thông tin mạng 2015 có quy định 6 hành vi bị nghiêm cấm như sau:

- Ngăn chặn việc truyền tải thông tin trên mạng, can thiệp, truy nhập, gây nguy hại, xóa, thay đổi, sao chép và làm sai lệch thông tin trên mạng trái pháp luật.

- Gây ảnh hưởng, cản trở trái pháp luật tới hoạt động bình thường của hệ thống thông tin hoặc tới khả năng truy nhập hệ thống thông tin của người sử dụng.

- Tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng của biện pháp bảo vệ an toàn thông tin mạng của hệ thống thông tin; tấn công, chiếm quyền điều khiển, phá hoại hệ thống thông tin.

- Phát tán thư rác, phần mềm độc hại, thiết lập hệ thống thông tin giả mạo, lừa đảo.

- Thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác; lợi dụng sơ hở, điểm yếu của hệ thống thông tin để thu thập, khai thác thông tin cá nhân.

- Xâm nhập trái pháp luật bí mật mật mã và thông tin đã mã hóa hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; tiết lộ thông tin về sản phẩm mật mã dân sự, thông tin về khách hàng sử dụng hợp pháp sản phẩm mật mã dân sự; sử dụng, kinh doanh các sản phẩm mật mã dân sự không rõ nguồn gốc.

Theo Điều 8 Luật An toàn thông tin mạng 2015 về xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thông tin mạng thì người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Theo luật sư Chánh, các bạn trẻ đơn thuần nghĩ đó chỉ là thử sức, hay thể hiện mà không lường được hậu quả có thể rất nghiêm trọng, hành vi của họ có thể bị xử lý hình sự
Theo luật sư Chánh, các bạn trẻ đơn thuần nghĩ đó chỉ là thử sức, hay thể hiện mà không lường được hậu quả có thể rất nghiêm trọng, hành vi của họ có thể bị xử lý hình sự

Nếu bị xử phạt hành chính thì mức phạt là bao nhiêu, thưa ông?

Theo khoản 3,4 Điều 54 Nghị định 174 năm 2013 của Chính phủ thì sẽ phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi “Tạo ra và cài đặt chương trình vi rút máy tính hoặc phần mềm gây hại hoặc đoạn mã gây hại để thực hiện một trong những hành vi quy định tại Điều 71 của Luật công nghệ thông tin”.

Còn hành vi “phát tán chương trình vi rút máy tính hoặc phần mềm gây hại hoặc đoạn mã gây hại để thực hiện một trong những hành vi quy định tại Điều 71 của Luật công nghệ thông tin” sẽ bị phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng.

Còn trong trường hợp nào thì hành vi tấn công mạng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thưa ông?

Theo quy định tại Điều 225 Bộ luật Hình sự năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009), các hành vi sau đây nếu gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy tố về tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số.

Thứ nhất là tự ý xóa, làm tổn hại hoặc thay đổi phần mềm, dữ liệu thiết bị số;

Thứ 2 là ngăn chặn trái phép việc truyền tải dữ liệu của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số;

Thứ 3 là các hành vi khác cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số.

Người phạm tội này thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.

Khung hình phạt cao nhất là bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm, nếu thực hiện hành vi “Đối với hệ thống dữ liệu thuộc bí mật nhà nước; hệ thống thông tin phục vụ an ninh, quốc phòng; Đối với cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia; hệ thống thông tin điều hành lưới điện quốc gia; hệ thống thông tin tài chính, ngân hàng; hệ thống thông tin điều khiển giao thông; Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.”.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Xin cảm ơn Thư viện Pháp luật và luật sư Nguyễn Đức Chánh đã hỗ trợ chúng tôi thực hiện chương trình này!

Tùng Nguyên - Phạm Nguyễn - Thiên Thanh (thực hiện)