Tâm sự của một người khuyết tật

Tôi là người khuyết tật. Hiện nay tôi đã 31 tuôi đang có công việc ổn định, tuy nhiên tôi vẫn bị nhiều người phân biệt đối xử. Vì vậy tôi vẫn mặc cảm và đeo đẳng một nỗi buồn của người bị khuyết tật.

Tôi không bao giờ quên được những năm tháng là học sinh đã bao đêm tôi khóc thầm vị bị bạn bè trêu chọc, bị trẻ con chế giễu. Ngay cả trong mơ tôi vẫn bị nỗi buồn ấy ám ảnh. Tôi cử tưởng đến khi trưởng thành sẽ không còn bị ai chế giễu nữa. Vậy mà lúc đã là thanh niên, tôi đi qua một đám đông người ta cười rộ lên và bình phẩm bằng những lời thật bất nhã, có thể nói là độc ác nữa. Đối với người bình thường thì họ tưởng đó chỉ là những câu trêu chọc người tàn tật để giải trí nhưng với tôi chẳng khác nào những mũi kim đâm vào trái tim mình. Không những vậy, sau khi cất lên những lời bình phẩm khiếm nhã ấy, họ còn cười hể hả vì đã có dịp đưa một người tật nguyền ra làm trò cười! Những người không cười thì nhìn tôi với vẻ thương hại.

 

Nhiều lúc tôi nghĩ số phận minh khổ sở thế, sinh ra để làm trò cười cho thiên hạ.Tôi cảm thấy tủi nhục vô cùng và có lần đã nghĩ đến cái chết để kết thúc những ngày sống đen tối. Trong công việc, tôi cùng không được đối xử bình đẳng. Tôi buồn. Rất buồn. Và cô độc!

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Vì  vậy chắc các bạn hiểu cảm giác của tôi khi biết tin em học sinh P.M.V. ở trường Xuân La (quận Tây Hồ, Hà Nội) bị bạn bè hành hạ. Các bạn đừng trách trẻ con vì còn thiếu ý thức và chưa từng trải, chưa biết động lòng và biết thương những cảnh ngộ bất hạnh. Chính người lớn mới có lỗi và đáng trách.

 

Chúng ta đã không giáo dục trẻ em biết yêu thương các bạn có hoàn cảnh đau thương, bất hạnh. Những đứa trẻ vô cảm đó lớn lên sẽ trở thành những người vô tình và thiếu nhân tính. Dân tộc Viêt Nam ta vẫn tự hào về truyền thống nhân đạo thương yêu đùm bọc lẫn nhau, tại sao lại có nhiều ngưòi vô tình trước nỗi đau của người khác như vậy. Tại sao ở Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến mà có một ngôi trường như vậy? !

 

Tôi rất thương em P.M.V. và từ đáy lòng mình, tôi muốn được chia sẻ nỗi đau của em cũng như của những người khuyết đã sinh ra trên cõi đời này và bị đối xử bất công hết năm năm này sang năm khác. Sao vô lý vậy, dù sao chúng tôi cũng là con người biết suy nghĩ và có lòng tự trọng, biết “thương người như thể thương thân” chứ không sống vô tình, bạc bẽo như bao kẻ khác đã lấy chúng tôi ra để chế giễu, làm trò cười vô lương tâm như họ !

 

Tôi gửi lá thư này tới Diễn đàn Dân trí, một Diễn đàn biết quan tâm tới những số phận hẩm hiu của những người tàn tật như em P.V.M., đã lên tiếng bênh vực và bảo vệ em. Đấy là một nghĩa cử thật đẹp làm cho tôi thật sự cảm động và biết ơn.

 

Chúng tôi muốn tâm sự với các anh các chị làm Diễn đàn này là chúng tôi - những người không may bị tật nguyền- có những nỗi đau mà không có gì bù đắp được. Có lẽ không ít người chưa hiểu được người khuyết tật là gì? -Đó là người không thể làm được một việc đơn giản nhất mà người bình thường coi là tự nhiên như tôi không thể tự bước lên bậc thềm khi không có ai dắt; lại có người không nói năng được bình thường; thậm chí bị khiếm thị, khiếm thính…Mỗi người một cảnh ngộ nhưng có chung nỗi đau của người khuyết tật! Tôi tha thiết mong Tòa soạn báo Dân trí điện tử cho mở rộng diễn đàn này về chủ đề người khuyết tật để mọi người cùng tham gia để có cái nhìn thông cảm hơn với chúng tôi.

 

Và tôi cũng muốn chia sẻ nỗi buồn với Chị  Hanh, mẹ em P.M.V. Xin chị hãy động viên cháu vượt qua những khó khăn trong lúc này. Chị à, đoạn đường cháu đang đi chỉ mới bắt đầu. Chị hãy yêu thương cháu thật nhiều. Em tin rằng xã hội sẽ có sự nhìn nhận đúng đắn hơn và quan tâm nhiều hơn đối với những người không may bị tật nguyền, Nhưng em luôn nghĩ rằng không ai quan tâm  bằng bố mẹ mình. Các cụ thường nói “Con lành thương ít. Con tịt thương nhiều” phải không chị. Chính sự quan tâm yêu thương và động viên của cha mẹ là nguồn động lực to lớn giúp con em tật nguyền của mình có thể vượt lên trên số phận. Em cầu mong cho cháu P.M.V. sẽ là một người con như thế.

 

Hương Nguyên
<linhngockhth@yahoo.com.vn>

 

LTS Dân trí - Đọc bài viết trên đây của bạn Hương Nguyên khiến cho tất cả những ai có tấm lòng vị tha đều thấy cảm động và càng thông cảm nhiều hơn đối với những người không may bị tật nguyện.

 

Sinh ra ai chẳng muốn làm một người lành lặn, có trí tuệ phát triển bình thường, song những người không may bị tật nguyền, không được hưởng cái diễm phúc như vậy thì điều đó quả thật là nỗi khổ tâm không gì bù đắp nổi ! Vì vậy, họ là đối tượng xứng đáng được xã hội quan tâm đặc biệt.

 

Sự quan tâm đó không những được thể hiện bằng những chính sách ưu tiên của Nhà nước mà còn biểu lộ bằng thái độ và hành động thiết thực của mọi người luôn bầy tỏ  tấm lòng thân ái và sẵn sàng giúp đỡ những người đồng bào mình không may bị tật nguyền. Đấy cũng là cách ứng xử theo đúng truyền thống đạo lý “Thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam ta.